Mỗi lần được anh trai ôm em gái lại khóc ré lên, khi mở quần áo của con gái ra xem người mẹ không khỏi hốt hoảng
Không chỉ bà mẹ mà ai cũng thấy khó hiểu khi cô con gái út mới sinh thường khóc ré lên mỗi lần được anh trai ôm hôn.
Bà mẹ tên Tiểu Phần (Trung Quốc) luôn cho rằng có hai đứa con thì gia đình sẽ vui hơn, chưa nói còn giúp chúng hỗ trợ lẫn nhau khi lớn lên. Chính vì thế cô quyết định sinh con thứ hai. Cô đã có một đứa con trai, lần sinh thứ hai là một bé gái khiến cả nhà cô ai cũng vui mừng. Thấy con trai rất hào hứng với sự ra đời của em gái càng khiến Tiểu Phần yên tâm và mãn nguyện.
Nhưng sau đó bà mẹ này nhận ra một điều, cứ hễ anh trai ôm hôn em gái mình là cô bé lại khóc ré lên. Lúc đầu cô nghĩ vì con trai còn nhỏ, tư thế ôm hoặc động tác hôn má em không đúng khiến con gái thấy khó chịu. Nhưng nhiều lần như vậy khiến Tiểu Phần cũng đâm hoang mang. Nhất là khi những người khác có hành động tương tự thì con gái cô lại chẳng biểu hiện gì khác lạ.
Cho đến khi cô tình cờ cởi áo của con gái 3 tháng ra xem ngay lúc ấy thì hốt hoảng khi thấy trên cánh tay con xuất hiện những vết hằn đỏ do móng tay cấu vào. Vì còn qua lớp quần áo nên vết hằn không sâu, bình thường cô không kiểm tra, đợi tới giờ tắm cho con gái thì có lẽ những vết đó đã kịp biến mất. Thành ra mãi cô mới phát hiện được nguyên cớ này.
Cô lớn tiếng hỏi con trai tại sao lại cấu em. Nào ngờ con trai cô vừa khóc mếu vừa trả lời, rằng từ khi có em gái mọi người đều yêu quý em mà không quan tâm đến cậu bé nữa. Con trai nói không thích em gái chút nào, không muốn có em gái gì cả! Tiểu Phần lặng người sau khi nghe câu trả lời của con, đồng thời nhận ra bản thân đã hành xử sai khiến con lớn nảy sinh sự ghen tuông.
Trên thực tế, việc các anh chị lớn ghen tị, bất mãn với em mình là điều không hiếm. Có đứa trẻ trở nên lầm lũi, ít nói hơn nhưng cũng có bé cấu, đánh, tát em mình vì thấy bố mẹ và mọi người đều vây quanh em bé.
Để tránh trường hợp như vậy xảy ra, trước khi sinh con thứ hai cha mẹ cần lưu ý:
Nhớ "hỏi ý kiến" bé lớn
Cha mẹ đừng nghĩ một đứa trẻ vài tuổi thì biết gì, chỉ cần sau khi em bé chào đời để hai đứa trẻ mất chút thời gian làm quen với nhau là ổn. Thực tế việc "hỏi ý kiến" bé lớn về việc sinh con thứ hai kiểu "mẹ đẻ thêm em bé chơi với con nhé" sẽ khiến bé có cảm giác như chính bé là người quyết định sự xuất hiện của em vậy.
Việc cha mẹ cho con lớn làm quen với em nhỏ từ khi còn trong bụng mẹ cũng khiến bé không phải chào đón em trong sự bất ngờ, chưa kịp chuẩn bị tâm lý. Điều đó tránh được những cảm xúc tiêu cực ở trẻ, khiến trẻ vui vẻ tiếp nhận sự có mặt của thành viên mới trong gia đình hơn.
Hãy để con lớn tham gia vào việc chăm sóc em bé
Sau khi sinh con thứ hai, việc cần thiết cha mẹ phải làm đó là khẳng định với đứa con lớn của mình rằng cha mẹ yêu cả hai bé như nhau. Và tất nhiên, dẫu em bé cần chăm sóc tỉ mỉ nhưng cha mẹ cũng không bao giờ được lơ là bé lớn.
Để hai con gần gũi với nhau hơn cũng như xây dựng "tinh thần trách nhiệm làm anh/chị" của bé lớn, cha mẹ hãy để con tham gia vào việc chăm sóc em bé với mình. Đơn giản như nhờ con lấy cho em bé cái áo, chiếc quần hoặc vứt hộ chiếc bỉm đã dùng. Với cách ấy trẻ sẽ tự tin, có trách nhiệm và nhanh chóng chấp nhận em mình.
Cha mẹ phải đối xử công bằng giữa các con
Bất công là ngọn nguồn của mọi sự bất mãn, đố kị. Nếu muốn các con hòa thuận với nhau, cha mẹ phải tuyệt đối tránh phạm sai lầm ấy. Cần duy trì sự công bằng giữa các con, không bao giờ được áp đặt quan điểm "con là anh/chị, con phải nhường em". Sự thật là giữa những đứa trẻ không hề có mâu thuẫn, nhưng chính cách làm của cha mẹ lại là nguyên nhân dẫn đến những mâu thuẫn giữa các con của mình!