Bà nội dạy cháu chửi bậy để... nhanh biết nói

Phan Linh,
Chia sẻ

(aFamily.vn) - Chị điếng người khi bé Tú (hơn 2 tuổi) nói thầm vào tai mẹ: “Tiên sư bố”.

Nhìn ánh mắt buồn rười rượi của mẹ chồng, chị Thủy (Đống Đa, Hà Nội) không hiểu vì sao chỉ có mấy ngày lên trông cháu mà bà đã phiền lòng. 

Vì chỉ có hai vợ chồng trên thành phố, bố mẹ hai bên đều ở quê nên từ ngày sinh đến bây giờ Cún được hơn 2 tuổi, chị toàn ở nhà trông con, một mình anh Toàn đi làm. Anh chị muốn gửi con vào trường công lập mà nếu thế Cún phải 3 tuổi mới được đi học. Nhưng con càng lớn, chi phí sinh hoạt càng nhiều, thêm phần chị cũng mong mình được đi làm trở lại nên khi mẹ chồng ngỏ ý xuống giúp con trông cháu, anh chị mừng khôn xiết. 

Nhưng chỉ được một thời gian ngắn, bà Tứ đòi nằng nặc về quê. Hai vợ chồng gặng hỏi mãi thì bà mới bảo do “Cún không tôn trọng mẹ”. Anh chị chỉ cười xòa bảo “đúng là bà quan trọng hóa vấn đề”. 

Một ngày chị đi làm muộn để chuẩn bị cơm cho hai bà cháu, đang nhặt rau dưới bếp, chị Thủy tái mặt khi nghe tiếng Cún mắng bà: “Cháu không mặc thêm áo đâu, bà nói nhiều quá, bà thật ít học”. 

Chạy lên nhà, chị phát mấy cái vào mông con, Cún vừa khóc vừa nói lại: “Mẹ cũng thế, đồ đàn bà đái không qua ngọn cỏ”. 

Cả nhà chết lặng với những câu mà đứa con gái chưa đầy 2 tuổi thốt ra. Hơn ai hết, chị hiểu vấn đề này nằm ở đâu. 

Anh Toàn – chồng chị là dân buôn bán, cứ khi nào cáu vợ điều gì là anh lại bảo: “Cô đúng là đồ đàn bà đái không qua ngọn cây, cô ít học, não ngắn”. 
Thế là Cún bê nguyên xi những câu nói này để mắng bà, mắng mẹ.

Bà nội dạy cháu chửi bậy để... nhanh biết nói 1
(Ảnh minh họa)

Tối hôm đó, chị đem chuyện này nói với chồng. Anh Toàn mới chỉ nghe đến đoạn con nói hỗn với bà, lập tức đứng ngay dậy chống nạnh mắng con trước con mắt đầy ngạc nhiên của cả nhà: “Con kia mày ra đây, ai cho mày chửi bậy hả? Mẹ mày chứ, lần sau tao còn nghe thấy câu này thì tao đánh chết mày, nghe chưa?”.

Đến nước này, bà Tứ cũng phải bó tay và hiểu vì sao cháu hay nói hỗn.

Cũng trong cảnh dở khóc dở cười khi chị Hằng (Ngõ Huyện, Hà Nội) chứng kiến cảnh bà nội ở dưới quê lên bế cháu ra đầu ngõ khuyến khích: “Chửi bậy đi cháu, nói ‘bố khỉ’ đi cháu”. 

Ấy là bởi dù đã 2 tuổi nhưng bé Hoàng nhà chị chưa biết nói gì ngoài vài tiếng “mama, papa”. Bà nội mới từ quê lên, bà mách rằng mình có một bí quyết cực hay giúp bé sớm biết nói đó là "khuyến khích nó nói những câu bậy trước".
 
Chị khuyên can và không đồng ý với cách này, nhưng bà vẫn một mực: “Trẻ con nó hiểu gì nghĩa của những câu nói này, cô chỉ được cái lo hão. Nói bậy sẽ giúp nó nhanh biết nói”. Vậy là bà cứ hàng ngày áp dụng cách này để cháu... nhanh biết nói.

"Nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa" thằng con trai, ngày nào chị Ngoan (Võ Thị Sáu, TP HCM) cũng lên diễn đàn để tìm hiểu cách dạy con ngoan. Thế mà có lần, chị điếng người khi bé Tú nói thầm vào tai mẹ “Tiên sư bố”. 

“Có chết tôi không tưởng tượng ra câu nói đó xuất phát từ miệng thằng bé”, chị than thở. Nguyên nhân không ai khác, đó là câu cửa miệng của chồng chị khi nói chuyện với bạn bè. 

Mấy lần chị bận việc nhờ anh trông con, trong khi con ngồi hí hoáy chơi dưới đất thì bố vô tư "buôn điện thoại" nói “ba lăng nhăng” với bạn bè trước mặt con rồi phá lên cười. Tú cũng cho rằng thế là hay và đi ra “bi ba bi bô” nói với mẹ. 

Chuyên gia tâm lý Hồng Hà cho rằng, đúng là trẻ dưới 3 tuổi không hiểu ý nghĩa của những câu nói bậy nhưng về lâu về dài nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới tâm sinh lý, nhận thức, nhân cách của trẻ. 

Bản thân những từ ngữ đó mang ý tiêu cực, không lành mạnh, trẻ con được ví như tờ giấy trắng, độ tuổi này chúng dễ dàng tiếp thu những lời “vàng ngọc” của người lớn. Vì vậy, nếu bậc phụ huynh không chú ý tới lời ăn tiếng nói của mình, bé chắc chắn sẽ trưởng thành với những từ ngữ còn “ghê gớm” hơn, "chợ búa" hơn. 

Cha mẹ cần tạo điều kiện cho bé phát triển và lớn khôn trong một môi trường lành mạnh. Bé sẽ học từ bố mẹ đầu tiên và cha mẹ nên chú ý tới hành động, ngôn ngữ văn minh để bé học tập.

Bé đang trong độ tuổi phát triển ngôn ngữ, cha mẹ nên giúp con nhận thức được từ nào nên và không nên nói thông qua những bài hát, câu dân ca, câu truyện ngụ ngôn…

Đứng trước những câu nói không hay của trẻ, người lớn nên nghiêm khắc, tuyệt đối không cười hùa theo khiến trẻ nghĩ đó là điều hay và cần phát huy. 
Cha mẹ cần tránh mắng mỏ, đánh con vì thực tế với độ tuổi này, bé chưa hiểu rõ ý nghĩa của những câu nói đó.



Tất cả những chuyện này khiến bé từ buồn bã, giận hờn và rồi chuyển sang ghen ghét anh chị mình.
Bà nội dạy cháu chửi bậy để... nhanh biết nói 2
Chia sẻ