Sốt cả ruột vì con khóc ăn vạ
Chích Bông (3 tuổi) đòi mẹ bế đi chơi không được là khóc ầm lên. Nếu mẹ áp dụng bài ‘mặc kệ’ thì con bò lê ra sàn, như cái giẻ lau nhà, gần tiếng đồng hồ khóc dấm dứt
Lúc nhà có khách, thấy con nài nỉ gọt bút chì, Hạnh bảo con: “Để lát nữa vì mẹ đang bận”. Nghe mẹ nói thế, bé Chích Bông lại khóc thét lên, ai đến gần là xua tay đuổi người đó. Quyết không khoan nhượng với con, Hạnh kiên trì bỏ mặc, để bé khóc lóc bao lâu tùy thích. Muốn chống đối lại mẹ, bé vẫn khóc âm ỉ cho đến khi bà nội đang ở trên gác phải xuống, trách con dâu: “Sao để nó khóc lâu thế? Sốt cả ruột”. Cuối cùng, Hạnh đành chịu thua con, phải gọt bút chì theo đúng yêu cầu của bé.
Bé Bim (22 tháng tuổi) nhưng sáng nào ngủ dậy cũng khóc lóc đòi mẹ bế, cương quyết không theo ai khác. Mẹ không bế mà kéo tay dắt đi thì bé khóc lóc, không nghe theo mẹ. Định để cho con khóc chán thì thôi nhưng Liên (mẹ bé) rất khó thực hiện điều này vì thời gian buổi sáng rất ít ỏi. Nhắc nhở, khuyên bảo rồi động viên con đủ kiểu nhưng bé vẫn mè nheo. Cứ “vật lộn” với con kiểu này nên nhiều lúc, Liên không giữ được bình tĩnh, cáu giận và đánh vào mông con.
Thiếu bình tĩnh sẽ hỏng ‘kế hoạch’
Phần lớn cha mẹ đều phải đối mặt với những cơn mè nheo từ các bé. Mẹ không cho chơi thứ này, không cho nghịch cái kia… là bé dở bài ăn vạ. Điều khó là cơn khóc lóc, dỗi hờn ở bé thường rất dai dẳng (có khi kéo dài cả giờ đồng hồ) với đủ cách nài nỉ, khua chân tay, khóc lóc. Kết quả, cha mẹ dễ mất bình tĩnh, đáp ứng luôn cho con để đỡ “nhức đầu”. Do đó, phương pháp trị “bệnh” mè nheo cho bé bằng “phớt lờ” không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả.
Đấy là chưa kể, khi bố mẹ kiên trì bỏ mặc con khóc thì ông bà có thể can thiệp, trách mắng lại con dâu rồi nhanh chóng đáp ứng đòi hỏi của cháu. Khi đó, bé càng thích dùng mè nheo để đạt được thứ mình muốn.
Trước tiên, cha mẹ cần hiểu, mè nheo là sự phát triển tâm lý bình thường ở bé. Nhu cầu được bố mẹ quan tâm của các bé thường rất lớn nên nhiều bé, ở nhà với người giúp việc rất ngoan nhưng thấy bóng bố mẹ là bắt đầu nũng nịu, ăn vạ, đòi thứ nọ, thích cái kia… Nếu đó là thứ không được phép, cần cương quyết nói không và giải thích với con. Nếu không kiên định, bé càng dễ “lấn tới”, đòi hỏi nhiều hơn vào lần sau…
Phụ huynh cũng nên tìm hiểu nhu cầu của con: có thể do con đói, khát, lo lắng nên khóc lóc và thường như thế, cha mẹ lại cho rằng con hư đốn, rồi quát mắng, trách phạt con. Ngoài ra, nhiều bậc cha mẹ không có đủ thời gian dành cho con, không biết cách lắng nghe và thấu hiểu tâm lý của con. Do bận bịu và áp lực công việc nên con đòi cái gì là cha mẹ cáu gắt.
Để ứng phó với con, phụ huynh cần chuẩn bị tâm lý, tránh nóng vội. Có thể tìm một nơi trong nhà, gọi là “khu vực không ngoan”, để bé tha hồ khóc lóc, vòi vĩnh. Đó có thể là một góc trong phòng khách, phòng ngủ hoặc nhà vệ sinh và nhấn mạnh: “Con như thế là hư. Con ở đây khóc xong rồi gọi mẹ nhé”. Nhưng cần tránh khóa cửa (đóng cửa), cứ để cửa mở trong khi cha mẹ vẫn sinh hoạt bình thường ở phòng bên cạnh. Nhiều lần như thế, bé sẽ giảm dần thời gian khóc lóc trước khi bỏ hẳn tật xấu khó chịu này.
Việc dạy con vô cùng nan giải vì không phải mẹ nói gì, con cũng răm rắp nghe theo. Cũng không phải 1-2 lần là bé ngoan, biết phân biệt điều đúng, điều sai. Quan trọng là cha mẹ cần kiên trì và linh hoạt, lúc nào nhỏ nhẹ, khi nào lớn tiếng và thậm chí, là cách “tét vào mông” nhưng không nên lạm dụng vì nó khiến bé bị “dạn đòn”, sẽ khó hiệu quả cho những lần sau.
Theo Mẹ và bé