Những thực phẩm vô cùng tuyệt vời mà cha mẹ rất nên bổ sung cho con ăn dặm mỗi ngày
Cho con ăn dặm và tự bốc thức ăn mang lại nhiều lợi ích giúp bé học hỏi và hoàn thiện các kĩ năng thuần thục hơn. Cha mẹ rất nên tham khảo danh sách các loại thực phẩm phù hợp cho trẻ tập ăn dặm dưới đây để bổ sung cho con yêu.
Những lợi ích tuyệt vời khi trẻ được cầm nắm và ăn bốc
Trước đây, ông bà ta thường có thói quen cho trẻ ăn dặm từ rất sớm khi trẻ mới 6 tuần tuổi. Thực đơn chính chỉ là bột gạo hoặc một số loại rau củ xay nhuyễn. Nhưng ngày nay, các bậc cha mẹ hiện đại đã biết bổ sung thêm thực đơn ăn dặm phong phú cho bé, và nhất là độ tuổi cho trẻ ăn dặm theo lời khuyên của các chuyên gia, bác sĩ đều từ 6 tháng tuổi trở lên.
Mỗi bữa ăn là một cơ hội để trẻ khám phá thế giới (Ảnh minh họa)
Gill Rapley, đồng tác giả cuốn Baby-Led Weaning: Helping Your Baby to Love Good Food (Tạm dịch: "Ăn dặm bé chỉ huy: Hướng dẫn giúp bé yêu thích đồ ăn lành mạnh") gợi ý rằng khi bé được cầm nắm và tự ăn từ nhỏ thì khả năng kiểm soát lượng thức ăn tốt hơn, không để bị quá no hay quá đói và làm giảm nguy cơ kén ăn, biếng ăn sau này. Hiệp hội Nhi khoa Canada (Canadian Paediatric Society) cũng khuyến nghị cha mẹ bắt đầu cho trẻ ăn dặm bằng thực phẩm xay nhuyễn khi đủ 6 tháng tuổi, từ 8-9 tháng có thể cho bé tập cầm nắm thêm một số thực phẩm mềm khác. Trên thực tế, các chuyên gia khuyên cha mẹ nên để bé được tự mình đảm đương nhiệm vụ ăn bằng cách cho bé dùng tay cầm nắm một số loại thực phẩm nhất định.
Hiện nay, để trẻ hào hứng hơn với đồ ăn cũng như rèn luyện thêm nhiều kỹ năng, ngày càng có nhiều bà mẹ trẻ cho con trải nghiệm cách ăn bốc. Chuyên gia dinh dưỡng Natalie Brown (Vancouver, Canada) giải thích rằng việc trẻ tự lấy thức ăn trong tay và đưa vào miệng khá quan trọng và hữu ích về mặt phát triển kĩ năng cho chính bản thân trẻ sau này. Tự lập trong việc ăn uống khiến bé cảm thấy tự chủ, tự tin hơn khi khám phá và thử nghiệm những điều mới mẻ, trẻ biết cách tìm hiểu về kết cấu và phối hợp thuần thục hơn. Cảm quan, xúc giác của trẻ được ăn bốc cũng phát triển tốt hơn, bé có thể cảm nhận thức ăn bằng tay và quyết định nên ăn loại nào khi cầm nắm.
Việc trẻ tự lấy thức ăn trong tay và đưa vào miệng khá quan trọng và hữu ích về mặt phát triển kĩ năng cho chính bản thân trẻ sau này (Ảnh minh họa)
Danh sách một số loại thực phẩm điển hình có thể cho trẻ ăn bốc
Ăn bốc là một kỹ năng giúp bé rèn luyện bàn tay khéo léo, thuần thục. Thế nhưng, khi tập cho bé ăn bốc, mẹ cần lựa chọn những món vừa hấp dẫn vừa an toàn để trẻ không bị hóc. Chế độ dinh dưỡng cho trẻ ăn bốc không cần quá cầu kì, mẹ có thể tập cho bé ăn bất cứ món gì miễn là mềm, dễ tán nhuyễn và phù hợp với lứa tuổi của bé. Thật ra, có những món ăn đơn giản mẹ hoàn toàn có thể tập cho con ăn với gợi ý dưới đây:
Chế độ dinh dưỡng cho trẻ ăn bốc không cần quá cầu kì (Ảnh minh họa)
- Ngũ cốc
Ngũ cốc nên được thêm vào chế độ ăn của bé khi bắt đầu tập cầm nắm thức ăn. Ngũ cốc là một nguồn năng lượng tuyệt vời giúp bé phát triển như mì ống nấu chín, bánh gạo, bánh ngũ cốc yến mạch, bánh mì ngũ cốc hoặc bánh mì nướng cắt lát.
- Trái cây
Mẹ có thể tập cho bé ăn trái cây bằng cách cắt nhỏ để bé không bị nghẹn, sau đó cho vào đĩa và để bé tự bốc ăn. Trái cây cung cấp nhiều chất xơ, tốt cho sức khỏe của bé. Mẹ cắt nhỏ dạng hạt lựu các loại trái cây mềm như chuối, đào, lê, kiwi, dưa hấu, xoài, nho, thanh long rồi cho bé cầm ăn. Một số loại trái cây cứng như táo cần nấu mềm. Đây là những loại quả vừa mềm vừa nhiều dinh dưỡng phù hợp với bé bắt đầu tự tập bốc thức ăn.
Mẹ có thể tập cho bé ăn bất cứ món gì miễn là mềm, dễ tán nhuyễn và phù hợp với lứa tuổi của bé (Ảnh minh họa)
- Rau củ
Mẹ nấu chín và cắt nhỏ rau như bông cải xanh, súp lơ, khoai lang, bí, cà rốt, đậu xanh và rau bina để cho bé tập cầm nắm ăn. Lưu ý là nấu chín mềm hơn bình thường một chút vì bé đang tập làm quen với thức ăn rắn và vẫn chưa có nhiều răng.
- Chất đạm
Mẹ hãy thử tập cho bé ăn thêm thực phẩm giàu chất đạm như trứng, đậu phụ, thịt bò xay, thịt gà, thịt cừu hoặc thịt lợn. Khi bé lớn hơn sẽ ăn được những khối thức ăn lớn hơn và có thêm kỹ năng thao tác và bắt đầu sử dụng thìa, dĩa.
Mẹ lưu ý không ép bé ăn thêm nếu bé không muốn mà hãy để bé được quyết định cần ăn bao nhiêu là đủ (Ảnh minh họa)
Mẹ lưu ý không ép bé ăn thêm nếu bé không muốn. Công việc của bố mẹ là cung cấp thức ăn bổ dưỡng, và công việc của bé là được quyết định ăn bao nhiêu bé muốn. Mẹ cũng lưu ý thêm một số loại thức ăn không nên cho bé cầm ăn trong giai đoạn này bởi nguy cơ hóc nghẹn rất cao:
- Cả quả nho
- Que xúc xích tròn, dài
- Cà rốt sống
- Các loại hạt
- Kẹo dẻo
- Nho khô
- Bắp rang bơ
- Khoai tây chiên thái lát
- Kẹo cứng
Nguồn: Parent