Những câu nên và không nên nói với trẻ
Đối với trẻ nhỏ, người lớn cũng nên lựa lời mà nói trước mặt con trẻ. Không nên để trẻ bị tổn thương bởi chính lời mà cha mẹ chúng nói ra.
5 câu nói hay trước mặt trẻ
- "Tự con quyết định"
Đây là câu nói cửa miệng mà các bậc cha mẹ thường dùng khi yêu cầu con cái làm hay không làm một điều gì đó để nhắc nhở chúng về trách nhiệm mà chúng gây ra. Ví dụ, cha mẹ có thể nói với con và bạn của con: "Các cháu có thể vui chơi yên tĩnh trong nhà hay ra ngoài sân hò hét thoải mái tùy ý. Nhưng bác sẽ không chấp nhận sự lộn xộn và ầm ĩ trong khi bác làm việc đâu đấy". Nếu 5 - 10 phút sau bọn trẻ làm loạn phòng khách, người mẹ có thể can thiệp: "Theo mẹ, các con nên chọn phương án ra sân chơi".
- "Mẹ yêu con nhưng không thích con xử sự như vậy".
Nếu ai đó có ý định đưa con vào khuôn phép mà không làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ thì rất nên áp dụng câu nói này. Bằng cách làm như vậy đứa trẻ sẽ hiểu được rằng khi nó cư xử không tốt không có nghĩa bản thân chúng là những đứa trẻ xấu, là những đứa con đáng bỏ đi. Mẹ chỉ không thích trẻ cư xử như vậy chứ vẫn hết lòng yêu thương nó và sẵn sàng hướng dẫn, chỉ bảo cho con để giúp trẻ sửa chữa, khắc phục những cái chưa tốt chứ không có nghĩa là trừng phạt và ghét bỏ nó. Kết quả: Trẻ sẽ im lặng, không cãi lại và sẽ chuyển hướng sang những việc làm tích cực hơn.
- "Mẹ muốn con giúp mẹ giải quyết công việc này."
Trong trường hợp đứa trẻ bắt đầu giở trò phá quấy hoặc làm phiền bố mẹ, chúng ta có thể nói với con câu này, ví dụ nhờ trẻ tắt vô tuyến, bật quạt, xếp đồ vào tủ hoặc làm những việc khác. Như vậy trẻ có cảm giác được đón nhận, được tôn trọng chứ không phải bị mắng nhiếc và xua đuổi. Trẻ sẽ chuyên tâm vào công việc mới và dễ dàng quên ý định nhõng nhẽo lúc đầu. Nên động viên khen ngợi trẻ kịp thời để chúng làm tốt hơn, tuy nhiên mọi cái chỉ dừng ở mức vừa phải để trẻ khỏi bị mắc bệnh thành tích, thích được khen.
- "Thực sự con đã nói gì với bạn?"
Khi trẻ bực tức chúng thường thốt ra những câu nói không được hay như "mẹ chẳng hiểu gì cả" thậm chí "con ghét mẹ"... Trong trường hợp này người mẹ nên kiềm chế và tìm cách giúp đứa trẻ bớt giận, đặc biệt cần tìm hiểu nguyên nhân vì sao trẻ tức giận.
Người mẹ có thể nói: "Con tức giận vì bạn bè con đã nói xấu mặc dù đó là chuyện riêng tư của con đúng không?", nếu trẻ quan tâm và biết được rằng người mẹ đã hiểu chúng, người mẹ có thể nói tiếp: "Thực sự con đã nói gì với bạn? Bạn đã đáp lại thế nào?" để giảm đi cơn giận và giúp đứa trẻ hiểu hơn những gì phải - trái trong mối quan hệ bạn bè của con, để giúp chúng tìm hướng giải quyết tốt hơn.
