Bực mình vì con trai "rượu" ủy mị như con gái
(aFamily.vn) - Nếu chị Loan có chạy vào dỗ dành thì bé càng dỗi “tợn”, chạy ra ôm lấy bố khóc i ỉ, nấc lên nấc xuống.
Mệt mỏi vì con hay dọa bố mẹ bằng “nước mắt”
Khi thấy mẹ mang cái xe lắc yêu quý của mình ra cho em họ mượn, bé Tuấn (5 tuổi) bưng mặt khóc dấm dẳng rồi đi thẳng một mạch vào phòng đóng sập cửa lại.
Nếu chị Loan (Long Biên, Hà Nội) – mẹ bé có chạy vào dỗ dành thì bé càng dỗi “tợn”, chạy ra ôm lấy bố khóc i ỉ, nấc lên nấc xuống.
Bé còn ghê gớm không thèm ăn cơm mẹ nấu, ông bà rồi bố ra khuyên nhủ rồi nịnh nọt đủ điều không những bé không chịu ăn, mà còn khóc to hơn như vừa bị ai đánh.
Chị than vãn: “Bé Tuấn nhìn chung ngoan mỗi tội hay dỗi, cứ không bằng lòng điều gì là dỗi dãi ầm ầm. Từ việc bé xíu như mình động viên 'con đi tắm đi, thiu thiu rồi', bé cũng ôm mặt khóc ‘à, mẹ không yêu con vì hôi'. Thế là bé tự ái, dấm dứt khóc suốt”…
Tuần trước, hai bác và em Cún (3 tuổi) đến chơi nhà, chị lục đục vừa lấy đồ chơi của con ra cho em chơi thì Tuấn nằng nặc đòi lại. Chị nheo mắt thì bé mếu luôn.
Nhiều lần bực mình vì khuyên con không được, cứ hơi một tí là dỗi, là khóc, chị hỏi thì con lầm lì không thưa, chị bực mình chị tét con mấy phát vào mông. “Mình có muốn đánh con đâu nhưng nhìn thái độ suốt ngày mít ướt như thế này, mình khó chịu vô cùng”, chị chia sẻ.
Anh tâm sự: “Là con trai mà Bin quá yếu đuối, càng nói càng khóc dữ, hư kinh khủng, vợ chồng mình không biết dạy con như thế nào nữa?” (Ảnh minh họa)
Bé Bin (Quận 7, TP HCM) còn hay dỗi hơn. Dù đã 8 tuổi, là anh cả rồi nhưng bé suốt ngày mếu khóc.
Từ chuyện bị ho, bố bảo uống thuốc nhưng vì sợ đắng nên Bin không chịu. Bố vừa gắt lên: “Nhanh nào” thì đã thấy con ròng ròng hai hàng nước mắt lã chã rơi rồi. Đến chuyện, mẹ nhờ Bin lên lấy điện thoại ở tầng 2 cho mẹ thì Bin nhất quyết không lên vì “sợ ma”. Khi có em Bún (4 tuổi) dắt lên thì Bin mới dò dẫm theo em lên.
Anh Hữu Nghĩa – bố của bé là một người đàn ông rất nghiêm khắc, tính tình đàn ông, mạnh mẽ, khi thấy cậu con rượu như con gái, anh bực lắm. Có lần trong bữa ăn, anh trêu: “Bin như con gái ấy nhỉ?”. Chỉ nói có thể nhưng Bin khóc như mưa như gió. Bố mẹ nói kiểu gì từ nhẹ tới mạnh nhưng bé vẫn không chịu thay đổi.
Anh tâm sự: “Là con trai mà Bin quá yếu đuối, càng nói càng khóc dữ, hư kinh khủng, vợ chồng mình không biết dạy con như thế nào nữa?”
Động viên để con chia sẻ cảm xúc
Thực ra, biểu hiện hờn dỗi, khóc nhè là nét đặc trưng của con trẻ. Sau vài lần rút kinh nghiệm: “cứ khóc là bố mẹ sẽ mềm”, các bé cứ diễn đi diễn lại hành động này để mong gây được sự chú ý đối với cha mẹ.
Chị Mai Linh (Ngũ Xã, Hà Nội) cho rằng cha mẹ không nên vội vã mắng, đánh hay kết luận là con hư mà cần xem đó là tính cách bình thường ở một đứa bé. Bé còn nhỏ và bé cần cha mẹ an ủi, ở bên động viên và quan tâm hơn nữa. Còn nếu bé đã lớn hơn, đã đi học thì cha mẹ nên khuyên nhủ, động viên để con tự tin, nói lên suy nghĩ của mình.
Trước đây bé An An nhà chị Linh cũng rất hay dỗi, hay khóc cứ không bằng lòng điều gì là bé lại xầm xì mặt, không nói không rằng với ai, chỉ khi nào bà nội hỏi thì bé mới gào khóc như vừa bị mẹ đánh.
Tự thấy đánh hay trách mắng con đều không phải là cách hiệu quả để dạy con, chị thay đổi chiến thuật. Vợ chồng chị thống nhất quan điểm là dù bận rộn tới đâu cũng phải dành thời gian để nói chuyện, lắng nghe tâm sự của con.
Khuyến khích con tự do bày tỏ cảm xúc. Ví dụ khi An An mè nheo, giận hờn, khóc lóc đòi cha mẹ phải theo ý mình thì cha mẹ cần phải bình tĩnh và giảng giải cho con. Khi bé đang quấy khóc không chịu nghe lời người lớn, đòi hỏi không chính đáng thì cha mẹ có thể phớt lờ bé hoặc đánh trống lảng sang việc khác. Sau vài lần thấy cha mẹ “lờ tịt” mình đi, An An không còn hay dỗi hay khóc như trước.
Bé hiểu ra rằng: "nếu mình ngoan và việc này là cần thiết thì bé không cần khóc, cha mẹ cũng sẽ chiều".
Giai đoạn đầu nuôi con, mỗi khi trẻ quấy khóc, nôn trớ đều khiến người mẹ lo lắng.
Tuy nhiên, phần đông trong đó là "stress oan" bởi hầu hết chỉ là vấn đề về tiêu hóa nhẹ.