Không cần làm những món dặm cầu kì, người mẹ này chỉ làm 4 điều sau là bé luôn ăn ngon trong mọi bữa cơm
Một người mẹ mới đây đã chia sẻ những kinh nghiệm mà bản thân đúc kết ra được sau hành trình cho con ăn dặm. Đây chắc chắn sẽ là một bài học bổ ích cho tất cả những bậc cha mẹ muốn con tìm thấy niềm vui trong việc ăn uống.
Mong muốn của các bố mẹ khi nghĩ về việc ăn uống của con như thế nào? Là con luôn phải ăn hết suất, phải ăn đủ bữa, ăn đủ chất? Là bố mẹ, ông bà, người giúp việc sẽ nấu nướng, bày biện để mời con chỉ việc "xơi"? Là lúc nào cũng phải đau đáu để con được ăn thứ sạch nhất, ngon nhất, bổ nhất?
Với mình thì ưu tiên số 1 là niềm vui. Mình luôn cố gắng làm tốt nhất có thể để mỗi lần con ngồi vào bàn ăn là mỗi lần con hân hoan, vui vẻ. Vì thế, khi con ốm, mình đồng ý cho nhịn ăn, khi con nói "Con no rồi, con xin phép" thì cho dù con mới ăn có một tí tẹo mình cũng (cố gắng tự nhắc mình) không nài ép thêm. Cho đến lúc này, mình nghĩ là mình đã làm tốt nhất có thể việc đó – trao cho các con niềm vui và thói quen ăn uống lành mạnh. Kể cả khi còn nhỏ, các bạn đã luôn biết đề nghị, lựa chọn và quyết định ăn món gì, ăn như thế nào, ăn bao nhiêu là đủ. Để cùng các con vun đắp niềm vui đó, chúng mình đã có một hành trình dài thật dài, quan sát, lắng nghe, tôn trọng các con và luôn tự sửa mình mỗi khi mắc sai lầm. Mình đúc kết hành trình đó bằng 4 điều nho nhỏ dưới đây:
1. Không "sùng bái" phương pháp ăn dặm nào cả
Mình thực sự không ép bản thân mình vào lựa chọn "cho con ăn dặm kiểu gì"? Mình đọc các cuốn sách về dinh dưỡng trẻ em ở độ tuổi ăn dặm để tìm hiểu kĩ các thông tin khoa học về dinh dưỡng, về sự phát triển của bộ máy tiêu hóa, về dị ứng thực phẩm, về các cảnh báo, hướng dẫn an toàn… Dựa trên các kiến thức ấy mình lựa chọn một cách phù hợp nhất với lịch sinh hoạt của con, với thói quen ăn uống của gia đình, với quỹ thời gian của bố mẹ để tránh những căng thẳng không cần thiết ngay từ khi mới bắt đầu. Mình tin rằng, mọi thứ mình làm vì con, mặc dù tốt, mà không thuận với nếp sinh hoạt của cả nhà, không đúng là những gì bố mẹ vẫn làm hàng ngày thì rất dễ khiến mọi người mệt mỏi, vì thế "thuận bố, thuận mẹ, thuận con" thì tát biển Đại Tây Dương cũng cạn.
Để con có cơ hội được tham gia chuẩn bị bữa ăn của mình, cho con được chủ động ăn theo cách con muốn và tôn trọng nhu cầu ăn uống của con là cách tôi làm để các con luôn tìm thấy niềm vui trong mỗi bữa ăn của mình. (Ảnh: HM)
2. Luôn cho con biết là "Con được ăn gì?"
Khi bữa ăn nhà mình bắt đầu, bạn bé 3 tuổi thường hay tủm tỉm bảo: "Mẹ giới thiệu hôm nay mình ăn gì cho con đi". Mình quan sát thấy, hình như các bạn nhỏ thường thưởng thức một bữa ăn khi "mọi sự đã rồi", các món chế biến xong xuôi bày biện trên bàn, có bạn lớn rồi bố mẹ vẫn cắt trộn tất cả thức ăn vào bát để xúc bón cho nhanh. Từ bữa ăn dặm đầu tiên, mình luôn cố gắng tận dụng mọi cơ hội để trò chuyện nhiều nhất có thể với con về những món mà con sẽ ăn. Nếu ăn bơ dầm thì con sẽ được cầm quả bơ, được xem mẹ cắt bơ, khi dầm bơ mẹ cho thêm sữa mẹ vào cũng sẽ giới thiệu cho con. Nếu ăn tôm, con sẽ được nhìn thấy con tôm lúc chưa hấp lên, sau rồi hấp lên con tôm sẽ đỏ au, muốn ăn thì phải bóc vỏ ra sao. Lớn thêm thì các bạn sẽ đi chợ cùng mẹ, đi hái rau, nhổ củ ở vườn hay là cùng mẹ chuẩn bị cho bữa ăn.
