Những thói quen của cha mẹ có ảnh hưởng xấu đến hành vi ăn uống của trẻ
Rất nhiều các mẹ than phiền rằng, có vẻ như càng lớn con càng khó ăn và kén chọn, đặc biệt là nhiều bé rất lười và sợ ăn rau. Đây là thực tế mà hầu như các bà mẹ ở khắp nơi trên thế giới đều phải đối diện và đương đầu với nó!
Kén ăn, lười ăn, không hợp tác với các món ăn mới, đặc biệt là rau củ quả... là hiện tượng chung của nhiều trẻ, ngay cả với những trẻ có sự khởi đầu ở giai đoạn ăn dặm rất tốt. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này của trẻ, để khắc phục bố mẹ cần kiên nhẫn và thời gian, đồng thời cùng xem lại mình có mắc phải một trong những thói quen dưới đây không.
Theo các chuyên gia dinh dưỡng, một số thói quen khi cho con ăn của cha mẹ có ảnh hưởng rất xấu đến cảm hứng, sở thích, thói quen ăn uống của trẻ, nó tai hại không kém gì việc ép ăn, cho con vừa ăn vừa xem tivi hay đi ăn rong, dưới đây là những thói quen đó.
Do điều kiện sinh hoạt và thời gian bận rộn nên hầu như bố mẹ Việt thường cho con ăn cơm trước để tiết kiệm thời gian, một phần vì sợ con ăn lâu, ăn chậm, phần khác là nếu để con ăn cơm cùng cả nhà thì sẽ quá muộn, ảnh hưởng đến sức khỏe của con. Đây là một thói quen sai lầm có thể dẫn tới nhiều ảnh hưởng xấu với trẻ. Khi trẻ ở giai đoạn ăn dặm, nếu trẻ thường xuyên ăn một mình, không được tham gia bữa ăn của cả nhà, tức là trẻ đã bị tước đi cơ hội học hỏi những kĩ năng ăn uống cơ bản từ bố mẹ và người thân trong gia đình, trong đó có kĩ năng nhai, nuốt...
Nhiều trẻ dù đã lớn vẫn không biết nhai thức ăn, thường ngậm hoặc nuốt chửng khiến bé dễ bị lười ăn, biếng ăn. Nhai, nuốt là một trong những kĩ năng quan trọng trong hành trình ăn dặm của bé, trên thực tế, trẻ hoàn toàn không cần phải tập nhai nếu bé có cơ hội bắt chước động tác nhai của bố mẹ trong các bữa ăn gia đình. Tuy nhiên, trẻ sẽ không thể tự học được kĩ năng này nếu bố mẹ không cho bé tham gia vào bữa ăn gia đình, trẻ không có cơ hội quan sát bố mẹ ăn cơm, nhai thức ăn để mô phỏng, bắt chước và làm theo, hoặc một số bố mẹ khi ăn cùng con thường ăn rất nhanh, vội vàng, không nhai kĩ, nhai từ tốn để con có thể quan sát, học hỏi.
Đối với trẻ lớn hơn, việc được tham gia vào bữa ăn gia đình là cơ hội tuyệt vời để bé học hỏi thêm nhiều kĩ năng ăn uống khác như dùng thìa, dùng đũa, gắp thức ăn, dọn dẹp bàn ăn... Mới đây, theo một báo cáo toàn diện được nghiên cứu bởi Trung tâm Quốc gia về Nghiện và lạm dụng chất gây nghiện tại Đại học Columbia (CASA) thì những trẻ ở độ tuổi thiếu niên thường xuyên được ăn cơm cùng gia đình sẽ giảm đáng kể nguy cơ hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng ma túy và lạm dụng thuốc.
Bữa ăn gia đình có ý nghĩa vô cùng quan trọng, vì thế, ngay từ bữa ăn dặm đầu tiên của con, hãy để bé tham gia cùng cả gia đình ít nhất một bữa ăn trong ngày, đó chính là nền tảng vững chắc giúp trẻ xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh sau này.
Một bát tô hay một đĩa ngồn ngộn thức ăn, trộn lẫn vào nhau không chỉ không ngon mắt mà còn khiến trẻ không thể nhận biết mình đang được thưởng thức những loại thực phẩm hay món ăn gì và cảm thấy căng thẳng với cảm giác "nhiều thế này mình không thể ăn hết được"... Thay vào đó, hãy để thức ăn cho con vào những chiếc bát/đĩa có kích thước nhỏ phù hợp với độ tuổi của con và tách biệt để trẻ có thể cảm nhận được rõ ràng nhất về loại thực phẩm mình sẽ ăn, cũng như có thể ăn hết được suất ăn của mình.
