Đây là 5 điều mà các mẹ nên nhớ và làm khi bắt đầu sinh con thứ hai

Kim Vi,
Chia sẻ

Đã đến lúc bạn nên thay đổi cách dạy và chơi khi có đứa con thứ hai để đảm bảo mọi thứ luôn cân bằng mà bạn vẫn được thư giãn.

Vào thời điểm sinh con thứ hai, nhiều bậc cha mẹ rất tự tin vào bản thân vì nghĩ rằng mình đã có kinh nghiệm trước đó và không có gì là khó khăn với việc chăm sóc một đứa trẻ nữa. Tuy nhiên theo các chuyên gia về tâm lý gia đình, điều này lại chính là vấn đề khi mà các ông bố bà mẹ luôn có suy nghĩ là cần phải làm mọi thứ cho con mình một cách tốt nhất, cũng như vừa có thể cân bằng công việc và chăm sóc con cái. Những sự lo lắng đó có thể tích lũy và trở thành những căng thẳng đè nặng và ảnh hưởng đến sức khỏe và tâm lý của chính cha mẹ. Vì vậy, các bà mẹ nên tuân thủ một vài lưu ý dưới đây để có thể giữ cho bản thân tỉnh táo mà vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ khi nuôi dưỡng nhiều hơn một đứa con.

1. Tập trung vào sự tích cực

Đây là 5 điều mà các mẹ nên nhớ và làm khi bắt đầu sinh con thứ hai - Ảnh 1.

Việc đã có kinh nghiệm chăm sóc trẻ nhỏ sẽ khiến cho bạn dễ thở hơn khi bắt đầu chăm sóc con thứ 2 (Ảnh minh họa)

Trong việc nuôi dạy con cái, những người có kinh nghiệm thực sự có thể làm tốt hơn so với những người mới làm lần đầu. Sự thật là khi có con thứ 2 các bậc cha mẹ sẽ tự tin hơn khi đã biết được nhiều và không phải lo lắng nhiều như con đầu lòng nữa. Theo các chuyên gia tâm lý, các bà mẹ nên tập trung vào những thứ mà bản thân đã làm tốt đối với đứa con lớn của mình. Với đứa con thứ hai, bạn có thể điều chỉnh những gì mình đã bỏ lỡ trước kia theo hướng tốt hơn. Những việc như thay tã, tiệt trùng bình sữa hay tắm cho bé hay lựa chọn lớp học phù hợp sẽ không còn là khó khăn đối với các bà mẹ.

2. Đôi lúc mua đồ mới là không cần thiết

Việc có thêm con có thể làm cho chi phí của gia đình bạn tăng lên. Vì vậy, hãy tìm cách để có thể tối đa hóa nhu cầu nhưng vẫn tiết kiệm được chi phí, chẳng hạn như xin lại sách vở hoặc đồ chơi cho trẻ từ bạn bè và người thân. Bạn cũng có thể tận dụng lại quần áo của đứa con lớn của mình cho con nhỏ để vừa tiết kiệm mà không gây lãng phí.

3. Tranh thủ sự giúp đỡ của đứa trẻ lớn hơn

Đây là 5 điều mà các mẹ nên nhớ và làm khi bắt đầu sinh con thứ hai - Ảnh 2.

Khi đứa con đầu lòng của bạn đã lớn, bạn có thể nhờ trẻ giúp đỡ việc nhà và chăm sóc em (Ảnh minh họa)

Khi bắt đầu có con thứ hai, mọi thứ có thể sẽ bận rộn hơn đối với các bà mẹ. Nếu như đứa con đầu tiên của bạn đã lớn, bạn có thể tranh thủ sự giúp đỡ của trẻ bằng việc nhờ trẻ những việc vặt như giúp nhặt rau, nấu cơm, lấy tã hoặc chơi với em. Việc cho con bạn cùng làm những việc như vậy giúp cho trẻ cảm thấy mình có ích hơn và loại bỏ cảm giác rằng trẻ bị thay thế và san sẻ tình yêu với em. Bạn có thể cho trẻ xem hình siêu âm của em, cùng trẻ tham gia vào việc chuẩn bị mọi thứ để chào đón thành viên mới để tăng cường tình cảm gia đình. Bạn cũng nên bỏ qua những lời so sánh khả năng làm mẹ của mình với những người khác và hãy tận hưởng mọi thứ một cách thoải mái.

4. Đảm bảo tình cảm và sự quan tâm cho cả hai con

Đây là 5 điều mà các mẹ nên nhớ và làm khi bắt đầu sinh con thứ hai - Ảnh 3.

Các bậc cha mẹ nên đảm bảo sự quan tâm cho cả 2 đứa con của mình để trẻ không cảm thấy bị bỏ rơi (Ảnh minh họa)

Khi có đứa con thứ hai, mọi sự quan tâm và chú ý của cha mẹ đều đổ dồn vào em bé và có thể khiến cho đứa con lớn cảm thấy bị bỏ rơi. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần phải đảm bảo sự chú ý và quan tâm cho mỗi đứa trẻ là như nhau. Tất nhiên, bạn vẫn phải dành thời gian để quan tâm đến đứa con nhỏ và những việc quan trọng hơn, nhưng hãy dành ra một ít thời gian để trò chuyện, chia sẻ và cùng chơi với con lớn của mình.

5. Chấp nhận sự giúp đỡ

Khi bạn đang phải lo lắng cho vài đứa trẻ cùng lúc, cách tốt nhất là bạn có thể nhận sự giúp đỡ của mọi người xung quanh. Trong khi bạn đang cho con nhỏ bú, người thân hoặc bạn bè của bạn có thể giúp đưa con lớn của bạn đi chơi. Các chuyên gia cũng khuyên rằng, mỗi ngày bạn có thể dành 20-30 phút mỗi ngày để nói chuyện với con lớn của mình, điều này sẽ giúp bạn hiểu trẻ hơn và cũng giúp trẻ an tâm hơn khi mình vẫn được quan tâm.

Nguồn: Smartparents

Chia sẻ