Những lời nói làm tổn thương con trẻ

,
Chia sẻ

Người lớn đôi khi quá thờ ơ, mặc nhiên với những lời nói của mình đối với con trẻ mà không biết rằng mình đã vô tình khiến trẻ bị tổn thương.

Đôi khi, để khuyến khích trẻ cố gắng, cha mẹ thường hứa hẹn: "Nếu con đạt được học sinh giỏi trong học kì này cha sẽ..." hay "Bài kiểm tra ngày mai mà con được mười điểm mẹ sẽ...". Nhưng sau đó khi con bạn đã đạt đủ các điều kiện bạn đặt ra thì cha mẹ lại: "Ờ, mẹ quên", hoặc: "Cuối tuần này mẹ bận rồi nên không thể đưa con đi Đầm Sen được". Theo các chuyên gia tâm lý, khuyến khích trẻ là một điều tốt, nhưng không nhất thiết lúc nào cũng phải đưa ra phần thưởng. Nhưng một khi cha mẹ đã hứa làm gì cho trẻ, hãy nên làm ngay và đừng khất lần. Trẻ con vốn rất nhớ và háo hức với những lời hứa thưởng của người lớn, nếu vì bận mà quên đi, hoặc chỉ hứa xuông lúc đó cho trẻ cố gắng là hoàn toàn không nên, bởi làm như vậy, cha mẹ sẽ hoàn toàn thất bại đối với con mình về sau.
 
Trẻ như tờ giấy trắng và rất nhạy cảm, những gì bố mẹ nói trẻ đặc biệt ghi nhớ, nhất là những lời nói không hay.

Do áp lực công việc, sức ép từ gia đình hay những mâu thuẩn giữa các đồng nghiệp, bạn bè khiến bạn trở nên cáu gắt. Rồi vô tình tụi trẻ làm gì không phải lại trở thành tiêu điểm để "trút" mọi thứ bực bội của bạn lên chúng. Đó là lúc mà bạn vô tình bật ra những lời lẽ khó nghe trong cách xưng hô: "Mày - tao", hay những lời hăm dọa: "không thì tao đánh". Thậm chí là những lời lẽ rất nặng trong tâm lý của trẻ: "Tao ghét mày", "Tao ước gì hồi đó tao không sinh mày ra" hay "Biết vậy, tao bóp mũi mày ngay từ nhỏ". Đây là một trong những câu cha mẹ nói ra trong những lúc nóng giận nhưng vô tình đã làm tổn thương đến con trẻ. Không những thế, những lời nói kiểu này còn khiến trẻ cảm thấy tự ti, mỗi khi làm việc gì sai, chúng sẽ nhớ lại lời cha mẹ mắng và nghĩ rằng mình đúng là vô dụng thật. Lâu dần, trẻ sẽ mất dần ý chí phấn đấu vươn lên và dễ bị trầm cảm. Các chuyên gia tâm lý khuyên trong cơn nóng giận, mẹ nên tạm thời tránh mặt con. Sau khi nguôi giận, bạn có thể lại gần con và nhỏ nhẹ dạy bảo.

Cha mẹ hãy luôn tin tưởng ở con mình, nếu thấy ở con có những biểu hiện khác thường thì cũng đừng hỏi một cách thẳng thừng kiểu bức cung, nghi hoặc quá đáng như: "Con vừa mới đi đâu về đó", "Sao đóng quĩ gì mà nhiều  vậy?". Cũng không nên dùng những từ ngữ quá đà để nói về bạn các em như: "Con đó, thằng đó", cũng đừng bêu xấu bạn các em là "như thế này, như thế nọ" trước mặt em và nhất là trước mặt các bạn của trẻ.

Nhiều em luôn cố gắng để làm tốt mọi mặt cho bố mẹ vui lòng để mong chờ một lời khen, còn phụ huynh lại sợ chính những lời khen đó làm cho các em trở nên tự phụ, chủ quan. Nhưng ngược lại khi thấy một số khuyết điểm gì đó ở các em, các bậc phụ huynh lại luôn cố soi mói, bới móc lên. Khi đang nói chuyện với một phụ huynh khác, trong khi người ta tâng con mình lên mấy tầng mây. Thì bạn lại làm cho các em phải ngượng từng mấy lần khi luôn miệng nói về những khuyết điểm của con mình. Rồi mỗi lần có chuyện gì thì bạn lại dùng một phép so sánh như sau: "Bạn T thế này, bạn N thế kia". Lời so sánh "khập khiễng" có thể làm trẻ tổn thương ngầm. Trẻ cũng có lòng tự trọng, đừng "lấy quyền" làm cha mẹ chê bai hoặc so sánh trẻ với người khác.

Cuộc sống có quá nhiều thứ để nhớ, nên cũng có nhiều thứ phải bị loại bỏ. Nhưng đừng bao giờ để một ngày con bạn khều tay bạn và nói nhỏ với bạn rằng: "Hôm nay (ngày hôm qua, ngày hôm kia) là sinh nhật con đó mẹ". Rồi bạn lại lật đật xin lỗi sau một vài lý do gì đó rồi vội vã chạy ra shop mua một món quà gì đó cho bé.

Bạn đừng nghĩ "lời thoáng gió bay", “trẻ con thì biết gì”. Hãy tránh tối đa việc sử dụng những câu nói này với các con trong mối quan hệ thường ngày. Vì đôi lúc chính những điều này làm tổn thương con trẻ, là nguyên nhân khiến bé trở nên tự ti và mặc cảm với mọi người.
 
Quang Lê
Tổng hợp
Chia sẻ