Không chỉ có 1 mà trẻ sơ sinh có đến 6 thóp trên đầu, nhưng bố mẹ chỉ cần lưu ý 2 điểm

H.H ,
Chia sẻ

Tuy thóp của trẻ sơ sinh chỉ chiếm một diện tích rất nhỏ, nhưng nó lại là một trong những yếu tố giúp bố mẹ kiểm tra tình trạng sức khỏe của con.

Lần đầu tiên được bế em bé mới sinh, chắc hẳn ai cũng cảm thấy lạ lẫm khi trên đầu bé có một vùng mềm mà các bà các mẹ thường hay gọi là thóp. Và tuy thóp của trẻ sơ sinh chỉ chiếm một diện tích rất nhỏ, nhưng nó lại là một trong những yếu tố giúp bố mẹ kiểm tra tình trạng sức khỏe của trẻ sơ sinh.

Trẻ sơ sinh có đến 6 thóp

Với kinh nghiệm 24 năm hành nghề, bác sĩ Jennifer Trachtenberg – bác sĩ nhi khoa nổi tiếng ở New York (Mỹ) cho biết thóp là một lỗ mở của hộp sọ em bé, nơi xương sọ chưa phát triển đầy đủ để nối liền lại với nhau.

Nhìn thóp của em bé mềm và mỏng manh như thế, ai ngờ được đó lại là yếu tố để theo dõi sức khỏe của trẻ sơ sinh - Ảnh 1.

Trẻ sơ sinh có cả thóp trước và thóp sau.

Thóp có 2 nhiệm vụ chính:

- Thóp cho phép xương sọ thay đổi hình dạng trong quá trình sinh nở để em bé có thể chui ra dễ dàng.

- Đầu của trẻ sơ sinh nhỏ, nhưng nó phát triển rất nhanh trong hai năm đầu đời. Và thóp chính là khoảng trống để dành cho sự mở rộng nhanh chóng của não và đầu.

Trên thực tế, trẻ sơ sinh có đến 6 cái thóp bao gồm: đỉnh đầu, phía sau đầu, hai bên đầu và hai bên phía sau tai. Nhưng thông thường, các bố mẹ chỉ cần lưu tâm đến 2 thóp:

- Anterior Fontanelle: là thóp trước trên đỉnh đầu mang hình thoi, là khe hở giữa xương trán và xương đỉnh. Khi mới chào đời, đường kính trung bình của thóp này khoảng 2,1cm. Điều đặc biệt là trẻ sinh non và trẻ sinh đủ tháng đều có đặc điểm tương tự nhau.

- Posterior Fontanelle: là thóp nằm ở phía sau hộp sọ của trẻ. Đó là khe hở giữa xương đỉnh và xương chẩm. Nó có hình tam giác và thường có kích thước nhỏ hơn 1cm lúc mới sinh.

Khi nào thóp của trẻ sẽ đóng kín?

Nhìn thóp của em bé mềm và mỏng manh như thế, ai ngờ được đó lại là yếu tố để theo dõi sức khỏe của trẻ sơ sinh - Ảnh 2.

Quá trình đóng thóp của trẻ.

Thật ra xương sọ của trẻ em không hoàn toàn khép chặt trong thời thơ ấu do não và cơ thể vẫn đang tiếp tục phát triển. Song, một khi xương phát triển đến mức chúng lấp đầy những khoảng trống mà không còn cảm nhận thông qua nhìn hoặc sờ thì có nghĩa là thóp đã đóng.

Các thóp của trẻ không đóng cùng một lúc. Quá trình này có thể kéo dài 2 năm hoặc lâu hơn. Trong khi thóp sau chỉ cần 6 tuần đến 3 tháng là đóng kín, thì thóp trên đỉnh đầu lại cần 18 tháng đến 2 năm mới đóng xong. Đa số trường hợp thóp trước sẽ đóng khi bé được 19 tháng tuổi. Tuy nhiên, tùy theo từng bé, thóp có thể đóng bất cứ lúc nào trong khoảng từ 4 đến 26 tháng tuổi.

Thông thường, sau 3 tháng chào đời, thóp trước có tỉ lệ đóng là 1%. Đến 12 tháng tuổi, tỉ lệ này là 38,8%. Đến 24 tháng tuổi thì 96% các bé đều đã đóng kín thóp hoàn toàn.

Những điều cần lưu ý khi chăm sóc thóp của trẻ sơ sinh

Nhìn thóp của em bé mềm và mỏng manh như thế, ai ngờ được đó lại là yếu tố để theo dõi sức khỏe của trẻ sơ sinh - Ảnh 3.

Tuy thóp của con rất mềm, nhưng bố mẹ vẫn nên thường xuyên kiểm tra vì nó là một trong những yếu tố báo hiệu về tình trạng sức khỏe của trẻ (Ảnh minh họa).

Thóp của trẻ được xem là khu vực mềm nhất, dễ tổn thương nhất, và nếu bị tổn thương sẽ gây nguy hiểm nghiêm trọng. Do đó, bố mẹ phải hết sức cẩn thận và luôn theo dõi thóp của con thường xuyên.

Khi bố mẹ chạm nhẹ lên thóp trên đỉnh đầu sẽ thấy điểm mềm này tạo cảm giác mềm, phẳng nhưng hơi lõm xuống. Thậm chí, không cần chạm vào, bố mẹ vẫn thấy thóp con phập phồng lên xuống. Song, bố mẹ không cần lo lắng vì điều này là bình thường. Thóp của trẻ chỉ đang di chuyển theo nhịp tim mà thôi.

Khi chăm sóc thóp cho con, bố mẹ hoàn toàn có thể gội đầu nhẹ nhàng, dùng lược chải tóc cho bé, đeo băng đô dễ thương, và cho phép những đứa trẻ khác chạm nhẹ vào trong sự giám sát.

Không chỉ có 1 mà trẻ sơ sinh có đến 6 thóp trên đầu, nhưng bố mẹ chỉ cần lưu ý 2 điểm  - Ảnh 4.

Chỉ khi nào bố mẹ thấy thóp con phồng lên hoặc lõm sâu xuống kèm theo con quấy khóc, nôn mửa, hoặc nằm li bì thì nên đưa con đến bệnh viện ngay lập tức vì có thể trẻ đang gặp sự cố về vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Ngoài ra, nếu thóp con có đường kính to hơn bình thường nhiều hoặc thóp đóng quá muộn thì đây là dấu hiệu cho thấy trẻ có thể bị suy giáp, mắc hội chứng Down hay còi xương.

Nhưng nếu thóp đóng quá sớm cũng là một vấn đề lo ngại vì xương sọ đóng sớm sẽ gây nên tình trạng bệnh craniosynostosis - ảnh hưởng đến sự phát triển của não bộ và hình dạng của đầu trẻ. Nó cũng có thể gây áp lực tích tụ bên trong hộp sọ, từ đó, có thể sẽ phải thực hiện ca phẫu thuật.

Thóp của em bé trông rất mềm nên thường các bố mẹ rất sợ chạm vào nó sẽ gây tổn thương cho con. Nhưng việc kiểm tra thóp thường xuyên cũng rất quan trọng vì nó thông báo sức khỏe của trẻ. Do đó, nếu bố mẹ cảm thấy lo lắng về thóp của con, đừng ngần ngại tham khảo ý kiến bác sĩ.


Chia sẻ