Thích thú với cách người Nhật dùng côn trùng làm "giáo cụ" dạy trẻ

Mẹ Masao,
Chia sẻ

Người Nhật luôn tạo điều kiện cho trẻ em được tiếp xúc sớm với côn trùng, cho dù với người lớn, hình ảnh sâu, bọ đã có thể không còn... dễ thương nữa.

Tôi vẫn chưa từng ngơi tự hỏi, vì sao người Nhật lại có hứng thú và niềm yêu thích bất tận đối với các loài côn trùng đến vậy. Dễ nhận ra nhất là mỗi khi mùa hè tới, trong các cửa hàng gia cụ hay đồ 100Yen, bạn có thể thấy đồ bắt và nuôi côn trùng được trưng bày ở nơi dễ nhìn thấy nhất. Đó là những "công cụ" giúp lũ trẻ khởi đầu một mùa hè rộn rã, nơi chúng bắt đầu những ngày mê say khi tự tay chăm sóc những con côn trùng do chính mình bắt được.

Côn trùng có ở khắp nơi trong đời sống xã hội

Côn trùng, mà điển hình là các loài sâu, bọ, bươm bướm, châu chấu, dế chuông, ve sầu, cánh cam... là những loài động vật được yêu đến cuồng nhiệt ở Nhật, bởi chúng rất gần gũi với trái tim của người dân nước này. Tiếng kêu và sự xuất hiện của những con côn trùng như tín hiệu báo hiệu nhẹ nhàng cho sự thay đổi của thời gian.

Thích thú với cách người Nhật dùng côn trùng làm giáo cụ dạy trẻ - Ảnh 1.

Các loài côn trùng chính là những người bạn thân thiết của trẻ em Nhật (Ảnh minh họa).

Ví dụ trước mùa mưa mỗi tháng 6, các công ty du lịch sẽ kiếm được bộn tiền nhờ bán các tour du lịch ngắm đom đóm hay tổ chức các cuộc thi chụp ảnh đom đóm. Tới mùa hè, các chương trình truyền hình sử dụng tiếng ồn và hình ảnh của những chú ve sầu để truyền tới người xem cái nóng oi cả của mặt trời. Tháng 10, chỉ cần lắng nghe những tiếng kêu trầm trầm rủ rỉ của lũ côn trùng người ta cũng có thể cảm nhận được cái buồn man mác và lạnh lẽo thu đông đang chờ chực ở đâu đó sắp ập về.

Côn trùng là nhân vật phổ biến trong các bộ phim hoạt hình, các bài hát cho trẻ em, cũng như là hình ảnh quen thuộc trên mọi mặt của đời sống xã hội. Trên các mẫu vải kimono hay furoshiki truyền thống, họa tiết chuồn chuồn, bươm bướm, bọ hung, bọ rùa... là những họa tiết phổ biến và được ưa chuộng.

Đi vào đời sống con người với bao niềm cảm hứng bất tận, không ngạc nhiên khi các loài côn trùng chính là những người bạn thân thiết của trẻ em Nhật, và cũng là thứ "giáo cụ" vô cùng thú vị để giúp các em khám phá biết bao điều mới lạ về thế giới xung quanh.

Thích thú với cách người Nhật dùng côn trùng làm giáo cụ dạy trẻ - Ảnh 2.

Không sợ để trẻ tiếp xúc, dạy con thêm yêu tự nhiên

Người Nhật luôn tạo điều kiện cho trẻ em được tiếp xúc sớm với côn trùng, cho dù với người lớn, hình ảnh sâu, bọ đã có thể không còn... dễ thương nữa. Khi đến thăm các gia đình Nhật vào mùa hè, bạn dễ nhận thấy những chiếc hộp nuôi côn trùng đặt trong nhà, và việc bắt giữ và chăm sóc côn trùng được coi là một hình thức chơi bình thường cho trẻ em. Hình ảnh lũ trẻ say mê bên những gốc cây, bãi đất, cầm vợt chạy tung tăng trong công viên truy bắt các loài côn trùng có thể được coi là hình ảnh đặc trưng nhất của mùa hè Nhật Bản. Những buổi học làm vườn ở nhà hay ở trường học luôn là những giờ học thú vị nhất khi lũ trẻ nhận ra trong lòng đất bao la là một thế giới đầy sinh động với kiến, sâu...đang vui vẻ sinh sống.

Thích thú với cách người Nhật dùng côn trùng làm giáo cụ dạy trẻ - Ảnh 3.

Thích thú với cách người Nhật dùng côn trùng làm giáo cụ dạy trẻ - Ảnh 4.

Thích thú với cách người Nhật dùng côn trùng làm giáo cụ dạy trẻ - Ảnh 5.

Các cuốn sách từ bậc mẫu giáo luôn đầy ắp các thông tin về các loại côn trùng.

Trên các cuốn sách nuôi dạy trẻ ở bậc mẫu giáo, chủ đề mùa hè luôn gắn liền với các loại côn trùng như bọ hung, châu chấu, ốc sên, bọ viên.... với vô vàn các thông tin thú vị, bổ ích và sinh động. Từ những cuốn sách này và những giờ chơi với tự nhiên, trẻ em Nhật dần dần được ươm mầm tình yêu và sự dạn dĩ với các loài sâu bọ, và sâu bọ sẽ trở thành những người bạn thân thiết của các em trong thế giới tự nhiên. Sớm làm quen với các loài côn trùng có hại/không có hại cũng làm tăng kiến thức tự nhiên và kỹ năng sống cho trẻ.

