Tư vấn chăm sóc cho bé suy dinh dưỡng

BS. Đặng Thu Hiền,
Chia sẻ

Theo bác sĩ Đặng Thu Hiền, trước tiên để điều trị cho trẻ suy dinh dưỡng cha mẹ cần phải rất kiên trì.

Con trai tôi 14 tháng tuổi, nặng 7,8kg cao 74cm. Bé biếng ăn và chậm lớn. Mỗi lần ăn mất ít nhất 30 phút. Chế độ ăn chính của bé như sau:

- 7h - 8h: ăn cháo (chỉ được 1/2 đến 2/3 chén)

- 9h: uống sữa, ăn vài trái cây (hôm nay uống sữa enfalac A+ màu hồng dành cho trẻ suy dinh dưỡng, hôm sau uống pediasure, mỗi lần 90ml)

- 9h30 - 11h: ngủ (có khi bé ngủ không đúng lịch)

- 11h 30:  ăn cháo

-13h: uống sữa, ăn thêm trái cây

-14h - 15h: ngủ

-16h - 17h: ăn cháo

- 18h -19h: uống sữa

- 20h - 21h: ăn váng sữa hoặc uống nước yến (khi thì yến nhân sâm, khi thì yến thường, nhưng trung bình mỗi tuần 1 - 2 hũ).

- 21h30 - 22h: đi ngủ tới sáng và bú mẹ.

Chế độ ăn của bé như vậy có thể là rất ít nhưng mỗi lần bé ăn là hết bố mẹ rồi ông bà phải dụ cho bé vừa chơi vừa ăn bé mới chịu. Cháo đút bằng thìa cafe nhỏ nhưng ít khi chịu há miệng to để ăn mà chỉ hơi há để ăn có nửa thìa, còn sữa thì phải đút từng muỗng nhỏ chứ không chịu tự uống, có khi phải ép bé uống chỉ được 50ml là cùng.

Lúc mới sinh bé nặng 2.6kg, cao 50cm (dù sinh đúng ngày dự sinh). Bé chỉ được bú mẹ sau khi ra đời được 6h nên lúc đầu bé không chịu bú, mất gần 1 tháng bé mới chịu bú mẹ hoàn toàn. 5 tháng đầu bé tăng cân rất đều, những tháng sau chậm tăng cân vì mẹ đi làm ít bú mẹ và bắt đầu hay bị bênh về hô hấp.

Đến tháng thứ 10 thì bé không tăng cân nữa, đến tháng thứ 11 thì bị viêm kết mạc gần 4 tuần mới hết hẳn và phải đi lấy giác mạc 6 ngày liên tiếp. Bé bị sụt cân hơn 1kg vì không ăn không ngủ được. Vừa hết bệnh mắt  hơn một tuần thì bé bị viêm phổi phải nằm viện điều trị.

Tròn 12 tháng nhưng bé chỉ có 7,2 kg. Đưa bé đi nhi đồng 1 khám dinh dưỡng bác sỹ cho thuốc uống và tư vấn sữa enfalac A+. Từ đó bé tăng cân, chịu ăn hơn nhưng chỉ được 1 tháng thì lại như cũ và có chiều hướng giảm cân (13.5 tháng bé 8kg, nhưng 14 tháng còn 7.8kg).

Tôi nghe mọi người bảo nên mua sữa Pediasure cho bé uống nhưng có vẻ như bé cũng không thích sữa này và phải ép uống rất khó khăn. Phải làm sao cải thiện tình trạng bé này? Mong bác sỹ tư vấn sớm.

Lúc em mang thai không được suôn sẻ mấy. Thai được 11,5 tuần thì em bị sốt xuất huyết và viêm đường tiểu phải nhập viện điều trị bằng thuốc và truyền hết 20 chai dịch. Ốm nghén mãi nên sụt cân thay vì tăng cân như bao bà bầu khác. Đến tháng thứ 7 mới tăng cân nhẹ, đến lúc sinh chỉ nặng 49kg (bằng số kg khi chưa có bầu). Và bị thiếu máu trầm trọng. Có lẽ vì điều đó mà ảnh hưởng đến bé.

Mong bác sỹ tư vấn. Em chân thành cảm ơn. (Kim Yến Nguyễn Huỳnh - fucfuc06...@gmail.com)

Tư vấn chăm sóc cho bé suy dinh dưỡng


Trả lời:

Bạn Kim Yến thân mến!

