Chuyện ông bố "chống lại cả thế giới" để con được yêu thương và tự do

Linh Nhi,
Chia sẻ

Xác định rõ việc nuôi con của mình sẽ bị phản đối kịch liệt, thậm chí là phải "chống lại cả thế giới" nhưng ông bố trẻ vẫn quyết tâm bảo vệ đến cùng để con được yêu thương và tự do đúng nghĩa.

Profile nhân vật

Bố: Nguyễn Anh, hiện đang làm việc tại FPT Software.

Mẹ: Phan Ly, đang làm tại Agribank Hà Nội.

Con: Nguyễn Phan (tên thường gọi ở nhà là Cốc), 6,5 tháng tuổi.

Cả nhà đang sống tại Hà Đông, Hà Nội.
Cùng trò chuyện với ông bố trẻ Nguyễn Anh để hiểu thêm về quan niệm nuôi dạy con rất tiến bộ của anh cũng như những khó khăn anh gặp phải khi đồng hành cùng con nhé.

Được biết, trước khi sinh Cốc, anh đã chuẩn bị kĩ càng từ tâm lý đến kiến thức như: đọc tài liệu trên mạng, tham gia các lớp tiền sản… Đó là do vợ vận động hay anh tự nguyện? 

Mình tự nguyện chứ. Mình thấy chuyện tìm hiểu để chăm sóc con thú vị mà. Lập gia đình xong thì mọi vấn đề trong gia đình là trách nhiệm và quyền lợi của cả vợ và chồng, và trong đó có cả chuyện nuôi dạy con cái. Phải chăm sóc gần gũi con thì mới hiểu được con… Khi con còn nhỏ, nhu cầu của con là chỉ cần mẹ và có mẹ, khó ai có thể thay thế. Mẹ là người chịu rất nhiều áp lực: vừa phải lo công việc, vừa phải đối mặt với việc con quấy khóc, bỉm sữa… Là người có trách nhiệm và muốn làm tấm gương cho con sau này thì người chồng phải chia sẻ mọi vấn đề với vợ mình.

Bố mẹ là tấm gương của con, vậy nên để sau con là 1 người tốt, người cha phải là 1 người tốt để con noi theo. 

Anh có tiết lộ anh nuôi con theo kiểu yêu thương và tự do? Vì sao anh lại chọn phương pháp này?

Hiện tại có rất nhiều phương pháp giáo dục trẻ em được chia sẻ và áp dụng tại Việt Nam như dạy con kiểu Mỹ, kiểu Nhật, kiểu người Do Thái,… Mình nhận thấy mỗi đứa trẻ sinh ra đều có sức khỏe, cá tính riêng nên mình áp dụng các phương pháp mang tính chất cục bộ rất khó bởi các nền tảng giáo dục đó dựa trên văn hóa, phong tục, điều kiện kinh tế xã hội khác nhau. 

Nuôi dạy con
Theo ông bố trẻ này, để thực sự nuôi con theo kiểu “yêu thương và tự do”, bố mẹ cần bình thản, quan sát phân tích để HỌC từ con.

Không cứng nhắc như các phương pháp khác là bố mẹ dạy con, nhà mình thì con “dạy” bố mẹ. Bố mẹ là người lắng nghe, quan sát và tôn trọng các quyết định của con, và để làm điều đó thì bố mẹ vừa phải yêu thương và vừa phải cho con tự do. Yêu thương và tự do thực ra là tên 1 cuốn sách theo phương pháp giáo dục Montessori nổi tiếng. Theo đó, trẻ em được đặt trong mối quan hệ tương tác với người lớn và môi trường. Nền tảng của phương pháp này là yêu thương và tự do.

Trong đó, con luôn được sống trong tình yêu thương của bố mẹ. Yêu thương không chỉ qua lời nói mà còn thể hiện ở hành động (ví dụ như hiểu con, quan tâm đến mong muốn của con). Đồng thời, con được phát triển tâm lý, thể chất một cách tự do theo đúng với sự phát triển tự nhiên của chính con.

Con được tự do phát triển nhưng con cần phải được học và phải tuân thủ những nguyên tắc cần phải có với con người: đạo đức, văn hóa, vệ sinh,… Con là 1 thành viên trong gia đình nhưng con cũng là 1 người bạn. Con được bố mẹ yêu thương bằng cách lắng nghe, chia sẻ. Con cần được tự do làm điều mình yêu thích mà không bị can thiệp, áp đặt. Nhưng con cũng cần tôn trọng các nguyên tắc chuẩn mực, không được vi phạm (và người lớn cũng phải cần tôn trọng các nguyên tắc đó để làm gương cho con trẻ). 