Cả hai bạn nhỏ nhà mình cũng học cách dùng dao và kéo từ rất sớm. Mình chỉ làm một nhiệm vụ là chọn loại kéo an toàn và dao làm bếp cho trẻ em, luôn để mắt tới các bạn ấy trong khi các bạn dùng dao, kéo thôi chứ không có "chiêu gì" đặc biệt để dạy con cả. Mình thường ở bên con và làm mẫu chậm rãi chứ không cầm tay bạn ấy để chỉ cách làm, lâu dần, làm nhiều quen tay, các bạn tự học được cách điều khiển sao cho thuận với mình nhất và trở nên thành thục hơn.
Làm bếp là một hoạt động giúp trẻ phát triển và học được vô cùng nhiều những kĩ năng quan trọng, đó cũng là một trải nghiệm giúp trẻ hào hứng hơn với mỗi bữa ăn của mình. (Ảnh: HM)
Mình thành thực khuyên các bố mẹ nên cho con tham gia vào việc bếp núc cùng mình từ sớm. "Tay làm hàm nhai" mà, khi được tham gia, các bạn ấy sẽ hào hứng và yêu quý bữa ăn của mình hơn rất nhiều. Bạn bé 3 tuổi giờ có thể giúp mình bóc trứng luộc, rửa rau, thái rau củ quả loại mềm, tráng bát rồi úp và rổ, biết thế nào là nước sôi, hiểu và tuân thủ một số quy tắc an toàn tối thiểu trong bếp, đang học nạo vỏ củ quả. Bạn lớn 8 tuổi thì trở thành "bếp phụ" hoàn hảo của mẹ, bạn có thể tự nấu một bữa ăn đơn giản, biết lựa chọn đúng loại đồ mẹ cần mua, rửa bát, dọn dẹp bếp gọn gàng và vô cùng thích đọc sách nấu ăn. Tối qua, sau khi rửa bát xong, bạn lớn bảo: "Mỗi lần nấu ăn cùng mẹ là con lại hiểu mẹ mệt thế nào, con chỉ rửa một chỗ bát bằng một nửa chỗ bát mẹ hay rửa mà đã mỏi hết cả lưng rồi". Đấy, chúng sẽ còn thấu hiểu bố mẹ hơn nữa đấy!
3. Mọi món ăn đều tuyệt!
Mình nghĩ rằng, việc các con ăn uống kén chọn sẽ rất bất lợi cho các con khi lớn lên, tham gia vào các hoạt động tập thể bên ngoài hay đi học xa nhà, vì thế, từ bữa ăn đầu tiên trong cuộc đời của con, mình đều cố gắng tạo cho con thói quen trân trọng và yêu quý đồ ăn, có gì ăn nấy một cách vui vẻ và hài lòng. Con được ăn uống đa dạng và phong phú từ đủ loại thực phẩm và theo nhiều cách chế biến khác nhau hay khám phá rất nhiều các loại gia vị, "vị giác" nhạy cảm, rất thích nhắm mắt thưởng thức và đoán đồ ăn và không ngại thử món ăn mới. Với những món ăn mới, bọn mình thường khích lệ nhau và khích lệ con "cái gì cũng nên thử 1 xíu", vừa thử vừa khám phá để thấy rằng, không có món ăn nào là chán cả, chỉ có món ăn mà mình chưa thích hoặc thích ít hơn các món khác mà thôi.
Ảnh: HM
Mình cũng hạn chế nhiều nhất việc tẩm ướp, chế biến quá kĩ đồ ăn để con thưởng thức vị đồ ăn nguyên bản nhất có thể, đặc biệt là đối với các loại rau, củ, quả tươi. Đặc biệt, các con cũng hiếm khi nghe thấy bố mẹ phàn nàn, chê bai món này, món kia nên bọn trẻ nhà mình thường "có gì ăn nấy", cực kì hiếm khi hai bạn ấy đòi hỏi, yêu sách về đồ ăn này nọ.
4. Cuối cùng, nhưng rất quan trọng: Nuôi dưỡng cảm giác ấm áp về bữa ăn gia đình
Như mình chia sẻ từ đầu, bữa ăn nhà mình có thể đơn giản nhưng lúc nào cũng dư thừa niềm vui. Những bữa ăn không có tiếng tivi chương trình thời sự, không có tiếng giục giã, nài nỉ, ép uổng, cũng không có lời phàn nàn, chê trách những chuyện không liên quan tới ẩm thực. Cố gắng để thu xếp thời gian ăn cơm với con cũng là cả một sự nỗ lực cần bỏ công, bỏ sức, chứ đừng cố gắng làm sao để nhanh nhanh chóng chóng cho con ăn trước cho xong bữa hay cho dễ "nhồi" hết bát cơm, bát cháo các bố mẹ nhỉ?
Đơn giản vậy thôi và các bố mẹ đừng bao giờ quên nói "Chúc con ngon miệng!" nữa nhé!