Trẻ khóc có nên cầu cúng, chữa mẹo?
Thấy cháu nội mới 4 tháng tuổi khóc cả ngày lẫn đêm, nghĩ do hợp tuổi với ai quá cố nên bị trêu, ông bà chạy khắp nơi tìm cách cúng bái mà cu Tý vẫn khóc không thôi.
Phản ứng trước một điều gì đó hoặc mong được đáp ứng ý muốn của mình, trẻ thường lấy tiếng khóc để thể hiện nhu cầu đó.
Đủ các kiểu khóc
Chị Tô Thị Hoa, nhân viên trung tâm Tân Việt Moto kể, con trai chị, bé Chiến (hơn 4 tháng tuổi), thường xuyên khóc nhè không chỉ ban ngày mà cả ban đêm.
Bố mẹ chồng chị tin chuyện thờ cúng nên cứ đổ do hợp tuổi với ai quá cố trong nhà nên bị trêu cho khóc. Nhưng cúng bái chán, chữa mẹo chán, tình trạng này vẫn cứ xảy ra hàng ngày. Cuối cùng chị đành phải đưa con tới bệnh viện để được chữa trị về mặt bệnh lý.
Chị Minh chia sẻ: “Bây giờ mới thấy chữa bệnh khóc nhè cho con bé khó thật, ngày ít nhất cháu cũng khóc 2 - 3 lần. Ở lớp, cô giáo của Thư cũng phải thấy nóng ruột và chiều chuộng Thư hơn vì sợ bé khóc”.
Tương tự, bé Phạm Gia Phúc (3 tuổi) con của chị Lê Thị Mận phố Chùa Hà, Cầu Giấy, Hà Nội, trước kia rất ngoan, nhưng thời gian gần đây lại thường xuyên nũng nịu, hay khóc nhè theo kiểu “ăn vạ”.
Chị Mận cho hay: “Mỗi khi tới lớp, Phúc lại oà khóc nhưng chẳng có nước mắt và phải đòi mua bằng được cái gì mới vào lớp. Khi ở nhà, cứ mẹ đi bước nào, Phúc lẵng nhẵng đi đằng sau và khóc”. Chị Mận sợ con mình được chiều quá sinh hư.
Chị Vũ Thị Hiếu, giáo viên Trường mầm non tư thục V.X (Hoàng Mai, Hà Nội) kể đã tiếp xúc với nhiều thế hệ trẻ. Khi đến lớp mới đầu, không trẻ nào không khóc. Có nhiều cháu bé khi quen rồi, không khóc nhưng có nhiều cháu đi học tới hai năm vẫn khóc ròng.
Trẻ khóc có muôn vàn lý do
Theo ThS- Bác sĩ Cao Vũ Hùng – Phó trưởng Khoa Tâm bệnh - Bệnh viện Nhi Trung ương: Khóc là một cách thể hiện cảm xúc, phản ứng hay đáp ứng lại của trẻ trước một tình huống có thể làm cho đứa trẻ sợ.
Khóc cũng không phải là một bệnh lý hoàn toàn, trẻ dưới 1 tuổi thường hay khóc nhiều nhất. Ở trẻ lớn hơn, khả năng phát triển về mặt nhận thức đã có nên ở mức độ nào đó đứa trẻ không thể hiện bằng hành vi khóc nhè. Khi đó, đứa trẻ thể hiện bằng hành vi ngôn ngữ bộc lộ ra ngoài.
Bác sĩ Hùng cho hay có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ khóc.
Ở từng giai đoạn khác nhau, trẻ dưới 6 tháng tuổi khóc khi bị đói, bị đau, thiếu chăm sóc. Trên 6 tháng tuổi, trẻ thường khóc khi gặp người lạ. Điều này cũng hoàn toàn bình thường vì nếu gặp những người lạ mà đứa trẻ tỏ ra bình thường, không khóc, sẽ báo hiệu một điều phát triển sớm bất thường, có thể dẫn đến rối loạn sinh trưởng ở trẻ.
Ở giai đoạn trẻ lớn hơn, khóc để đòi hỏi người khác đáp ứng nhu cầu của mình. Đặc biệt là những đứa trẻ hay tủi thân, bị trầm cảm cũng rất dễ khóc. Bác sĩ Hùng cho biết nhiều đứa trẻ đã lớn tới 15 tuổi mà vẫn thường hay khóc nhè. Nếu không có nguyên nhân bên ngoài tác động đến, những trường hợp đó đang rơi vào trạng thái trầm cảm.
Những trường hợp đứa trẻ khóc bất thường, vô cớ, khóc thét lên không do yếu tố nào tác động, trường hợp này cha mẹ cần cảnh giác hơn vì đó có thể khóc vì bệnh lý. Cần cắt nghĩa được nguyên nhân khiến đứa trẻ khóc. Nếu khóc rên rỉ là trường hợp trẻ rối loạn về mặt sinh trưởng. Đứa trẻ hay khóc đêm có thể là do đói và rối loạn giấc ngủ.
Trẻ khóc không hợp lý, kéo dài cần đưa bé đi khám bác sĩ tâm lý, bác sĩ nhi khoa để tìm cách khắc phục. Khóc nhiều gợi ý một dấu hiệu phát triển về mặt tâm thần và thể chất.