Ứng xử với con "nổi loạn" tuổi dậy thì như thế nào?
Một ngày nào đó, đứa con ngoan ngoãn, đáng yêu của bạn bỗng trở thành một "thanh niên" bất cần, nổi loạn. Chúng hút thuốc lá, uống bia, yêu đương, học hành sa sút, chống đối, cãi lại, cô lập khỏi bố mẹ..
Bạn rơi vào bế tắc và đau đầu không biết phải giải quyết mọi việc theo hướng nào? Cha mẹ đóng một vai trò chính, quan trọng trong sự phát triển hành vi của mỗi đứa trẻ. Tình yêu thương, khả năng đối thoại, tôn trọng và những hướng dẫn an toàn của cha mẹ chính là chìa khóa giải quyết mọi xung đột với con.
Tiến sĩ Phil, một nhà tư vấn tâm lý nổi tiếng của Mỹ chia sẻ một vài lời khuyên được trải nghiệm từ chính đời sống cá nhân của ông với con trai Jay McGraw.
1. Xác lập những ranh giới rõ ràng
Cha mẹ hãy xác lập những ranh giới rõ ràng của những việc được làm và không được làm và yêu cầu con tuân thủ. Hãy nói với con rằng chúng sẽ bị trừng phạt nếu tự phá vỡ lệnh "giới nghiêm" này
2. Khéo léo "gắn đuôi" vào cuộc sống của con
Cha mẹ cần ý thức được những người mà con đang quan hệ, giao tiếp; chú ý sát những diễn tiến của con tại trường học và chú ý đến bất cứ một thay đổi nào trong hành vi của con có liên quan đến thuốc lá, rượu, ma túy, hay những cuộc yêu đương quá giới hạn.
3. Đàm phán, thương lượng
Hãy ngồi xuống với con và đàm phán về những quy định, quy tắc thực tế mà cả 2 có thể cùng thỏa thuận được. Nếu có thể hãy nhờ sự giúp đỡ của 1 bên thứ ba.
4. Thảo luận, đừng la hét
Hãy nói chuyện với con bạn như nói với một người lớn và có thể con cũng sẽ hành động giống như vậy
Ảnh minh họa |
5. Hãy đừng dễ dãi
Vai trò của bạn là cha mẹ chứ không phải là bạn bè "dễ chịu". Hãy xác lập những ranh giới mà trong đó con bạn có thể trưởng thành một cách thoải mái.
6. Luôn động viên
Việc một đứa trẻ tuổi "dậy thì" trở nên buồn phiền, lầm lỳ, khó hiểu không kéo dài cả đời, mà đó chỉ là một giai đoạn. Khi con bạn đang có những biểu hiện, hành vi nổi loạn, hãy cố gắng tìm hiểu ngọn nguồn mọi việc, cho con những khoảng tự do cá nhân, và chỉ cho con thấy mọi thứ đều có thể xây dựng lại. Lối hành xử này sẽ khiến con bạn không cảm thấy bị kìm kẹp mất tự do, cũng không khiến cha mẹ trở thành "kẻ thù". Ngược lại, việc này sẽ khuyến khích con bạn phát triển tích cực.