Bỏ qua những tín hiệu này, mẹ sẽ thất bại thảm hại khi cho con ăn dặm

Hà Mi,
Chia sẻ

5 tháng, 6 tháng là những mốc đánh dấu thời điểm các mẹ có thể tập cho con ăn dặm, tuy nhiên, nếu áp dụng một cách cứng nhắc theo mốc thời gian này, cả mẹ và con sẽ vấp phải cực kì nhiều thử thách trong hành trình ăn dặm.

Ăn dặm” là một cột mốc đầy hào hứng đối với các bà mẹ đang nuôi con nhỏ, dường như bà mẹ nào cũng chờ đợi đến thời điểm con được 5 tháng để bắt đầu cho con ăn dặm (nếu theo phương pháp ăn dặm kiểu Nhật) hoặc muộn hơn là 6 tháng theo khuyến nghị chung của nhiều tài liệu dinh dưỡng cho trẻ. 

Sẵn với tâm lý háo hức đó, khi con đến tuổi tập ăn dặm, nhiều mẹ đã rất hăm hở chuẩn bị đầy đủ những dụng cụ ăn dặm cầu kì và những thực đơn phong phú để khởi đầu hành trình này thật hoàn hảo, tuy nhiên, rất có thể bạn sẽ thất bại và cảm thấy vô cùng căng thẳng khi con không hợp tác, con không ăn nhiều như mẹ kì vọng… vì bạn đã bỏ qua những tín hiệu cực kì quan trọng của con.

Ăn dặm 1
Có rất nhiều căn cứ để bạn quyết định thời điểm nên cho con ăn dặm hay chưa. (Ảnh minh họa)

Trong cuốn “Bách khoa toàn thư nuôi dạy trẻ - Từ 5 tháng đến 18 tháng tuổi” – một cuốn sách trong bộ sách gối đầu giường của các cha mẹ Nhật suốt gần 50 năm qua, bác sĩ Nhi khoa Matsuda Michio cho rằng “khi cho trẻ ăn dặm, thay vì nhớ thực đơn xem nấu gì, nấu như thế nào, việc trước tiên mẹ cần làm là quan sát thật kỹ các biểu hiện của trẻ. Nếu chỉ để tập ăn thìa, mẹ cứ ẵm trẻ lên là được, nhưng khi định chuyển dần sang ăn cháo, nếu trẻ không ngồi được sẽ rất khó. Kê chăn đỡ mà trẻ không ngồi được chừng 10-20 phút thì cũng khó lòng cho ăn cháo một cách thong thả được”. 

Điều đó cho thấy, việc quan sát kĩ các biểu hiện của con là một bước cực kì quan trọng để các mẹ quyết định đã đến thời điểm tập cho con ăn dặm hay chưa. Trên thực tế, giai đoạn dưới 1 tuổi, nguồn dinh dưỡng chính của trẻ vẫn chủ yếu là sữa mẹ, việc ăn dặm ở giai đoạn này chủ yếu là để trẻ làm quen với các loại thức ăn, phát triển bản năng nhai, cắn, nuốt; rèn nếp ăn uống vào một giờ cố định và hình thành các thói quen ăn uống lành mạnh… vì thế, việc trẻ ăn được bao nhiêu thức ăn ở giai đoạn này không quá quan trọng.

Ăn dặm 2
Để con ăn dặm thành công với mục tiêu cuối cùng là rèn luyện thói quen ăn uống độc lập và lành mạnh, mẹ cần quan sát rất kĩ các tín hiệu của con.

Cũng theo bác sĩ Nhi khoa Matsuda Michio, “các yếu tố bên ngoài như: trẻ đã 5 tháng tuổi, cân nặng đã đạt 6kg… không phải là yếu tố quyết định việc ăn dặm thành công. Điều kiện quyết định thành công của việc ăn dặm nằm ở chủ quan mỗi đứa trẻ, đó là: trẻ có ngồi ăn hay không?”. Bác sĩ Matsuda cho rằng: “Nếu cha mẹ không quan tâm đến tính độc lập của trẻ, dù có áp dụng các phương pháp ăn dặm giỏi đến đâu cũng không thể thực hiện thành công được”.

Ăn dặm 2
Khi cho con ăn dặm, tuyệt đối không nên ép con ăn mà nên nương theo nhu cầu của bé. Theo bác sĩ Matsuda, sau 10 ngày cho ăn dặm, nếu cân nặng của bé tăng quá 300gr nghĩa là bạn đã cho con ăn quá nhiều. (Ảnh minh họa)

Theo kinh nghiệm của mình, bác sĩ Matsuda còn lưu ý với các bố mẹ một tín hiệu nữa cần chú ý đó là “nếu đút thìa vào miệng mà trẻ lại dùng lưỡi đẩy hết những thứ hơi lợn cợn ra nghĩa là vẫn còn sớm để cho ăn dặm. Khi nào trẻ đưa tay ra với thìa cháo như muốn ăn thì hãy tiến hành cho ăn dặm, chắc chắn sẽ suôn sẻ”.

Cho con ăn dặm là một hành trình cần ở bố mẹ rất nhiều sự tinh tế và kiên nhẫn. Không quan trọng là bạn cho con ăn dặm theo phương pháp nào, để nuôi dưỡng con trở thành một em bé khỏe mạnh, có niềm vui với việc ăn uống, có thói quen ăn uống điều độ, chỉ cần bạn luôn ghi nhớ những điều sau:

- Chỉ bắt đầu cho con ăn dặm khi con đã có những tín hiệu sẵn sàng: Con đã có thể ngồi vững trên ghế để ăn/ Con với tay để lấy thức ăn khi được ngồi ăn cùng cả gia đình…

- Tôn trọng sở thích của con dựa trên việc quan sát thói quen ăn uống của con cẩn thận và kĩ càng.

- Tuyệt đối không ép con ăn. Hãy dừng lại ngay khi con có dấu hiệu không muốn ăn nữa: mím môi, quay mặt đi, dùng tay đẩy thìa mẹ đút, tỏ ra khó chịu không muốn ngồi ghế ăn nữa…

- Bữa ăn của con luôn diễn ra trên ghế ăn. Không cho con vừa ăn vừa xem tivi, điện thoại, chơi đồ chơi hay có người múa hát, làm trò, dọa dẫm…

- Cho con ăn vào những khung giờ cố định, nhất quán trong ngày. Không ăn vặt.

Làm được những điều trên, mỗi bữa ăn của con sẽ trở thành một cuộc khám phá vô cùng thú vị.
Chia sẻ