Bác sĩ giải đáp thực hư việc trẻ đổ mồ hôi nhiều trong khi ngủ có phải do thiếu canxi?
Không ít mẹ cho rằng con đổ mồ hôi nhiều trong khi ngủ là có vấn đề về sức khỏe nên vội đưa con đi bác sĩ thăm khám.
Chuyện con nít chảy mồ hôi đầu là chuyện thường gặp, lớn chút nó chảy luôn cả thân mình. Nhiều cha mẹ cứ lo lắng nên đi khám, bác sĩ bảo thiếu canxi nên mới chảy mồ hôi đầu, thế là uống bổ sung canxi. Thực tế trẻ bổ sung canxi nhưng vẫn đổ mồ hôi trộm trong khi ngủ. Vậy thì chảy mồ hôi đầu là vì sao?
Vì sao trẻ hay đổ mồ hôi ở đầu?
Trong cơ thể trẻ, cái đầu luôn luôn nóng hơn các vùng khác của cơ thể. Đó là do vùng đầu có nhiều mạch máu và da nằm sát xương, lớp mỡ dưới da rất ít. Cho nên nhiệt độ của da đầu luôn nóng hơn.
Vì vậy, nếu bố mẹ sờ trán rồi nói là con sốt không phải là cách tốt, nên sờ chỗ khác như cổ, nách, bụng. Thành ra sờ trán mà than sốt coi chừng chỉ là cái đầu nóng mà thôi. Phải đo nhiệt độ là chính xác nhất.
Chúng ta biết tuyến mồ hôi có nhiệm vụ điều tiết nhiệt độ cơ thể, khi cơ thể quá nóng hay môi trường quá nóng, cơ thể sẽ tiết mồ hôi và bốc hơi để hạ bớt nhiệt độ cơ thể.
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, cơ thể mới phát triển xong phần thô, vẫn còn đang tiếp tục phần trang trí nội thất, mà tuyến mồ hôi là một trong số đó.
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chỉ có tuyến mồ hôi ở vùng đầu, chưa có ở các vùng khác. Thành ra khi trẻ nhỏ nóng và đổ mồ hôi, nó chỉ đổ mồ hôi đầu thôi, mà còn đổ rất nhiều vì dồn vào một chỗ, theo thời gian tuyến mồ hôi phát triển ở vùng khác thì sẽ đổ mồ hôi nơi khác.
Cứ khi đi ngủ hay ban đêm trẻ lại đổ mồ hôi nhiều hơn
Chuyện này con nít hay bị oan mà không biết nói. Cơ thể có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ môi trường, trẻ con có thân nhiệt cao hơn cả người lớn, khi nằm ngồi lâu một chỗ sẽ làm nhiệt độ vùng đó bị làm nóng, nóng lên thì tiết mồ hôi. Còn nhỏ thì tiết mồ hôi đầu, lớn chút thì cả thân người.
Trẻ nhỏ thường ngủ đâu nằm đó, không lăn trở nên nóng nhiều hơn người lớn. Nằm lâu một chỗ thì đổ mồ hôi thôi, chỉ có đầu có tuyến mồ hôi thì chảy ướt đầu là bình thường.
Chưa kể là người lớn sợ con nóng rồi quấn con nhiều quá, trong khi bố thì ở trần trùng trục quạt lấy quạt để, con thì quấn 3-4 lớp, rồi đi hỏi bác sĩ sao con em chảy mồ hôi đầu?
Bác sĩ Trương Hoàng Hưng
Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chỉ có tuyến mồ hôi ở vùng đầu, chưa có ở các vùng khác. Thành ra khi trẻ nhỏ nóng và đổ mồ hôi, nó chỉ đổ mồ hôi đầu thôi, mà còn đổ rất nhiều vì dồn vào một chỗ
Quy tắc giúp trẻ đi ngủ không bị nóng
Quy tắc đơn giản là người lớn mặc như thế nào mà cảm thấy thoải mái, không nóng nực hay quá lạnh thì trẻ con mặc y như vậy, mình 1 lớp thì trẻ 1 lớp, mình 2 lớp thì trẻ 2 lớp.
Nhiệt độ phòng nên để khoảng 20-24 độ C là hợp lý, có thể tùy theo mùa và tùy theo từng trẻ. Chúng ta thường hay áp đặt trẻ phải mặc ấm, trong khi trẻ thật sự không cần lúc nào cũng mặc ấm như chúng ta nghĩ. Chúng ta nóng nực trẻ cũng nóng nực, trẻ nằm nhiều còn nóng hơn chúng ta nhiều. Khi trẻ đổ mồ hôi nhiều tức là bị nóng quá mà thôi.
Bên cạnh hiện tượng đổ mồ hôi khi ngủ, trẻ nhỏ còn hay đổ mồ hôi khi bú. Nguyên nhân do các mẹ thường cho trẻ bú ở một tư thế quá lâu, để đầu trẻ nằm trên cánh tay quá lâu và bị nóng nên dẫn đến việc đổ mồ hôi.
Ngoài ra, nếu trẻ bú mà đổ mồ hôi quá nhiều, đi kèm với hiện tượng bú lâu, bú mệt, coi chừng trẻ có bệnh tim bẩm sinh. Điều may mắn là ngày nay các bệnh tim bẩm sinh thường được chẩn đoán trước sinh qua siêu âm.
Tóm lại là trẻ hay đổ mồi hôi đầu là do nóng, do bị quấn, do nằm trong phòng quá nóng. Đổ mồ hôi đầu không hề liên quan gì đến thiếu canxi.
Vài nét về tác giả
Bác sĩ Trương Hoàng Hưng là một bác sĩ nhi khoa người Việt đang sinh sống và làm việc tại bệnh viện của bang Texas (Mỹ). Tự nhận mình là người "hay lo chuyện bao đồng", bác sĩ đã chia sẻ rất nhiều bài viết hay dưới góc nhìn khoa học rất bổ ích cho các mẹ nuôi con nhỏ.
Trên aFamily, bạn có thể tìm đọc những bài viết của bác sĩ TẠI ĐÂY.