Giúp bé ngủ xuyên đêm từ 5 tuần tuổi không quá khó bằng cách này của mẹ 9x

H.Thanh,
Chia sẻ

Nề nếp ăn ngủ của bé được làm quen ngay từ khi lọt lòng, dựa trên sự lắng nghe và tôn trọng con, nhờ đó bé đã có thể ngủ xuyên đêm mà không phải vật lộn khóc lóc căng thẳng.

Hơn 1 tháng tuổi, em bé đã có thể tự ngủ mà không cần bế ẵm hát ru và có thể ngủ xuyên suốt cả đêm, đó là niềm mơ ước của bất cứ mẹ bỉm sữa nào khi nuôi con nhỏ. Tuy nhiên, trong suy nghĩ của mọi người, để con "vào nếp" được như thế, mẹ sẽ rất vất vả mới luyện tập được, thậm chí, sẽ phải đấu tranh với bản thân ghê gớm hay bất chấp cả những phản đối của người thân. Vậy mà với bà mẹ 9x Diệu Hoa (sinh năm 1993, hiện đang sinh sống tại Hà Nội) – mẹ của bé Thanh Tùng (8,5 tháng tuổi), "việc giúp con ngủ ngon và ngủ xuyên đêm" không khó như các mẹ vẫn nghĩ.

Cũng giống như biết bao bà mẹ khác, lần đầu làm mẹ, Diệu Hoa thực sự hoang mang trước những lời cảnh báo như: "Chuẩn bị tinh thần đi, nuôi con nhỏ cứ xác định khoảng 2 năm trời thức đêm nhé!", "Bế vác rã cả tay, có đứa phải ru suốt, rồi cứ đặt xuống là nó khóc ầm ĩ cơ", "Đêm hôm nó hành cho phải biết, mệt phệt đấy, không phải đơn giản đâu!"… Nhưng rồi, Diệu Hoa nghĩ: "Mình phải làm khác đi, phải làm điều gì đó để cả mẹ và con đều thấy thoải mái và hạnh phúc". Thế là bà mẹ trẻ lao vào tìm mua và đọc rất nhiều cuốn sách liên quan đến giấc ngủ của con, đồng thời chị cũng tham khảo và lắng nghe những chia sẻ từ những người đã nuôi con thành công và tìm ra cách phù hợp nhất với hai mẹ con.

Giúp bé ngủ xuyên đêm từ 5 tuần tuổi không quá khó bằng cách này của mẹ 9x - Ảnh 1.

Diệu Hoa mong muốn cả mẹ và con sẽ luôn thoải mái và hạnh phúc nên rất tin tưởng mình sẽ luyện ngủ cho con thành công.

5 tuần tuổi, con đã tự ngủ và ngủ xuyên đêm

Ngày hạnh phúc, mong chờ nhất cũng đã đến, bé Thanh Tùng chào đời. Vợ chồng Diệu Hoa đã "bắt tay" vào luyện con vào nếp ngay từ khi còn ở trong bệnh viện:

1. Không cho bú liên tục mà chỉ cho bú lúc con đói

Ngay từ lúc mới sinh, chị không cho con ăn liên tục như mọi người khuyên, mà chỉ khi nào bé thật sự đói khóc đòi ăn chị mới cho con ăn và khi con ăn no con sẽ ngủ ngon.

2. Không bế ẵm quá nhiều

Sau khi bé ăn xong, chị chỉ bế bé một lúc, cho bé ợ hơi sau đó đặt bé nằm im trên ngực ngủ, hoặc đặt bé nằm bên cạnh hoặc nằm nôi y tế bệnh viện và ngồi ngắm bé, không bế ru hay đung đưa.

Giúp bé ngủ xuyên đêm từ 5 tuần tuổi không quá khó bằng cách này của mẹ 9x - Ảnh 2.

Bé Thanh Tùng đã ngủ riêng ngay từ khi ở viện về nhà.

3. Cho bé ngủ riêng trong 1 chiếc cũi được đặt cạnh giường của bố mẹ

- Diệu Hoa chú ý về ăn uống, giữ tinh thần thoải mái để sữa mẹ luôn dồi cho con bú, khoảng 3 giờ 1 lần. Chị lắng nghe và cảm nhận, thấu hiểu tiếng khóc và nhu cầu của con để giãn cữ bú cho con sao cho khoảng cách giữa các bữa ăn vừa phải để con vừa đủ đói để có thể ăn no mỗi bữa ăn. Khi con ăn no vào ban ngày sẽ có đủ năng lượng để ngủ giấc dài vào ban đêm.

- Luôn tách rời việc ăn và ngủ của con, để con bú trong lúc thức.

- Thực hiện nếp sinh hoạt EASY nhưng có một điều chị không làm theo đó là: không quấn con vì Diệu Hoa cho rằng "Mọi cử động của đứa trẻ khi ngủ đều giúp tăng kết nối não và giúp phát triển trí tuệ và thể chất cho con". Chị cũng không cho con dùng ti giả. Theo chị, không để con phụ thuộc vào bất cứ thứ gì để ngủ sẽ tập cho con thói quen tự ngủ một cách độc lập.

