Nhà giàu cũng khóc vì con... suy dinh dưỡng
Chuyện nhà giàu, bố mẹ mua đủ cao lương mĩ vị về bồi bổ cho con mà con vẫn suy dinh dưỡng là chuyện... thường ngày ở huyện.
Mỗi ngày, khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM khám cho hơn 200 bệnh nhi có vấn đề về dinh dưỡng. Trong đó, 50% bệnh nhi bị suy dinh dưỡng, 5% bị béo phì. Số bệnh nhi còn lại bị thiếu vi chất hoặc trục trặc về tăng trưởng, ăn uống.
Nhà giàu cũng khóc!
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hậu, Trưởng khoa Dinh dưỡng của Bệnh viện Nhi Đồng 2, không chỉ con nhà nghèo mà những bệnh nhi con nhà khá giả cũng bị suy dinh dưỡng rất nhiều. Thậm chí có bé trông thể trạng to béo, thừa cân, béo phì nhưng vẫn bị thiếu vi chất.
Đầu tháng 3 vừa qua, thông tin từ Hội thảo Khoa học và Công bố kết quả khảo sát tình trạng dinh dưỡng khu vực Đông Nam Á, diễn ra vào ngày 2/3/2013 do Hội dinh dưỡng Việt Nam chủ trì cũng cho thấy rằng tỷ lệ trẻ em VN bị thiếu hụt dinh dưỡng cao nhất so với 3 nước Đông Nam Á cùng được khảo sát (Malaysia, Indonesia và Thái Lan).
Qua đó, bác sĩ Hậu cảnh báo kiến thức chăm sóc về dinh dưỡng cho trẻ của phần lớn bà mẹ Việt Nam có nhiều sai lầm, bất hợp lý.
Trong thời gian dài làm việc trong công tác tư vấn, khám, chữa bệnh dinh dưỡng cho trẻ, bản thân bác sĩ Hậu nhận ra nhiều phụ huynh nuôi con theo quan niệm phản khoa học nhưng ngỡ rằng mình đang dành cho trẻ sự chăm sóc tốt nhất.
“Một trong những quan niệm sai lầm đó là hầm xương lấy nước nấu cháo cho trẻ. Họ cứ nghĩ làm vậy trẻ sẽ được bổ sung canxi nhưng thực tế ngược lại hoàn toàn. Canxi ở xương không tan trong nước. Xương chẳng có chất gì cả. Mỗi ngày họ đang cho con họ ăn cháo với nước không hơn không kém, làm sao mà trẻ không suy dinh dưỡng?”, bác sĩ Hậu nói.
Sai lầm thứ hai về chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ mà các phụ huynh hay mắc phải là chỉ ninh thức ăn chắt nước, bỏ bã cho con ăn. Hoặc trẻ lớn hơn một chút lười nhai, ăn cơm thường nhè bã. Điều này cũng làm trẻ nạp không đủ chất dinh dưỡng vào cơ thể, dẫn tới suy dinh dưỡng.
Tiếp đến, nhiều phụ huynh khi mang con tới khám, tâm sự với bác sĩ rằng mình không cho trẻ ăn chất béo, sợ bé còn nhỏ, bụng yếu. Trên thực tế, cơ thể trẻ sẽ không thể hấp thu nhiều chất dinh dưỡng như vitamin D, A, đạm nếu thiếu chất béo. Đó cũng chính là lý do các chuyên gia dinh dưỡng thường khuyên phụ huynh nên bỏ thêm một thìa cà phê dầu ăn vào chén cháo trước khi cho em bé ăn. Dầu ăn còn có tác dụng làm bữa ăn của trẻ đầy đủ năng lượng.
Hội chứng máy xay sinh tố
Ths - bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thị Thế Thanh, Trung tâm dinh dưỡng, bệnh viện Bạch Mai cho biết: rất nhiều bà mẹ ở thành phố có đủ điều kiện (về kinh tế, kiến thức, trình độ) để chăm sóc con đầy đủ (tất nhiên là theo suy nghĩ của mình). Nhưng trẻ vẫn bị suy dinh dưỡng, bị béo phì, hoặc thiếu các vi chất dinh dưỡng tối thiểu.
Ths Thế Thanh lý giải, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do quan niệm chăm sóc con cái chưa được đúng của các bà mẹ.
“Các bà mẹ sống ở thành phố thường rất sợ con ốm, con đau, nên bao bọc con rất kỹ. Nhiều bà mẹ tránh cho con tiếp xúc với ánh nắng, giữ trẻ trong phòng tối.
Thậm chí, có những bà mẹ, kể cả mẹ là bác sĩ, nhưng sau khi sinh cũng để hẳn 1 tháng đầu cho con nằm trong phòng, dẫn đến việc con trẻ bị thiếu vitamin D, mồ hôi ra không được lau, không được tắm rửa đầy đủ, trong khi da của trẻ lại rất nhạy cảm gây viêm da” - Ths Thế Thanh nói.
Theo Ths Thế Thanh, trẻ muốn phát triển đầy đủ thì các chất dinh dưỡng phải cân đối, đầy đủ: tức là phải cho trẻ ăn đa dạng thức ăn: thịt, trứng, tôm, cua, sữa... và các nhóm cung cấp vitamin, muối khoáng như rau tươi, hoa quả.
Trong khi ở thành phố, nhiều bà mẹ thường có thói quen ép con ăn, và cứ nghĩ, cho con ăn thịt nhiều, sữa nhiều... là tốt mà không biết rằng, cho con ăn như vậy sẽ khiến cho khẩu phần ăn của trẻ trở nên không cân đối, có thể thừa năng lượng, nhưng thiếu chất dinh dưỡng, dẫn đến béo phì. Hoặc, ăn kiêng khem quá dẫn đến con bị suy dinh dưỡng.
“Ngoài ra, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho trẻ em thành phố dù được ăn uống đầy đủ nhưng vẫn thiếu vi chất dinh dưỡng đó là do các bà mẹ ở thành phố thường mắc hội chứng “máy xay sinh tố” - Ths Thế Thanh nói.
“Tất cả thức ăn cho trẻ, các mẹ thường cho vào xay, sau đó mới nấu lên. Nguyên khâu chế biến đó đã làm mất đi rất nhiều các chất dinh dưỡng, các vi chất dinh dưỡng có trong thức ăn. Đặc biệt là vitamin, khi ta chế biến kỹ quá thì lượng vitamin sẽ mất đi, và không còn giá trị nữa”.
Bên cạnh đó, “hội chứng máy say sinh tố” của các bà mẹ thành phố còn góp phần làm cho trẻ mất đi phản xạ nhai, dẫn đến khả năng phát triển răng rất kém. Nhiều khi thức ăn chỉ lợn gợn 1 chút cũng đã dẫn đến nôn trớ. Hay có những trẻ 4, 5 tuổi vẫn chưa biết ăn cơm.
“Đó là lý do vì sao mà rất nhiều gia đình ở thành phố, bố mẹ kinh tế đầy đủ khá giả, có kiến thức chăm sóc con nhưng con vẫn mắc phải xu hướng béo phì, hoặc thiếu chất dinh dưỡng, đặc biệt là thiếu các vi chất dinh dưỡng” - Ths Nguyễn Thị Thế Thanh nói thêm.
(còn tiếp)