Theo chân một chuyến dã ngoại của trường mầm non ở Nhật
Lần thứ hai đi dã ngoại cùng trường của con, tôi vẫn chưa thể hết khâm phục cách thức môi trường giáo dục Nhật gắn kết cộng đồng, kết nối các cá thể: trẻ với trẻ, trẻ với phụ huynh, phụ huynh với phụ huynh, phụ huynh với nhà trường...
Ensoku (遠足) - hoạt động dã ngoại - là một trong những hoạt động thường niên của các trường học Nhật Bản, được tổ chức ở tất cả các cấp học từ mẫu giáo tới tiểu học, trung học và cao trung, mỗi năm diễn ra từ 1-2 lần vào mùa xuân và mùa thu. Điểm đến thường là các khu vui chơi, công viên, thảo cầm viên, bảo tàng, triển lãm, tham quan các nhà xưởng, công ty sản xuất với khuôn viên rộng rãi, an toàn... nhằm tạo điều kiện cho trẻ em có sự tiếp cận với sự đa dạng và thực tế của đời sống xã hội, thu thập kiến thức văn hóa lịch sử, tìm hiểu thế giới người lớn hoạt động.
Tuy vậy mục đích quan trọng nhất của ensoku là tạo thành hoạt động tập thể nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa tất cả mọi người, từ đó gây dựng tinh thần đoàn kết gắn bó.
Bọn trẻ đùa nghịch cùng lũ ngỗng.
Chẳng gì làm trẻ con háo hức bằng ensoku
Suốt 2 tuần trước ensoku, con tôi ngày nào cũng hớn hở nhắc mẹ: cô bảo con sắp được đi ensoku, mẹ nhớ chuẩn bị obento (cơm hộp), oyatsu (đồ ăn vặt) cho con để con đi với bạn A (bạn thân của bé) nhé.
Dĩ nhiên là tôi hiểu được sự háo hức của bé. Với nhiều trẻ em tại Nhật, ensoku là một trong những hoạt động được mong chờ nhất trong năm học (tiếp đó là undoukai - ngày hội thể thao), khi các em được cùng đi xa và vui chơi với bạn bè ở không gian mới lạ. Những trò chơi tập thể, những cuộc trò chuyện rúc rích, trêu đùa nhau trên xe bus, và những khoảnh khắc chia sẻ bữa ăn trưa ngoài trời sẽ trở thành những ký ức vui vẻ khó quên đối với các em nhỏ.
Tùy từng độ tuổi mà các bé sẽ đồng hành cùng cha mẹ hoặc tự đi dưới sự dẫn dắt của các thầy cô giáo. Càng lớn các em có thể sẽ càng được đi những địa điểm xa hơn, thậm chí qua đêm và đi cả nước ngoài nếu có điều kiện. Lớp mẫu giáo lớn nhất của trường con tôi trước khi tốt nghiệp đã có buổi du ngoạn qua đêm tại một khu cắm trại, và nghe đâu lũ trẻ đã "buôn chuyện" thật lâu trước khi chìm vào giấc ngủ.
Mẹ Masao chuẩn bị cơm hộp, đồ ăn vặt cho chuyến dã ngoại của con.
Tất nhiên trẻ con thì háo hức chứ người lớn thì phải xác định sẽ khá mệt vì buổi dã ngoại này chúng tôi đi theo chủ yếu để phục vụ các thiên thần nhỏ. Buổi sáng của ngày ensoku, tôi dậy sớm một chút, đặt một nồi xôi và nướng vài xiên thịt gà để chuẩn bị bữa trưa cho cả nhà. Riêng em bé nhà mình, tôi gói cho bé một chút onigiri (cơm nắm), làm một chút karaage (gà chiên) vì đây là món bé thích nhất. Tôi cũng chuẩn bị thêm nhiều đồ ăn vặt vì lũ trẻ thích chia sẻ đồ ăn với nhau, nhưng để đảm bảo an toàn và vệ sinh, người lớn sẽ mua đồ đóng gói sẵn như socola, kẹo gôm, snack... để trẻ em làm việc này. Thú thật rằng đây là lần thứ hai đi chơi cùng trường của con nên tôi thấy mình đã "kinh nghiệm đầy mình", không như năm ngoái, hộp cơm hộp quá đơn giản của con khi đem so sánh với những hộp cơm cầu kỳ của các bà mẹ chung quanh từng khiến tôi đỏ mặt vì xấu hổ.