- Luôn nói với con về mọi việc mẹ sẽ làm với con, đặc biệt trước khi ngủ, Diệu Hoa luôn chúc con ngủ ngon và tạm biệt con. Chị không bao giờ đặt con vào giường lừa cho con ngủ và trốn đi một cách đột ngột bởi "Nếu làm như vậy bé sẽ rất hoang mang vì khi thức giấc không thấy mẹ đâu".

Giúp bé ngủ xuyên đêm từ 5 tuần tuổi không quá khó bằng cách này của mẹ 9x - Ảnh 3.

Dù ở nhà hay đi chơi, đi du lịch, bé đều ăn ngủ nề nếp.

- Lúc bé thức dậy trong giấc ngủ không vội vàng nhào đến bên con ngay mà luôn "dừng lại 1 chút" thật bình tĩnh để lắng nghe và để con có cơ hội học được cách tự ngủ lại khi giật mình thức giấc giữa chừng.

- Tiếng ồn trắng: Những lúc bố mẹ lạch cạch trong nhà khiến bé quá khó ngủ, Diệu Hoa thường dùng tiếng ồn trắng để làm giảm bớt những tiếng ồn ào giúp bé ngủ ngon hơn. Tuy nhiên không phải lúc nào chị cũng sử dụng tiếng ồn trắng bởi chị không muốn con phải phụ thuộc vào bất cứ thứ gì.

Sau hơn 1 tháng cho bé Thanh Tùng làm quen với nề nếp sinh hoạt như trên, khoảng tuần thứ 5 sau sinh, bé đã có thể ngủ xuyên đêm và tự ngủ trong cũi riêng của mình mà không cần bố mẹ, ông bà ru ngủ. Dù là ở nhà hay đi chơi hay du lịch, bé đều vẫn ăn ngủ nề nếp như bình thường.

5 yếu tố quyết định thành công khi luyện con tự ngủ

Theo chị Hoa, việc rèn con tự ngủ sẽ không khó khăn nếu bạn tuân thủ các nguyên tắc sau:

Thứ nhất, NIỀM TIN luôn là yếu tố hàng đầu để thành công trong mọi việc. "Trong quá trình vợ chồng mình dạy con tự ngủ, có rất nhiều người nói là không nên, hoặc không hiệu quả, hoặc không làm được. Nếu không có niềm tin đủ mạnh mẽ, có lẽ vợ chồng mình đã bỏ cuộc ngay từ đầu", Diệu Hoa tâm sự.

Thứ hai là TÔN TRỌNG con. Khi tôn trọng con, mình sẽ luôn lắng nghe con và biết con thực sự muốn gì để hỗ trợ con.

Thứ ba là SỰ BÌNH TĨNH. Em bé dùng tiếng khóc của mình để biểu đạt mọi nhu cầu của mình, cũng giống như người lớn nói chuyện với nhau. Chính vì vậy, bình tĩnh sẽ giúp bố mẹ cảm nhận được chính xác nhu cầu của con và quyết định sáng suốt trước khi hành động.

Giúp bé ngủ xuyên đêm từ 5 tuần tuổi không quá khó bằng cách này của mẹ 9x - Ảnh 4.

Bé Thanh Tùng hiện tại đã được 8,5 tháng tuổi.

Giúp bé ngủ xuyên đêm từ 5 tuần tuổi không quá khó bằng cách này của mẹ 9x - Ảnh 5.

Bé thường xuyên được đi chơi, đi du lịch cùng bố mẹ từ nhỏ.

Thứ tư là SỰ NHẤT QUÁN. Khi quyết định cho con ngủ riêng và tự ngủ, Diệu Hoa luôn làm những việc hỗ trợ con, để con hiểu con sẽ được ngủ như thế nào và con sẽ cảm thấy rất yên tâm về điều đó.

Thứ năm là SỰ KỈ LUẬT với bản thân, sắp xếp công việc để luôn đúng giờ cho con ăn và cho con ngủ khi con cảm thấy buồn ngủ, chứ không phải vì bận nên cố cho con đi ngủ sớm hoặc cố để cho con ngủ thêm một chút để tranh thủ làm thêm việc. Sự kỉ luật ở đây chính là tôn trọng thời gian của con cũng như của chính bản thân mẹ.

Diệu Hoa cũng chia sẻ thêm rằng, có rất nhiều bố mẹ thích ôm con, thích ru con ngủ. "Theo mình, điều này không có đúng sai hay tốt xấu, đó là sự lựa chọn của mỗi người. Miễn sao bố mẹ cảm thấy thoải mái nhất và hài lòng với điều đó là được". Trái lại, chị cũng phản bác ý kiến cho rằng để con ngủ riêng sẽ không có sự gắn kết, bởi lẽ: "Sự gắn kết giữa mẹ và con được hình thành khi mình bình an cho con bú, chơi vui vẻ và cười đùa cùng con, luôn dành 100% sự tập trung vào con khi ở bên con, giao tiếp với con mỗi ngày, ngắm nhìn con, ôm hôn con..."

Chia sẻ