Bé khóc đêm, nên để một lúc sau hãy dỗ
Khi trẻ khóc đêm, cha mẹ không nên can thiệp ngay mà cần đợi một thời gian rồi mới tới vỗ về bé. Điều này sẽ giúp trẻ học cách tự ru mình.
Đa số cha mẹ đều cảm thấy lo lắng và mệt mỏi vì bé thức dậy ban đêm và khóc. Tuy nhiên, nhờ tiếng khóc mà trẻ có thể tự điều chỉnh giấc ngủ hợp lý hơn.
Phương pháp này được tổng kết sau khi tiến hành nghiên cứu 156 bà mẹ có con ở độ tuổi từ 6 tháng đến 1 năm hay khóc đêm. Họ được chia ra làm hai nhóm: Nhóm 1 được học cách kiểm soát tiếng khóc của trẻ và các kỹ năng khác về giâc ngủ theo phương pháp Feber; Nhóm 2 không được luyện tập gì.
Sau 2 tháng, những đứa trẻ ở nhóm 1 cải thiện được rất nhiều những trục trặc về giấc ngủ và các bà mẹ cũng cảm thấy đỡ mệt mỏi hơn.
Tiến sĩ Kuhn - một thành viên của nhóm nghiên cứu nói rằng, phần lớn các bé đều học được cách tự trấn an mình mà không cần tới sự giúp đỡ của cha mẹ trong vòng chưa tới 1 tuần. Ý tưởng của phương pháp Feber là làm cho trẻ yên tâm rằng có bạn ở bên cạnh, nhưng không gây hứng thú cho trẻ bằng cách vuốt ve, bế rung hay hát ru. Hoàn toàn không có bằng chứng nào cho thấy những đứa trẻ được bỏ cho khóc sẽ bị tổn thương".
Đây là biện pháp rất có hiệu quả. Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng tình nó vì hầu hết cha mẹ đều không thể ngồi im nhìn con khóc mà không dỗ dành.
Một vài nét về kỹ thuật Feber (Áp dụng cho trẻ có trục trặc giấc ngủ về đêm khi lên 6 tháng tuổi):
- Khi bé bắt đầu khóc, hãy đợi 1-2 phút trước khi tới để vỗ về. Đụng chạm và nói chuyện với bé càng ít càng tốt. Đừng bế bé dậy và cũng đừng bật đèn.
- Rời khỏi phòng khi bé thôi khóc. Lần sau, nếu bé lại khóc, hãy đợi 3-4 phút, và lần tiếp theo thì đợi 5-6 phút. Nhớ là không bế bé dậy và không bật đèn.
Tiếp tục bài tập này cho tới khi bé ngủ thiếp đi. Một số phụ huynh có thể đợi tối đa 10 phút trước khi bước vào phòng con, nhưng có người có thể đợi được 15 phút và lâu hơn.