Xong xuôi, tôi mặc đồng phục cho bé rồi cùng nhau tới trường. Ở sân trường, lũ trẻ đang nô đùa chạy nhảy khắp sân với sự sung sướng và háo hức cho chuyến đi không giấu diếm. Đúng 8 giờ rưỡi, chúng tôi - các cặp một phụ huynh và trẻ cùng nhau lần lượt xếp hàng và trật tự ra xe bus, đồng thời biết chắc chỗ ngồi của mình do đã được cô giáo phổ biến từ trước. Các ông bố có thể lái xe ô tô theo xe bus cùng tới địa điểm ensoku để khi về gia đình có thể về cùng nhau và các bé có thể ngủ thoải mái sau một ngày vui chơi mệt nhoài.
Một em bé say mê ký họa chú chim cánh cụt tại thảo cầm viên.
Học mà chơi chơi mà học
Trên xe, lũ trẻ thực hiện nghi thức đầu tiên là cùng đồng thanh chào hỏi người lớn, chào hỏi lẫn nhau và cảm ơn bác lái xe. Cô chủ nhiệm cùng trò chuyện về địa điểm sắp tới, và các em được chơi các trò quiz (đố vui) về đề tài động vật - vì điểm đến hôm nay là thảo cầm viên. Có những câu hỏi rất thú vị như "Con vật nào có trong tủ lạnh nhỉ?". Lũ trẻ ớ ra rồi một bé trai hét lớn, con voi ạ. Tất cả mọi người đều cười ồ và khen em nhỏ thông minh, vì trong tiếng Nhật, voi (zou) cũng là chữ ghép trong từ tủ lạnh (reizouko).
Cũng để mọi người được giao lưu với nhau, các cô giáo sẽ khuấy động cả xe bằng các màn tự giới thiệu, và cùng học hát các bài hát của trẻ. Chúng tôi cũng hát một bài hát về chữ số và chơi chuyền tay nhau một chiếc khăn tay, và khi bài hát kết thúc mà chiếc khăn tay được chuyền tới phụ huynh nào thì phụ huynh ấy phải hát một bài, hoặc phát biểu cảm nghĩ về một giáo viên, một phụ huynh quen biết khác. Thường là những lời hay ý đẹp và trân trọng lẫn nhau nên ai cũng cảm thấy vô cùng vui vẻ. Đây cũng là dịp mọi người tăng cường hiểu biết lẫn nhau, vì không phải phụ huynh nào cũng cởi mở hoặc có thời gian hỏi thăm để biết tên phụ huynh khác.
Bài đỗ xe thảo cầm viên chật cứng.
Gần 10h sáng, chúng tôi tới nơi thì bãi đỗ xe của thảo cầm viên đã chật cứng xe bus và đông nghẹt người. Phải có tới 5, 6 trường học cùng đăng ký ensoku dịp này, nên các gia đình theo thứ tự lại cùng nhau xếp hàng đi vào cửa để tránh lạc. Đây là thời điểm các cô giáo chủ nhiệm rất vất vả, họ cần kiểm tra sĩ số lớp nên phải chạy tới chạy lui để lẩm nhẩm đếm lại số học sinh của mình. Một số trường còn cầm theo cờ để phụ huynh và học sinh dễ đi theo mà không bị lạc. Mọi người ổn định trật tự để chụp ảnh lưu niệm rất nhanh rồi tản ra đi tham quan theo sở thích. Vì đã có hoạt động tập thể trên xe bus nên chúng tôi có thể tùy nghi di tản, với nhiều trường học khác, có thể họ sẽ có hoạt động tập thể ngắn tại điểm đến trước khi tự do tham quan.
Bọn trẻ được dịp thân thiết hơn khi cùng nhau ngắm nghía, trò chuyện về các loài động vật.