Vô vàn trò chơi thú vị với côn trùng

Rất nhiều người Nhật đã làm giàu nhờ sống vào nghề mở cơ sở nuôi côn trùng, hoặc tận dụng tối đa lợi thế thiên nhiên của địa phương để biến thành địa điểm lai tạo các loại côn trùng, bươm bướm và đom đóm, dế chuông... tạo nên các điểm đến hấp dẫn khách du lịch . Thậm chí có cả những khu du lịch với hàng trăm loại sâu bọ trong các công viên để cho trẻ em và người lớn có thể đến giao lưu.

Thích thú với cách người Nhật dùng côn trùng làm giáo cụ dạy trẻ - Ảnh 6.

Không chỉ có thể bắt ngoài tự nhiên, trẻ em có thể được cha mẹ mua cho côn trùng tại các siêu thị, đi kèm là các sản phẩm để duy trì sức khỏe cho chúng.

Chạy chơi, đuổi bắt côn trùng và quan sát sự cử động của côn trùng hàng giờ chính là nguồn khơi gợi trí tưởng tượng vô hạn cho trẻ. Học cách bắt và bẫy côn trùng rèn luyện óc phán đoán và sự khéo léo cho trẻ. Việc chăm sóc các loài côn trùng có thể khiến lũ trẻ có thêm trải nghiệm về cái chết và hiểu rõ về sự sống còn khi vòng đời của các loài côn trùng đều khá ngắn ngủi. Người Nhật còn dạy cho trẻ em biết rằng nhờ vào sự giàu có của tự nhiên mà các loài côn trùng có thể sinh sôi nảy nở như vậy, vì thế trẻ em càng thêm yêu quý và biết trân quý tự nhiên để không tạo ra những tác động có hại vào môi trường sống của các em.

Thích thú với cách người Nhật dùng côn trùng làm giáo cụ dạy trẻ - Ảnh 7.

Không chỉ có thể bắt ngoài tự nhiên, trẻ em có thể được cha mẹ mua cho côn trùng tại các siêu thị, đi kèm là các sản phẩm để duy trì sức khỏe cho chúng: từ gỗ sấy khô tới các loại thức ăn được đóng thành túi như thạch, với đủ mùi vị hoa quả. Nhưng niềm vui không chỉ đến nuôi côn trùng như thú cưng, trẻ em Nhật còn có truyền thống chơi với côn trùng như tổ chức các buổi thi đấu Sumo giữa các con bọ cánh cứng, trong đó có loài kabutomushi (Bọ hung sừng chữ Y) được... ưa dùng hơn cả.

Thích thú với cách người Nhật dùng côn trùng làm giáo cụ dạy trẻ - Ảnh 8.

Với người Nhật, mỗi chú côn trùng cũng có thể được ví như một bông hoa. Hoa lớn lên từ một hạt giống, đơm chồi nảy lộc, kết nụ và nở hoa, úa tàn... cũng giống như những loài côn trùng nảy nở từ trứng thành ấu trùng rồi dần trưởng thành cứng cáp và chết đi. Có rất nhiều liên tưởng giữa chúng, ví như hoa anh đào của mùa xuân cũng giống như loài ve sầu của mùa hạ, đều là biểu tượng của cái ngắn ngủi mà rạng ngời của sự sống. Tận hưởng và ngắm nhìn sự thay đổi của hoa lá, cỏ cây, côn trùng là một quá trình mà người Nhật hưởng thụ mê say, hấp thu những tinh hoa của thiên nhiên, đem lại những tình cảm ấm áp và những tưởng tượng tuyệt vời về thế giới chung quanh. Trẻ em Nhật cũng được nuôi dạy với triết lý sâu sa như vậy, và chiêm nghiệm điều này để ta hiểu rằng ko cần tìm kiếm ở đâu xa, thế giới tự nhiên ngoài kia là cả một kho tàng bất tận để khám phá, học hỏi.

Từng có 7 năm sinh sống cùng gia đình tại Nhật nên mẹ Masao có cơ hội được trải nghiệm rất nhiều về văn hóa, xã hội trên đất nước mặt trời mọc. Và từ khi bé Masao đi học, mẹ Masao còn có thêm cơ hội trải nghiệm "công việc" của một người mẹ có con đi học mẫu giáo ở Nhật. Những cảm nhận và chia sẻ chân thực của mẹ Masao một lần nữa khiến chúng ta "ngả mũ" trước cách người Nhật giáo dục trẻ em. Độc giả có thể đọc thêm những bài viết thú vị của mẹ Masao tại đây.

Workshop "Ngày thứ 8 của mẹ" là một hoạt động đặc biệt của chiến dịch We Are Family được tổ chức hoàn toàn miễn phí dành cho 100 người phụ nữ được sống với những sở thích, đam mê của bản thân tại Hà Nội (29/07) và Hồ Chí Minh (05/08).

Tại đây, bạn không chỉ có cơ hội được trao đổi, chia sẻ với rất nhiều người phụ nữ đồng điệu mà còn được sở hữu những tấm hình cực kì xinh đẹp bên niềm đam mê của bản thân. Cùng với đó là những trải nghiệm thỏa thích khi được làm những điều mình yêu, học hỏi và gặp gỡ nhiều phụ nữ cùng chung đam mê ở các lĩnh vực: ẩm thực, handmade, homemade, mỹ phẩm organic… với sự hướng dẫn của các chuyên gia nổi tiếng.

Hãy chia sẻ ngay đam mê của bạn tại http://waf.afamily.vn để có cơ hội tham dự workshop "Ngày thứ 8 của mẹ" và mang về nhiều phần quà giá trị ngay bây giờ nhé!

Thích thú với cách người Nhật dùng côn trùng làm giáo cụ dạy trẻ - Ảnh 11.

Chia sẻ