Nghe chuyện yêu thương và tự do tưởng chừng dễ nhưng thực sự nó rất khó ở môi trường nước mình. Luôn có sự ganh đua, luôn có sự so sánh, kỳ vọng cao, hiệu ứng đám đông,… tác động làm bố mẹ ít nhiều bị ảnh hưởng. Để thực sự nuôi con theo đúng “yêu thương và tự do”, bố mẹ cần bình thản, quan sát phân tích để HỌC từ con.

“Gia đình nhà người ta”, “người ta” là những con người hoàn hảo bậc nhất ở Việt Nam. Nhiều đứa trẻ lớn lên với sự kỳ vọng rất lớn từ gia đình, kỳ vọng lớn đến nỗi đứa trẻ chỉ to phần xác mà không thể lớn được phần hồn. Nhiều đứa trẻ bức bí và muốn bùng nổ với điều đó nhưng rồi khi lập gia đình và có con, những đứa trẻ to xác vẫn bị lặp lại vệt bánh xe “kỳ vọng” và “nhà người ta”. Không có ai hoàn hảo, vậy nên cũng sẽ khó có gia đình hoàn hảo. Những ưu nhược điểm của của bố mẹ đã dạy dỗ 2 vợ chồng mình đến lúc này là những bài học cực kỳ quý giá để vợ chồng mình ứng xử với con. Những gì bức bí với vợ chồng mình thì vợ chồng mình không cho phép lặp lại điều đó với con.

Cốc đã được bố mẹ yêu thương và để tự do như thế nào? 

Hiện tại, vợ chồng mình dành nhiều thời gian để tìm hiểu tâm lý và sự phát triển thể chất của con theo các giai đoạn. Bố mẹ hiểu được ở giai đoạn nào thì con cần gì và giúp đỡ đáp ứng cho con. Ví dụ như con thích mút chân tay và gặm nhấm tất cả mọi thứ, bố mẹ đều để con tự do khám phá chứ không phản đối hay giằng giật không cho con gặm. Bố mẹ hiểu rằng chuyện mút tay vừa để con thấy thoải mái dễ chịu như khi ti mẹ (và cũng như đón nhận các vi khuẩn vào người để tạo đề kháng), chuyện con gặm đồ đạc vừa để khám phá những thứ cơ bản như mềm, cứng, nóng lạnh….

Bé Cốc
Bé Cốc 2 tháng đã biết lẫy, trong ảnh là bé đang tập bò ở 5 tháng 3 tuần tuổi.

Con thường được bố mẹ cho đi chơi cuối tuần để khám phá nhiều thứ xung quanh, để con tiếp xúc nhiều người hơn để tự tin hơn.

Gần đây nhất là 5 tháng con có chuyến đi chơi xa đầu tiên cùng bố mẹ là Đà Năng – Hội An. Con được bơi ở biển và bể bơi, con được đi chơi bằng xe máy với bố mẹ quanh Đà Nẵng, con được lang thang ở khu phố cổ để ngắm nghía hít hà những mùi hương thơm mát mà ở nhà không có được.

Khi xác định phương châm nuôi con như thế, anh chị đã gặp phải những “thế lực chống đối” nào và mọi người phản ứng ra sao?

Nhiều lắm, người nhà có, người ngoài có, người quen biết đến tận những người ở… ngoài đường. Nhẹ nhàng thì càm ràm hoặc nói sau lưng, nặng hơn chút thì bị mắng mỏ… và mệt nhất là bị giận dỗi hoặc không thèm nói chuyện.

Anh đối mặt thế nào trước những phản ứng dữ dội và việc người ngoài nhìn nhà mình như sinh vật lạ?

Người ngoài thì thấy vợ chồng mình vô tâm, thậm chí là ác và dã man. Ví dụ như chuyện cho con ợ hơi sau khi bú chẳng hạn. Chuyện bế con thẳng đứng lên cho da tiếp da với bố mẹ, xong vỗ vào lưng đẻ con ợ hơi là 1 chuyện kiêng kỵ khủng khiếp với mọi người… bởi mọi người nghĩ xương sống trẻ con còn non.

Ai có thể giải thích được thì mình phân tích 1 cách khoa học, phân tích có logic: nguyên nhân và cách giải quyết, đưa dẫn chứng cụ thể luôn. Còn ai không thể giải thích (vì không lắng nghe hoặc lắng nghe nhiều lần nhưng không chịu hiểu) thì phải bơ thôi. Tính mình khá nóng nên có lần bị phản ứng quá mình còn xửng cồ ngược lại.

Ngoài sự phản đối đó ra thì hai vợ chồng còn gặp khó khăn gì trong quá trình nuôi con “đi ngược” lại những thói quen và quan niệm cũ?