Giờ mới là giây phút thiên đường thực sự của lũ trẻ. Trong công viên rộng rãi, chúng thỏa thuê ngắm nghía, chỉ trỏ, bình luận về các con vật mà chúng hiếm khi nhìn thấy. Con tôi và mấy cậu bạn thân mê mải ở khu vực giữ hổ, sư tử, những con vật mà theo các cậu chàng thật là oai hùng. Ở khu vực của hải cẩu, có cô bé say mê mang vở ra vẽ lại con vật, quả là một buổi ký họa có mẫu thật thật sinh động. Lũ trẻ còn được đi thăm những chú alpaca mới đẻ, lũ chồn đuôi dài, và cả đám Kangaroo lông đỏ nữa. Phụ huynh chúng tôi vừa trông chừng trẻ chơi, vừa để chúng tự trao đổi thông tin về các loài động vật, bởi không có kiến thức nào dễ tiếp nhận hơn những kinh nghiệm thực tế thế này.
Các ông bố được dịp gắn bó và cùng vợ chăm sóc con cái nhân ensoku, khi mà ngày thường áp lực công việc khiến họ ít có thời gian dành cho gia đình.
Đây cũng là giờ phút lũ trẻ học được cách thể hiện tình yêu thương của động vật, khi được ôm ấp, vuốt ve, chăm sóc các con vật nhỏ bé như thỏ, chuột hamster, gà con mới ấp. Tại một góc của thảo cầm viên tại Nhật luôn có khu tưởng niệm (mà chúng tôi thường nói đùa là bàn thờ) dành cho những con vật đã khuất, nơi rất nhiều ảnh, kỷ vật, bộ lông cũ của con vật được trưng bày, và rất nhiều em nhỏ đã tới đây viết lời lưu niệm, khóc thương các bạn động vật đã khuất. Người lớn đọc được những dòng chữ này có thể vừa buồn cười vừa nghe cay mắt: "Sư tử à, lên thiên đường nhớ chơi ngoan nhé", "Sư tử à, cám ơn mày nhiều. Hãy gặp lại cha mẹ thật vui nhé".
Phụ huynh cùng giao lưu và chụp ảnh cho con cái mình trong khi các em thỏa thích thể hiện tình cảm với thỏ con.
Giờ phút thảnh thơi của tất cả
Ensoku là thời điểm hiếm hoi trong năm mà tôi nhìn thấy các cô giáo của con mình "trông có vẻ thảnh thơi". Trừ thời điểm xuất phát và trở về, các cô đã có một buổi dã ngoại thảnh thơi tự do khi phụ huynh và trẻ nhỏ đã tản đi. Nhìn các cô đi thành từng tốp vui vẻ, nhìn ngắm xung quanh, cười đùa dùng bữa trưa mà không phải chăm lo cho trẻ, tôi thầm cảm ơn sự vất vả của họ trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ quá vất vả trong suốt thời gian.
Các cô giáo thảnh thơi dạo chơi khi được rảnh tay trong chốc lát. Bình thường trong các hoạt động tập thể khác, giáo viên mầm non Nhật luôn hoạt động liên tục và rất vất vả.
Đây cũng là lúc tôi cảm nhận được cách người Nhật gây dựng tinh thần gắn kết giữa những cá nhân qua việc khơi gợi những hoạt động tạo tình cảm và ký ức thân ái, tự nhiên. Cha mẹ và con cái cùng đi dã ngoại giúp cho gia đình vui vẻ, hạnh phúc hơn. Lũ trẻ chia sẻ đồ ăn và cười đùa giúp chúng thương yêu nhau và thân thiết hơn. Phụ huynh với phụ huynh được dịp tán gẫu thoải mái trong giờ chơi, xem con mình thân thiết với bạn nào. Và hơn hết, tôi hiểu rằng giáo dục đối với người Nhật chưa bao giờ là thứ "dịch vụ", cũng không là khẩu hiệu, trái lại nó là hành động phối hợp, đồng lòng, cam kết của cha mẹ, nhà trường và toàn xã hội.
Từng có 7 năm sinh sống cùng gia đình tại Nhật nên mẹ Masao có cơ hội được trải nghiệm rất nhiều về văn hóa, xã hội trên đất nước mặt trời mọc. Và từ khi bé Masao đi học, mẹ Masao còn có thêm cơ hội trải nghiệm "công việc" của một người mẹ có con đi học mẫu giáo ở Nhật. Những cảm nhận và chia sẻ chân thực của mẹ Masao một lần nữa khiến chúng ta "ngả mũ" trước cách người Nhật giáo dục trẻ em. Độc giả có thể đọc thêm những bài viết thú vị của mẹ Masao tại đây.