Trẻ phi ngôn ngữ dù biết nói nhiều

,
Chia sẻ

Ai cũng khen bé Hưng, 5 tuổi nhà chị Hoài (Thanh Xuân, Hà Nội) lanh lợi, nói nhiều mà rõ ràng. Nhưng khi hỏi kỹ, bé lại không trả lời được, mà chỉ lặp lại những gì vừa nói.

Thực chất bé nói nhưng không hiểu gì.

Hơn một tuổi, bé có thể nói được những từ khó như "bố, anh", chị Hoài đã rất vui mừng. Nhưng khi gặp bà thì bé lại gọi bố hoặc má, nói chung bé thường nói không đúng tình huống. Chị nhắc con vài lần, nhưng đến hôm sau thì đâu vẫn hoàn đấy. Lúc đó, chị chỉ nghĩ đơn giản ở độ tuổi này bé chưa hiểu nhiều, chắc không có vấn đề gì.
 
Ảnh minh họa

Càng lớn bé càng nói được nhiều, nói lan man, cái gì cũng biết nhưng bảo làm gì thì ít khi bé thực hiện đúng việc được yêu cầu. Xin đồ gì của ai, bé chỉ biết nói mà không biết mình phải xòe tay ra để lấy đồ. Thấy con chuẩn bị đi học nhưng vẫn chỉ biết nói mà không biết làm, chị Hoài đưa con đi khám bác sĩ tâm lý. Chị không ngờ con mình bị rối loạn ngôn ngữ.

Theo nhà tâm lý Đặng Thị Thanh Tùng, Phòng khám Tuna (Hà Nội), từ trước đến nay, nhiều người chỉ quan niệm trẻ bị rối loạn ngôn ngữ là khi không nói được từ gì, nói xì xồ như tiếng trong phim, nói ngọng, nói lắp... Tuy nhiên, thực tế như trường hợp của con chị Hoài, trẻ nói được nhiều nhưng nói linh tinh cũng là một dạng rối loạn ngôn ngữ. Trẻ mới chỉ nói được vỏ ngôn ngữ mà không hiểu điều đó có nghĩa gì.

"Trẻ đang lặp lại như một con vẹt những gì mình nghe được. Người khác nói từ "bà", bé cũng nói lại như thế mà không hiểu phải ghép từ đó với khuôn mặt của bà. Nguyên nhân có thể vì gia đình không dạy, không giải thích cho bé hiểu mà chỉ nói để con nghe và bắt chước theo", chị Tùng lý giải.

Rối loạn ngôn ngữ ở trẻ rất phong phú, có thể ở những mức độ nặng, nhẹ khác nhau. Có trẻ 4 tuổi, chỉ nói hơi rõ từ "bà", còn lại đều chỉ là những tiếng ú ớ như bé 2 tuổi. Thậm chí, có bé học lớp một nhưng chưa đọc được những chữ đơn giản như "ba, má, em, bà"...

Tuy nhiên, có những trẻ chỉ rối loạn ở một mặt nào đó, có thể thêm, bớt, thay thế, hay thay đổi vị trí của mẫu tự trong chữ, của chữ trong câu, xoay ngược chữ. Có bé lại nói được âm đầu thì bớt âm cuối, được câu đầu mất câu sau, nói không hoàn chỉnh câu, chưa kể được một câu chuyện theo lôgic. Ngoài ra, bé có thể lẫn lộn bên trái và bên phải, lẫn lộn “b” và “d”, “p” và “q”, viết chữ “mắc” thành chữ “cắm”, nói lặp lại những gì người khác nói...

"Có thể khi còn nhỏ, cha mẹ thấy những biểu hiện này là bình thường, thậm chí đáng yêu. Nhưng khi lớn lên, nếu không sửa sớm, bé sẽ trở nên tự ti mặc cảm, thậm chí sống khép kín, không muốn đi học. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của bé", chị Tùng cho biết.

Theo chị, để biết trẻ có bị rối loạn ngôn ngữ không, trước hết cha mẹ cần phải biết ở độ tuổi này, bình thường trẻ có thể nói những gì. Có những việc ở độ tuổi này là bình thường nhưng lớn lên bé vẫn không thay đổi thì lại trở thành một rối loạn ngôn ngữ.

Chẳng hạn, 3, 4 tuổi bé có tư duy ngược, viết cái gì cũng ngược là chuyện bình thường. Nhưng nếu 8 tuổi mà bé vẫn viết số 3 ngược như chữ e hoa, số nào cũng viết ngược thì lại là một rối loạn ngôn ngữ. Hoặc 2 tuổi bé hiểu được những mệnh lệnh phức tạp, biết nói tên mình, biết phối hợp 2-3 từ thành câu ngắn, nhưng nếu 6 tuổi mà bé chưa thể nói một câu hoàn chỉnh, chưa kể được một câu chuyện theo logic thì cha mẹ cần đưa con đi khám.

Chị Tùng cũng khuyến cáo, cha mẹ khi thấy con làm gì sai dù trẻ còn nhỏ cũng nên chú ý dạy con lại cho đúng. Thấy bé cầm bút chì tay trái để vẽ, bạn hãy nhẹ nhàng bảo con chuyển sang tay phải, dần dần bé sẽ quen cầm bút tay phải mà không phải đợi đến lúc đi học mới sửa. Bé nhìn theo nét chữ tập viết lại nhưng lại viết ngược bạn cũng nên nhắc nhở bé biết viết như thế là không đúng... Rối loạn ngôn ngữ có mức độ nặng nhẹ khác nhau, cha mẹ càng có biện pháp can thiệp sớm thì trẻ có thể bắt kịp bạn bè tốt.

Theo Nam Phương
Vnexpress
Chia sẻ