Trẻ sơ sinh vừa chào đời lập tức được mang đi: Y tá sẽ làm gì với em bé trong 10 phút bí ẩn ấy?
Bé không được nằm lại cạnh mẹ cũng chưa được trao cho người nhà ngay mà y tá sẽ mang em bé đi khoảng 10 phút trước khi đưa cho người nhà sản phụ. Vậy trong khoảng thời gian ấy, các bác sĩ đã làm gì với đứa trẻ sơ sinh?
Khoảnh khắc một đứa trẻ chào đời chính là lúc niềm vui và hạnh phúc vỡ òa trong lòng cha mẹ, ông bà và người thân của bé. Đối với người mẹ, khi đứa con bé bỏng của mình cất tiếng khóc rõ to, vang vọng cả phòng sinh chắc chắn sẽ làm dậy lên trong lòng họ một cảm giác khó tả, đáng nhớ vô cùng.
Song có lẽ nhiều người sẽ bỏ qua một vấn đề tưởng nhỏ mà không hề nhỏ chút nào. Sau khi em bé ra khỏi bụng mẹ, bác sĩ đỡ đẻ sẽ thông báo giới tính cho người mẹ biết. Sau đó bé không được nằm lại cạnh mẹ cũng chưa được trao cho người nhà ngay mà y tá sẽ mang em bé đi khoảng 10 phút trước khi đưa cho người nhà sản phụ. Vậy trong khoảng thời gian không dài ấy, các bác sĩ đã làm gì với đứa trẻ sơ sinh?
1. Làm sạch đờm nhớt, dị vật trong miệng và phổi của trẻ
Những đứa trẻ ngủ ngon lành suốt 9 tháng 10 ngày trong bụng mẹ, giữa làn nước ối ấm áp. Em bé được bao bọc bởi nước ối một thời gian dài, phổi của bé chứa đầy nước ối. Thậm chí có trường hợp thai nhi còn hít phải phân su của chính mình. Vì vậy, ngay khi em bé chào đời, việc đầu tiên mà các bác sĩ làm chính là dùng một dụng cụ hút để hút sạch chất nhờn, dị vật trong khoang miệng, họng và khí quản của trẻ sơ sinh. Việc làm sạch đường hô hấp này sẽ giúp trẻ có thể thở được dễ dàng, nhanh chóng thích nghi với môi trường mới.
Nếu sản phụ sinh thường, tử cung co bóp mạnh sẽ giúp đẩy hết chất dịch trong phổi của bé ra ngoài. Trong trường hợp sản phụ sinh mổ, nếu kiểm tra thấy trong phổi bé còn nhiều chất dịch, dị vật thì bác sĩ sẽ áp dụng phương pháp dẫn lưu qua mũi và miệng phù hợp để làm sạch phổi của trẻ.
2. Làm sạch cơ thể trẻ, khử trùng mắt và đo các chỉ số của bé
Sau khi hoàn thành việc kẹp cuống rốn cho trẻ, bác sĩ sẽ thực hiện thao tác làm sạch cơ thể em bé. Một bộ phận bệnh viện chỉ dùng khăn xô để lau sạch nước ối, máu, phân su... dính trên cơ thể trẻ. Cũng có bệnh viện tắm luôn cho trẻ trong những phút đầu tiên này. Tuy nhiên vấn đề đó cũng gây nhiều tranh cãi vì tắm cho bé ngay sau khi sinh sẽ làm giảm thân nhiệt và mất đi lớp vernix bảo vệ da bé, khiến làn da nhạy cảm của bé dễ bị tổn thương hơn.
Vừa sinh ra, mắt của em bé vẫn ngắm nghiền. Mắt bé được ngâm trong nước ối của người mẹ, vì vậy bác sĩ sẽ vệ sinh mắt cho trẻ bằng dung dịch nước muối sinh lý. Một số bệnh viện nhỏ mắt bằng dung dịch bạc nitrat cho trẻ sơ sinh để phòng ngừa bệnh viêm kết mạc do lậu lây từ người mẹ. Tuy nhiên, tốt hơn hết người mẹ nên làm xét nghiệm trước khi sinh con để đưa ra quyết định về vấn đề này.
Các chỉ số thể chất của em bé cũng được bác sĩ ghi lại cho gia đình nắm được cũng như theo dõi sự phát triển sau này. Chúng bao gồm chiều dài, cân nặng, chu vi đầu và ngực. Một số bác sĩ còn in lại dấu chân của trẻ để gia đình làm kỷ niệm.
3. Đeo vòng tay, vòng chân cho trẻ
Để tránh việc trao nhầm trẻ sơ sinh giữa các gia đình, việc đeo vòng tay và vòng chân có ghi rõ các thông tin của trẻ là điều rất quan trọng. Người nhà của sản phụ khi tiếp nhận em bé từ tay y tá, bác sĩ cũng cần kiểm tra cẩn thận, đảm bảo những thông tin đeo trên người bé trùng khớp với gia đình mình.
Dẫu việc chăm sóc trẻ ngay sau khi sinh là phận sự của các bác sĩ nhưng gia đình sản phụ cũng nên tìm hiểu để biết rõ vấn đề. Từ đó có thể đưa ra nguyện vọng của mình, ví dụ như bạn không muốn tắm ngay lập tức cho em bé nhà mình. Nhất là kiểm tra vòng tay, vòng chân của bé thật kỹ, tránh nhầm lẫn với đứa trẻ của gia đình khác!