Người lớn tuổi thường bảo thủ với kinh nghiệm ngày xưa nuôi dạy, người trẻ thì không kinh nghiệm gì nên vin vào những kinh nghiệm của người lớn tuổi 1 cách vô thức. Mà phần đông lại như vậy nên mình nghĩ môi trường sống cũng là 1 khó khăn lớn. Bởi điều này ảnh hưởng lớn đến trẻ khi trẻ nhận thức được. Người nhà mình thấy cách vợ chồng mình bảo vệ con (trước những can thiệp mang tính chất áp đặt từ người ngoài) thì lầm tưởng vợ chồng mình bao bọc và bảo vệ con quá mức cần thiết, nói vợ chồng mình áp dụng phương pháp dạy con sách vở và “Tây hóa”.

Ngoài ra còn có vấn đề thời gian để bên con. Để áp dụng phương pháp này, bố mẹ cần dành nhiều thời gian bên con để lắng nghe, quan sát, trò chuyện và chơi cùng con. 2 vợ chồng mình đều đi làm xa nên thời gian dành cho con thực sự trọn vẹn chỉ có cuối tuần.

Được biết, anh luôn đặt mục tiêu dạy con tự lập từ nhỏ. Và phương châm của anh là muốn con tự lập, trước hết bố mẹ phải tự lập. Vợ chồng anh đã tự lập thế nào trong quá trình nuôi con?

Ngay sau khi cưới, 2 vợ chồng mình thuê nhà ra ở riêng. Khi chuẩn bị sinh con cũng lăn tăn nhưng rồi cũng quyết không thuê người giúp việc và cũng không nhờ ông bà nội ngoại trông và chăm cháu. 

Khoảng hơn một tháng đầu tiên sau khi sinh, hàng ngày mình nhờ bà ngoại buổi trưa qua nấu cơm cho mẹ Cốc, xong chiều bà lại về. Mọi thứ sinh hoạt hàng ngày như đi chợ, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ mình làm… Còn chuyện chăm sóc con là do vợ. Lúc nào đỡ cho nhau được chuyện gì thì đỡ. Vợ mình nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn nên mình cũng khá nhàn, còn mẹ Cốc có vất vả đôi chút nhưng vẫn thoải mái.

Về kinh nghiệm chăm sóc và nuôi dạy con, 2 vợ chồng mình chủ động đi học các lớp tiền sản, tham khảo tài liệu và những người đi trước. Bạn có thể tự lập đươc khi bạn tự tin và có kinh nghiệm sống, kinh nghiệm xử lý tình huống.

Bé Cốc
Chuyến đi đầu đời của bé Cốc cùng bố mẹ, bất chấp sự phản đối "nó còn non".

Ông bố bà mẹ nào thời nay cũng muốn dạy con tự lập từ bé song không nhiều những gia đình đã thành công. Theo anh vướng mắc là ở đâu?

Trước hết sự tự lập của bố mẹ. Tự lập không có nghĩa là phải ra ở riêng như vợ chồng mình, không có nghĩa là phải làm tất cả mọi chuyện mà không cần ai cả. Tự lập là cần phải xác định trách nhiệm của mình là gì. Nhiều bố mẹ sinh con ra xong, vì không có kinh nghiệm (và cả trách nhiệm) nên phó mặc mọi chuyện chăm sóc con vào người thân và người giúp việc. Bố mẹ không tìm hiểu đúng sai, cái gì nên làm và không nên làm… Khi không tin tưởng vào bản thân, khi ỷ lại sẽ sinh tâm lý lười và phụ thuộc vào quyết định của người khác. Vậy con có dễ dàng tự lập được không khi lớn lên con nhìn vào tấm gương của bố mẹ như vậy?

Thứ hai là phương pháp tiếp cận con trẻ. Quá nhiều phương pháp áp dụng làm chính bố mẹ mâu thuẫn trong việc dạy con.

Và cuối cùng đó là sự phản ứng của người thân. Nhiều bố mẹ không chịu được áp lực từ người thân vì họ cho rằng việc để trẻ tự làm có thể nguy hiểm hoặc không tốt cho con trẻ. Bố mẹ không đấu tranh được vì chính kiến của bản thân thì cũng khó mà đấu tranh bảo vệ con trước áp đặt của người khác lên con mình.
 
Anh mong muốn Cốc lớn lên sẽ trở thành người như thế nào?

Vợ chồng mình không đặt kỳ vọng và mong muốn con như thế nào. Con không cần học giỏi như “con nhà người ta”, con cũng không cần phải bon chen là số một trong đám đông như mong muốn của nhiều bố mẹ khác. 

Hiện giờ con như hạt mầm đang nở, và hạt mầm đó nở như nào thì đó là điều bí mật mà chỉ mình con biết. Vợ chồng mình tin tưởng rằng khi còn nhỏ thì con là 1 đứa trẻ ngoan, khi con lớn con sẽ là 1 người tốt.

Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện vô cùng ý nghĩa? Chúc gia đình anh luôn ngập tràn niềm vui bên nhau!
Chia sẻ