Với sự thay đổi này, bố mẹ còn có thể giúp con xây dựng khả năng tự điều chỉnh lượng ăn phù hợp với mình, vì bản năng này sẽ mất đi khi trẻ lên 5 tuổi, khi đó trẻ sẽ hoàn toàn không còn khả năng tự điều chỉnh mà càng có nhiều đồ ăn thì trẻ sẽ ăn càng nhiều.
Đây cũng là cách để bố mẹ giới thiệu với trẻ trình tự ăn uống lành mạnh khi để trẻ ăn rau của quả trước tiên - sau đó đến thịt, cá, trứng rồi cuối cùng là đến cơm, mỳ, bánh mỳ.... Điều này còn giúp trẻ ăn được nhiều rau củ quả hơn hẳn so với cách ăn trộn tất cả các loại vào bát cơm của con như bố mẹ vẫn làm.
Đứa trẻ nào cũng yêu thích việc nấu nướng một cách hết sức bản năng và tự nhiên, vì chúng được trải nghiệm và khám phá những điều mới mẻ. Để con cùng tham gia vào việc chuẩn bị cho bữa ăn của gia đình cũng là một cách vô cùng tuyệt vời và hiệu quả để trẻ học cách ăn uống khoa học, lành mạnh và rèn luyện rất nhiều kĩ năng khác một cách vui vẻ, hào hứng như: kĩ năng đọc (khi xem, đọc công thức cùng bố mẹ); kĩ năng làm theo các bước (khi thực hiện các bước hướng dẫn trong công thức); kĩ năng toán học (khi đo đếm các nguyên liệu); kĩ năng về khoa học (tìm hiểu các thành phần, chất hóa học, thực phẩm theo mùa, kiến thức về trồng trọt...); kĩ năng vận động tinh, khả năng phối hợp tay mắt khi trộn, đảo, cắt, đong đo thực phẩm....
Hãy nuôi dưỡng niềm vui và trách nhiệm của con đối với việc ăn uống bằng cách để con thể hiện vai trò của mình khi chuẩn bị bữa ăn cho cả gia đình.
Có thể bạn không tin nhưng bố mẹ càng thúc ép "Con ăn đi, món này tốt cho sức khỏe của con", "Con ăn đi, món này vô cùng bổ dưỡng"... thì lũ trẻ sẽ càng tỏ ra khó chịu, thậm chí áp lực và phản kháng đối với món ăn đó. Thói quen này cũng có thể khiến cho trẻ có một "ác cảm" vô hình đối với những gì bố mẹ dán mác "tốt cho sức khỏe, bổ dưỡng".... và do đó, không có niềm vui hay sự hứng thú đối với việc khám phá, thưởng thức đồ ăn. Để con có niềm vui khi được thưởng thức các món ăn lành mạnh, bố mẹ chỉ có cách duy nhất là xây dựng nó thành một thói quen đều đặn hàng ngày cho con, để con làm quen với các món ăn lành mạnh một cách vui vẻ, tự nhiên thông qua việc tham gia vào chuẩn bị, nấu nướng cùng bố mẹ. Ngoài ra, bố mẹ cũng có thể tham khảo tiếp những gợi ý trong phần dưới đây.
Để trẻ yêu thích và hào hứng với các thực phẩm lành mạnh, bố mẹ phải thường xuyên tích cực giới thiệu với trẻ càng sớm càng tốt, ngay từ khi trẻ bắt đầu ăn dặm, bởi càng lớn, sự phản ứng của trẻ với những thực phẩm mới sẽ càng mạnh mẽ. Khi giới thiệu với con một món ăn, loại thực phẩm mới, hãy kiên nhẫn giới thiệu nhiều lần và để trẻ chủ động nếm thử, một cách thật tự nhiên, tuyệt đối không nên ép con phải ăn, phải thử... Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trẻ sơ sinh có thể yêu thích một loại thực phẩm mới chỉ sau 1 lần giới thiệu, nhưng với một đứa trẻ 2 tuổi, bố mẹ sẽ phải thử rất nhiều lần, thậm chí có khi lên đến 20 lần theo một nghiên cứu đối với nhóm trẻ trong độ tuổi 7-9 tuổi và 10-12 tuổi.
Vì thế, đừng bỏ cuộc chỉ sau vài lần bạn giới thiệu với con một món ăn mới mà con tỏ ra thờ ơ hay chống đối, theo các chuyên gia dinh dưỡng và sức khỏe cộng đồng ở Châu Âu: việc giới thiệu thực phẩm mới cho trẻ cần phải được lặp đi lặp lại, ít nhất là 8-10 lần và trẻ sẽ dần hợp tác hơn khi được nếm thử khoảng 12-15 lần. Việc của bố mẹ là hãy chuẩn bị cho con những món ăn thật ngon lành!