Đã có trường hợp gặp biến chứng vì dùng kem tan mỡ, bác sĩ khẳng định đây là sản phẩm vô dụng
Chẳng những không giúp ích trong việc giảm cân, kem tan mỡ còn có thể khiến bạn phải đối mặt với vấn đề da liễu.
Nhìn chung, giảm mỡ luôn là một quá trình vất vả, đòi hỏi người tham gia phải chăm chỉ, nghiêm ngặt từ việc luyện tập cho đến chế độ ăn hằng ngày. Bởi vậy, những thứ có thể hứa hẹn mang đến vóc dáng mi nhon, không chút mỡ thừa trong thời gian ngắn ngủi mà chẳng cần đến tập gym, ăn uống kham khổ luôn hấp dẫn chị em hơn cả; đó có thể là hút mỡ bụng, uống thuốc giảm cân, massage giảm mỡ… hay một trong những phương pháp đang rất được ưa chuộng vài năm trở lại đây: thoa kem tan mỡ.
Tìm kiếm "kem tan mỡ" trên Google, bạn sẽ nhận được khoảng hơn 25 triệu kết quả, đủ để thấy sự quan tâm của dân tình đến sản phẩm được cho là "kỳ diệu" này. Tuy nhiên, liệu kem tan mỡ có thực sự giúp đánh bay mỡ thừa hay chỉ là khoản đầu tư vô nghĩa của các chị em?
Kem tan mỡ thường chứa những thành phần như: chiết xuất ớt đỏ, caffeine, glycyrrhetinic acid… được đồn thổi có khả năng "đốt cháy" mỡ thừa. Nhưng dù loạt thành phần trên có thể phân giải lớp mỡ bụng cứng đầu của bạn thật thì theo bác sĩ da liễu John Ashworth kiêm nghiên cứu sinh tại Trường Y Hoàng gia (London, Anh): "Nếu một trong những thành phần trên có thể thẩm thấu sâu xuống làn da, đủ để mang đến kết quả giảm mỡ nhìn thấy được thì tại sao không có bất cứ nghiên cứu khoa học nào chứng minh? Lý do là bởi chẳng thành phần nào có thể làm được như vậy". Do đó, lọ kem tan mỡ của bạn có thể chứa những thành phần giảm mỡ ưu việt nhất thì chúng cũng chẳng thể tới được tầng thật sâu dưới da và xử lý lớp mỡ cứng đầu được.
Nhiều người sẽ biện minh rằng: Rõ ràng ngay sau khi dùng kem tan mỡ, bụng tôi ngót đi hẳn cơ mà?
Điều này cũng có lý, nhưng chị em đừng vội mừng bởi hầu hết các loại kem tan mỡ đều có khả năng làm nóng vùng bụng, gây nên tình trạng mất nước tại chỗ nên trông vòng eo sẽ mi nhon hơn chút đỉnh sau khi thoa. Tuy nhiên sau đó, khi cơ thể được bù nước, vùng bụng sẽ về nguyên hiện trạng ban đầu.
Bên cạnh đó, các loại kem tan mỡ còn khéo dùng thủ thuật để khiến chị em chờ đợi hơn vào kết quả thần kỳ. Cụ thể, bên cạnh các thành phần hứa hẹn làm tan mỡ, kem giảm bụng còn chứa những thành phần tẩy da chết, làm mịn và săn chắc làn da khiến người dùng lầm tưởng, vòng bụng của mình đã tiến triển nhưng thực chất, lớp mỡ bên trong vẫn không "xi nhê" chút nào. Theo ông Douglas McGeorge chuyên gia tư vấn thẩm mỹ kiêm cựu chủ tịch của Hiệp hội Phẫu thuật thẩm mỹ Anh Quốc: "Không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy sản phẩm kem làm tan mỡ là có hiệu quả. Chỉ có một chút thay đổi về diện mạo của làn da từ việc massage cho vùng bụng. Và chỉ vậy mà thôi".
Thậm chí, cũng không ít người cảm nhận được sự "vô dụng" của kem tan mỡ trong việc giảm cân
Trao đổi với trang Daily Mail, một số người phụ nữ từng đặt trọn niềm hy vọng vào kem tan mỡ nhưng cuối cùng, họ chẳng nhận lại được kết quả khả quan nào.
Một người tên Angela, đến từ hạt Essex, nước Anh cho biết: "Cuối cùng, tôi cũng nhận ra là chúng (những loại kem tan mỡ) chẳng được tích sự gì. Vậy là hai năm trước, tôi đã đi tập gym và áp dụng chế độ ăn lành mạnh. Và nhờ đó, cân nặng của tôi mới bắt đầu giảm (lần đầu tiên trong đời)".
Tindy Chaggar - 43 tuổi, một cựu luật sư tại Leicester, nước Anh cho hay: "Trong rất nhiều năm, tôi cũng đã muốn tin rằng các loại kem hay dầu làm tan mỡ có thể thực sự khiến tôi giảm cân. Nhưng giờ thì tôi thấy khá xấu hổ vì đã bị mê hoặc bởi những lời thổi phồng về công hiệu của chúng. Tại sao không có loại kem đích thực nào dành cho những chiếc "bụng bia" nhỉ?".
Chẳng những không giúp ích trong việc giảm cân, kem tan mỡ còn có thể khiến bạn phải đối mặt với vấn đề da liễu
Một số người dùng kem tan mỡ đã nhận được kết quả không mấy vui vẻ. Chẳng hạn như trường hợp chị Minh (Ba Đình – Hà Nội), cũng nghe theo lời giới thiệu của bạn bè và tìm đến kem tan mỡ; tuy nhiên sau một thời gian sử dụng, chị Minh không thấy cân nặng được giảm mà luôn cảm thấy nóng rát, ửng đỏ tại chỗ bôi kem, thậm chí còn xuất hiện những nốt mụn nước.
Hay như chị Hồng Linh (Khu đô thị Văn Quán – Hà Nội) thì sau hơn 1 tuần bôi kem, chị cũng không thấy bụng giảm đi còn vùng da bụng lúc nào cũng nóng ran, ngứa ngáy.
Giải thích cho những hiện tượng trên, bác sĩ Doãn Thạch, bệnh viện Da liễu Hà Nội cho hay: "Đã có rất nhiều trường hợp chị em bị dị ứng, viêm da do kem tan mỡ, phải điều trị da liễu mới khỏi. Thực tế không loại mỹ phẩm bôi ngoài nào có thể làm tan được lớp mỡ tích tụ sâu dưới da. Đấy là chưa kể trong thành phần của kem tan mỡ có những chất dễ gây dị ứng da đối với những người có cơ địa nhạy cảm".
Tạm kết
Với lời hứa hẹn giảm bụng thần tốc mà không cần tập luyện, ăn kiêng vất vả, kem tan mỡ quả thực có sức hấp dẫn khó cưỡng đối với các chị em. Tuy nhiên, sau hàng loạt ý kiến và bằng chứng thực tế từ các chuyên gia cùng người dùng, chị em cũng nên suy nghĩ thật kỹ trước khi thử kem tan mỡ bởi chắc chắn, hiệu quả sẽ chẳng thấy đâu, mà có khi phải đối mặt với nguy cơ kích ứng da nghiêm trọng.
Tổng hợp