Sốc khi nghe con 3 tuổi chửi… bà nội

Hằng Nga,
Chia sẻ

Bé vùng vằng, khóc toáng nhà bảo: “Tại con nghe thấy bố mẹ lúc tối qua nói như thế mà. Tại sao bố mẹ nói được mà con lại không?”.

Chỉ bởi cho con đi… "giao lưu"

Thấy bé Chuối đã 3 tuổi nhưng nhát quá, chị Lành (Vạn Kiếp, Hà Nội) cùng chồng lên kế hoạch ra Tết, khi trời âm ấm là cho bé đi nhà trẻ. 

Trước cũng do quá giữ con, nóng quá, lạnh quá hay bụi quá, anh chị đều cho con ở nhà không cho ra đường thế nên dù bé đã biết nói nhưng rất nhát, cứ tới chỗ đông người là bé khóc ré lên, nức nở như bị ai... cắn. 

Nhất là dịp Tết thiếu nhi vừa rồi, cơ quan anh Khánh tổ chức chương trình vui chơi cho bé, hai vợ chồng xấu hổ vô cùng khi nhìn bé nào cũng nhảy nhót, đùa nghịch, con mình thì úp mặt vào người bố, khóc rưng rức. 

Thế rồi anh chị đành "thả" cho con đi “giao lưu” với bạn bè hàng xóm. 

Ấy thế mà “hiệu nghiệm” ra trò khi Chuối tung tăng hơn hẳn, bé dần đỡ nhát hơn. Nhưng được cái này lại mất cái kia. 

Một lần đang làm cơm chiều, chị Lành giật mình thon thót, đánh rơi cả rổ rau khi nghe bé Chuối chửi bà nội. 

Tím mặt, chị chạy ra toan tát con thì bà can ngắn. Cả tối đó, mọi người trong gia đình họp nhau gặng hỏi nguyên nhân thì Chuối lí nhí bảo: “Con nghe thấy bạn Tú hàng xóm nói xong câu ý thế là các bạn khác vỗ tay”. 

Sốc khi nghe con 3 tuổi chửi… bà nội  1
(Ảnh minh họa)

Nhà chị Trà - anh An (Ngõ Huyện, Hà Nội) còn “thảm” hơn khi bé Na (4 tuổi) biết chửi bậy vì chính bố mẹ. Một lần đi làm về nhà, thấy ông bà chạy ra mách “Bé Na đang ngoan như thế, không hiểu sao tự dưng lại nói rất bậy”. 

Anh chị trách rồi đánh con, chị hét lên: “Ai dạy con cái thói ăn nói láo toét, hư hỗn thế này? Bố mẹ kiếm tiền nuôi con khôn lớn mà mới được có vài tuổi ranh mà con đã nhiễm cái thói hư tật xấu này rồi”.

Bé vùng vằng, khóc toáng nhà bảo: “Tại con nghe thấy bố mẹ lúc tối qua nói như thế mà. Tại sao bố mẹ nói được mà con lại không?”. 

Nghe con nói vậy, anh chị im thin thít, không ho he nửa lời, nhìn nhau bấm bụng lảng ra chỗ khác. Hóa ra nguyên nhân là anh chị có “trêu đùa” nhau trong khi “yêu”. Và những lời nói "không nên nghe" lọt thẳng vào tai của bé. 

“Lúc đó vợ chồng mình cứ tưởng Na ngủ say rồi ai dè nó vẫn thính thế”, chị tâm sự. 

Dạy con nói không với chửi tục

Thông thường điều gì tốt đẹp thì khó học chứ thói hư, tật xấu, câu chửi rất dễ lây, điều này với con trẻ lại càng đúng. 

Chửi bậy là một hiện tượng thường thấy ở trẻ vì ở độ tuổi này trẻ con rất thích bắt chước những gì thấy được, nghe được ở môi trường xung quanh. Để ngăn chặn việc con nói tục, chửi bậy, cha mẹ, ông bà chính là người đầu tiên phải gương mẫu trong lời ăn tiếng nói. 

Bởi giai đoạn này, bố mẹ chính là người phát triển ngôn ngữ cho con, người lớn cần hiểu và kiềm chế những lời nào nên và không nên nói trước mặt trẻ. 

Cần tỏ thái độ rõ ràng khi bé nói bậy. Sau đó bố mẹ hãy phân tích đúng sai khi nói điều này, những lời nói đó là không tốt và tuyệt đối không nên nhắc lại. Thời gian sẽ giúp bé dần hiểu ra vấn đề. Tuy nhiên, thái độ khi phân tích cho con cũng vô cùng quan trọng, việc bạn bình tĩnh tốt hơn rất nhiều khi bạn làm ầm lên, đánh mắng con, bởi phản ứng gay gắt sẽ khiến bé thêm ức chế và bướng bỉnh thêm mà thôi. 

Chị Tú Ngọc (Quận 3, TP HCM) chia sẽ, bé Bí nhà chị cũng trải qua tình trạng như thế này khi nghe thấy tiếng hàng xóm cãi nhau. Đôi khi, bé liên tiếp nhắc lại những lời nói tục để trêu tức cha mẹ và người xung quanh vì thế cách tốt nhất  mà chị làm đó là giả vờ như không nghe thấy điều bé đang nói, “khiến bé không còn hào hứng khi nhắc lại những từ đó”. 

Sau đó, nếu tình trạng chưa được chấm dứt, “mình sẽ cố gắng kiểm soát trong phạm vi có thể, ngoài việc phân tích cho con hiểu vì sao không nên nói, mình luôn nhắc nhở con rằng những người có kiểu ăn nói 'hư' đó sẽ không được chào đón tại nhà đâu nhé”, chị nói. 

Anh Ngọc Thuận (Linh Đàm, Hà Nội) chia sẻ bí quyết dạy con nói không với lời nói tục, chửi bậy đó là chính cha mẹ phải làm gương trước tiên. Nhưng nếu “lỡ” nói những lời khó nghe trước mặt con, vợ chồng anh sẽ chữa cháy ngay bằng những từ gần âm và "nhấn chìm" từ khó nghe đó bằng một loạt âm thanh khác để “đánh lạc hướng con”. 

Tuy nhiên, nếu bị con bắt bẻ thì anh sẽ thừa nhận mình sai và xin lỗi con. Tuyệt đối không cười khi con nói bậy. Bởi bé chưa hiểu được những từ đó có nghĩa là gì, và việc bố mẹ cười sẽ khiến bé lầm tưởng đó là một hành động hay và sẽ ra sức phát huy.



“Bố ơi, mẹ nói bậy là mẹ sai rồi bố nhỉ. Hôm trước mẹ dạy Bống không được nói bậy mà mẹ lại nói". 
Sốc khi nghe con 3 tuổi chửi… bà nội  2
Chia sẻ