Những thói quen có hại cho con mà cha mẹ vẫn nghĩ mình đang làm đúng

TÚ UYÊN,
Chia sẻ

Có một số kinh nghiệm truyền miệng từ đời xưa được xem là phản khoa học, các bậc cha mẹ cần tránh áp dụng khi nuôi con.

Chăm sóc trẻ là một hành trình gian nan, vất vả, đòi hỏi cha mẹ không ngừng tiếp thu kĩ năng nuôi dạy con khoa học. Tuy nhiên, có một số kinh nghiệm truyền miệng từ đời xưa được xem là phản khoa học, các bậc cha mẹ cần tránh áp dụng khi nuôi con mình.

1. Đánh thức trẻ cho bú

Nhiều mẹ sợ con đói dẫn đến thiếu dinh dưỡng, chậm lớn nên đã không ngại đánh thức bé đang ngủ ngon lành để cho bú sữa. Hành động tưởng chừng quan tâm, yêu thương con nhưng hóa ra là phản khoa học, đặc biệt là đối với trẻ sơ sinh.

Khi đói, bé sẽ tự nhiên tỉnh giấc và đòi mẹ cho bú sữa. Nếu mẹ thường xuyên đánh thức bé dậy vào nửa đêm, điều này sẽ gây rối loạn đồng hồ sinh học và ảnh hưởng đến khả năng phát triển của bé.

Những thói quen có hại cho con mà cha mẹ vẫn nghĩ mình đang làm đúng - Ảnh 1.

2. Cạo trọc tóc của trẻ

Người xưa có quan niệm cạo trọc tóc của bé sẽ giúp tóc mới mọc lên dày và đẹp. Thực tế, đây là quan niệm sai lầm. Bởi tóc của trẻ nhỏ rất mềm mượt, nếu cạo trọc tóc của bé sẽ khiến nang tóc bị tổn thương, nghiêm trọng hơn có thể gây viêm nhiễm da đầu.

Trong trường hợp, bé để đầu trọc đi ra đường và không có nón mũ bảo vệ, tia cực tím của ánh nắng mặt trời có thể khiến làn da mỏng manh của bé bị thương tổn.

3. Dạy trẻ tập đi quá sớm

Nhiều bậc cha mẹ có tâm lý: "Muốn con thắng ngay từ vạch xuất phát". Họ cho rằng, nếu con tập đi sớm hoặc biết nói sớm thì chứng tỏ là con thông minh. Do đó, khi bé mới 8 tháng tuổi và đang học leo trèo, các bậc cha mẹ đã nôn nóng dạy con tập đi. Đây là quan niệm sai lầm và tác động xấu đến sức khỏe của bé.

Những thói quen có hại cho con mà cha mẹ vẫn nghĩ mình đang làm đúng - Ảnh 3.

Khung xương của trẻ nhỏ rất mềm và chưa phát triển hoàn thiện, nếu bé đứng dậy và tập đi sớm sẽ khiến trọng lượng cơ thể dồn xuống đôi chân khiến chân của bé bị biến dạng. Lời khuyên cho các bậc cha mẹ là nên cho bé leo trèo nhiều hơn, điều này sẽ giúp tay chân của bé trở nên linh hoạt và phối hợp nhuần nhuyễn.

4. Nhai mớm cơm cho trẻ

Đây là thói quen xấu nhiều người lớn vẫn thường làm khi cho trẻ ăn. Khoang miệng của người lớn có rất nhiều vi khuẩn, trong khi đó hệ miễn dịch của bé vẫn còn yếu ớt. Nếu bé nuốt thức ăn từ việc nhai mớm cơm của cha mẹ hoặc ông bà, bé sẽ bị lây nhiễm vi khuẩn và dễ mắc bệnh.

Đồng thời, khi bé nuốt thức ăn được người lớn nhai nát sẽ khiến cơ hàm của bé không có khả năng tập luyện, điều này sẽ gây ra hệ lụy xấu ảnh hưởng đến khả năng phát triển của bé.

Chia sẻ