Để tiện theo dõi chúng tôi xin được tóm tắt thông tin bạn cung cấp như sau:

Bé trai 14 tháng tuổi, sinh đủ tháng, khi sinh nặng 2.6kg, cao 50cm, hiện tại nặng 7.8 kg, cao 74cm. Thời kỳ mang thai mẹ thiếu máu nặng, mắc bệnh sốt xuất huyết và việm đường tiết niệu, nghén nhiều, cân nặng lên xuống và gần như không tăng cân trong thai kỳ. 5 tháng đầu bé tăng cân đều, những tháng sau tăng cân chậm, có tháng không tăng hoặc giảm cân, bé thường xuyên mắc bệnh đường hô hấp.

Đã được điều trị suy dinh dưỡng lúc 12 tháng tuổi (7,2kg), tháng đầu điều trị bé ăn tốt,  tăng cân, sau đó ăn kém và  giảm cân.  Được bú mẹ 6 giờ sau sinh, hiện tại (trong ngày 24 giờ) bú mẹ từ sau 21 giờ đến sáng + 3 bữa sữa cao năng lượng (90ml/bữa) + 1 hộp váng sữa (nước yến) + 3 bữa cháo (1/2-2/3 bát/1 bữa), bé biếng ăn, phải ép >30 phút/bữa.

Vậy là mặc dù sức khỏe của mẹ trong thai kỳ gặp nhiều khó khăn nhưng bé tăng trưởng vẫn ở giới hạn bình thường trong thai kỳ cho đến 5 tháng tuổi. Tuy nhiên con trai của bạn hiện có chiều cao, cân nặng thấp nhiều so với chuẩn (trung bình bé trai 14 tháng tuổi nặng 10,1kg, cao 78cm) và có thể nói bé đang có tình trạng suy dinh dưỡng độ I gầy mòn (cân nặng/tuổi<-2SD), đe dọa suy dinh dưỡng thấp còi (chiều cao/tuổi<-1SD).

Như vậy tình trạng biếng ăn đã thực sự có ảnh hưởng tới tăng trưởng của bé. Điều trị cho trẻ suy dinh dưỡng cần nên kiên trì, nhẫn nại, bé đã có đáp ứng tốt với điều trị, bạn nên sớm đưa bé gặp lại bác sĩ để được thăm khám, đánh giá kết quả điều trị và phương hướng điều trị tiếp theo.

Trong quá trình điều trị bạn nên lưu ý cho bé tái khám theo hẹn hoặc ngay khi có biểu hiện bất thường, tuyệt đối không nên tự  ý dừng thuốc, thay đổi thuốc…

Việc cho bé ăn bổ sung không đúng cách và không phù hợp với lứa tuổi  cũng có thể khiến bé lười ăn và tăng trưởng kém, ban nên tham khảo khẩu phần khuyến cáo sau:

Ở lứa tuổi này cho đến tròn 24 tháng tuổi trong ngày (24 giờ) bé cần khoảng 500ml sữa (sữa mẹ là tốt nhất, sữa mẹ đủ bé không cần ăn thêm sữa công thức và các sản phẩm từ sữa như sữa chua, váng sữa, phomai…) và 3 - 4 bữa cháo (600ml/ngày) đầy đủ 4 nhóm thực phẩm tổng tăng dần từ khoảng 120 - 150g gạo tẻ trắng,  100 - 120g thịt (tôm, cá…cách ngày 1 quả trứng gà cả lòng trắng), 20 - 30g dầu (mỡ), 50 - 100g rau xanh, 200g quả chín…

Như vậy bé ăn nhiều sữa và sản phẩm từ sữa, bé ăn ít cháo hoặc cháo nấu quá đặc… nên giảm dần sữa (500ml/ngày là sữa công thức bình thường theo lứa tuổi, khi sử dụng sữa cao năng lượng cần qui đổi cho phù hợp) và tăng dần cháo.

Trong thời gian này bạn lưu ý nên thay đổi cho bé ăn đa dạng các loại thực phẩm…  cần dành nhiều thời gian cho bé, giải thích động viên, không nên ép bé ăn, thời gian ăn không quá 30 phút/bữa. Bạn nên xem xét cho bé ăn đầy đủ, cân đối phù hợp với hướng dẫn trên.

Bạn nên tăng cường cho bé bú (việc này giúp lượng sữa mẹ tăng lên), bạn cần ăn đầy đủ, đa dạng các loại thực phẩm, uống nhiều nước, ăn thêm bữa hoặc 200ml sữa công thức trước khi ngủ (sữa mẹ được tiết nhiều vào đêm).

Chúc bạn và bé luôn mạnh khỏe và hạnh phúc!

Chia sẻ