- "Mỗi người có một sở thích riêng"
Đây là câu nói cửa miệng nhằm giáo dục trẻ tôn trọng cái riêng tư của mỗi người, không nên can thiệp vào công việc của người khác, nói nôm na là không nên nói xấu, bình phẩm về người khác trước mặt trẻ để trẻ hiểu rõ mọi người cần được tôn trọng và được đối xử công bằng. Ngay cả các thành viên trong gia đình cũng vậy, mọi người phải tôn trọng những quy định chung của gia đình, và cũng cần được tôn trọng sở thích, nhu cầu, quan niệm của mình cho những người khác,.. Ngoài ra câu nói này còn mang ý nghĩa giáo dục rất rộng mà càng lớn trẻ càng thấm thía.
5 câu không nên nói với trẻ
- "Ngần ấy tuổi đầu mà không làm được trò trống gì."
Một đứa trẻ 6 tuổi cứ khóc vì không được chiều, không được đáp ứng những thứ mà nó muốn hoặc đứa trẻ 4 tuổi cứ ngồi lì trong ghế xe ô tô nghịch ngợm là những trường hợp thường gặp trong cuộc sống hằng ngày nhưng các bậc cha mẹ lại cứ mong con mình hành động ngoan ngoãn hơn.
Thực tế có những đứa trẻ chậm phát triển nên không thể làm cho các bậc cha mẹ hài lòng và họ đã thốt ra những câu đại loại "Lớn như cái sào mà không biết gì" hay "Ngần ấy tuổi đầu mà vẫn còn dại",... Những câu nói kiểu này giống như "đổ dầu vào lửa", làm tăng tính tự ti, làm trẻ buồn lòng và thay vì tiến bộ trẻ lại có chiều hướng lì lợm. Nên tìm những câu nói thông cảm để giúp trẻ thấy được tôn trọng, an ủi, giúp chúng phát triển tốt hơn.
- "Mẹ chỉ định trêu con thôi."
Đùa với con cái là việc bình thường và vô hại nhằm phát triển tính hài hước cho trẻ, nhưng nếu đùa quá mức có thể gây bất lợi và trẻ sẽ dễ dàng học được những cái xấu từ cha mẹ rồi đem áp dụng cho bạn bè sẽ để lại hậu quả khó lường. Bởi vậy, mục đích của việc đùa là thể hiện tình yêu và sự hỗ trợ chứ không có ý nghĩa trêu chọc, khoét sâu những tật xấu của người khác và một khi không hiểu rõ tác dụng cũng như tác hại của việc làm này thì không nên làm.
- "Tại sao con lại không giống các anh các chị?"
Đây là câu nói cửa miệng gây nhiều phản ứng tiêu cực ở trẻ nhỏ. Việc so sánh sẽ làm cho trẻ thấy bất công và kém cỏi, tăng tính tự ti kể cả trong phạm vi gia đình, làm nhụt ý chí của trẻ. Một khi nghe thấy những câu nói kiểu này trẻ bắt đầu so sánh và cho rằng mình kém cỏi đủ điều, vì vậy, nên thay đổi cách phát ngôn cho dù là vô tâm hoặc không có ý xấu.
- "Đừng chạy kẻo ngã!"
Đây là câu nói mà hàm ý mang tính tốt nhưng hiệu ứng thì ngược lại. Nó có thể hiểu ở nghĩa rộng, làm giảm sự nhiệt tình, ý chí cũng như phát triển tính tự lập ở con trẻ. Thay vì câu nói này người mẹ có thể nói "Con xem lại dây giày đã buộc chặt chưa trước khi đi ra ngoài". Qua đây để nhắc nhở trẻ phải cẩn thận chứ người mẹ không thể làm thay con cái được. Thay vì những câu dặn dò thống thiết và có vẻ bất lực kiểu như thế, nên nhắc con cụ thể cần phải làm gì để tránh những rủi ro có thể xảy ra.
- "Mẹ đã nói gì với con?"
Mỗi khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ không nên hỏi con những câu hỏi trừu tượng, mang tính đổ lỗi như vậy. Nếu bạn không bằng lòng với trẻ về một việc gì đó hãy thẳng thắn hỏi nguyên nhân, giúp trẻ nhận ra mình đã sai ở đâu và cần phải sửa lỗi thế nào.
Theo Mẹ và bé