Tâm sự đẻ dày: Ra ngoài 30 giây, mẹ tá hỏa khi quay lại thấy em bị chị cào khắp mặt

Ocean,
Chia sẻ

Chỉ cần mẹ sơ sẩy ra ngoài một chút, quay lại đã lãnh đủ hậu quả xót xa khi để chị trông em.

Với các mẹ đẻ dày, việc chăm con càng khó hơn bội phần khi phải xử lý vấn đề tâm lý của bé lớn. Bởi sau khi có em, bé lớn không còn ở vị trí độc tôn, được cưng chiều nhiều nhất trong nhà nữa mà phải… nhường mẹ cho em. Vậy nên tâm lý đố kỵ, ganh ghét cộng với độ tuổi chưa hiểu biết nhiều khiến bé lớn thường làm hại em, khiến em bị đau. Những trường hợp anh chị cào cấu em, đấm em, nhét vật lạ vào miệng em… có thể gặp ở bất kỳ đâu.

Mới đây, tâm sự của chị Lan Anh (hiện đang sống ở Hà Nội) đăng tải trong một hội nhóm đã khiến nhiều mẹ đồng cảm sâu sắc: "Ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng của nhà em đây. Chị cào em thế này đây các mẹ ạ!". Theo đó, chị Lan Anh vừa đi ra khỏi phòng khoảng 30 giây để cất đồ, quay lại đã thấy cơ sự này xảy ra. Chị cào em khắp mặt, những vết xước chằng chịt còn hẳn cả vệt máu.

de-day-chi-cao-em-1

de-day-chi-cao-em-2

Bức ảnh bé bị chị cào khiến nhiều mẹ xót xa, đồng cảm.

Chị Lan Anh chia sẻ thêm, bé gái lớn nhà chị mới 2 tuổi nhưng thường xuyên tị nạnh với em và trêu em. Vốn biết tâm lý của con khi có em, lúc bầu chị cũng đã dạy con thơm em bé trong bụng mẹ, nói yêu em. Sinh ra chị cũng nhẹ nhàng nói chuyện, nhưng dường như vẫn chưa đủ. Bởi một em bé mới 2 tuổi thì sẽ chưa đủ nhận thức để hiểu về hành vi có hại của mình. Đôi lúc chị còn có cảm tưởng bé lớn coi những hành động đó là thú vui của mình.

Chị Lan Anh hy vọng thời gian tới khi cố gắng nói chuyện nhiều hơn và con lớn hơn cũng sẽ khiến con biết cách đối xử với em hơn, không làm em đau nữa: "Mình vào thấy cảnh này bực tức quá nên đã đánh bạn lớn. Nhưng sau đó mình lại thấy hối hận. Vừa giận, vừa thương con, vừa trách bản thân mình. Mình biết là nếu như phạt mạnh để con chừa thì không nên, làm vậy sẽ càng tác dụng ngược ảnh hưởng tâm lý con. Lần sau mình sẽ cố gắng kiềm chế. Chỉ hy vọng con sẽ ngày càng thương em hơn thôi".

Phía dưới câu chuyện của chị Lan Anh, có mẹ kể: "Mình sinh bé sau khi bé đầu mới được 18 tháng. Đó cũng là thời điểm bé lớn bắt đầu nhận biết về thế giới xung quanh, con thực sự rất cần mẹ. Nhưng bé sau lại ốm suốt, khi thì bị viêm kết mạc, khi lại ho hắng rồi dẫn đến viêm phế quản… thành ra mẹ toàn phải chăm em. Bé lớn càng trở nên mè nheo, đòi mẹ nhiều và thường lân la vào phòng mẹ với em rồi cầm chân, cầm tay em mà kéo, giật khiến mẹ như muốn phát điên. Chỉ cần mẹ ngoảnh đi là con trèo ngay lên giường "xử lý" em…". Cũng nhiều mẹ hài hước kể lại chuyện bé lớn toàn đòi mẹ "nhét em lại vào bụng".

49787428_1279533295534277_8246823033545687040_n

50074634_1279533298867610_3886775665772462080_n

Chị Anh Bùi chia sẻ bức ảnh bé em bị bé chị vẽ khắp mặt. Các mẹ khác bình luận may mà chị không dại dột chọc bút vào mắt em.

Cách đây ít ngày, trong một hội nhóm khác, chị Anh Bùi cũng chia sẻ bức ảnh để bé lớn trông em và hậu quả dở khóc dở cười: Bé lớn cầm bút vẽ lem nhem khắp mặt bạn bé. "Tác hại của việc đẻ dày là như thế này đây các mẹ ạ. Nhà em bạn lớn 2 tuổi rưỡi, bạn em 2 tháng rưỡi. Bảo chị trông em hộ mẹ một tí mà quay đi quay lại thấy con bịt gối vào mặt em, rồi xõa hết tóc vào mặt cho em sợ khóc ré lên. Giờ thì vừa vào nhà tắm, đi ra thấy mặt em bị như này. Nhìn vừa tức mà vừa buồn cười"…

Những tình huống trớ trêu trong các nhà đẻ dày như vậy luôn nhận được sự quan tâm rất lớn từ các mẹ. Cũng từ đó mà các mẹ lại một lần nữa tự rút ra những kinh nghiệm cho mình. Trong số hàng trăm bình luận, các mẹ đều đồng tình rằng khi đã đẻ dày, việc chuẩn bị tâm lý cho bé lớn là cực kỳ cần thiết. Bên cạnh đó, mẹ tuyệt đối không để cho bé lớn ở một mình với bé em, bởi vì "sẩy một ly đi một dặm". Mẹ chỉ nên để bạn lớn chơi với em khi có người lớn trông chừng và khéo léo thủ thỉ, hướng dẫn con yêu em đúng cách.

Chia sẻ