Nếu không thể luyện ngủ cho con chỉ vì sợ nghe con khóc, bố mẹ có thể thử phương pháp "không tiếng khóc" này

HỒNG HẠNH ,
Chia sẻ

Phương pháp luyện ngủ dưới đây được xem là lựa chọn phổ biến dành cho các ông bố bà mẹ không thể "miễn dịch" trước tiếng khóc của con.

Là cha mẹ, hầu như ai cũng đều mong con mình tự ngủ, và ngủ xuyên đêm. Vì nếu con cứ đòi bế trên tay hay đung đưa mới chịu ngủ, hoặc một đêm tỉnh giấc vài lần thì chắc hẳn bạn rất vất vả và căng thẳng do không được ngủ đủ giấc.

Theo các chuyên gia về giấc ngủ, có rất nhiều phương pháp rèn con ngủ xuyên đêm và mỗi đứa trẻ sẽ thích ứng với một phương pháp. Việc của cha mẹ là chọn lựa và thử các phương pháp này cho đến khi tìm ra được cách giúp con có được thói quen ngủ lành mạnh, trong đó phương pháp ngủ Fading được xem là lựa chọn phổ biến dành cho các ông bố bà mẹ không thể "miễn dịch" trước tiếng khóc của con.

Phương pháp luyện ngủ Fading là gì?

Không phải cứ ôm con, hay để mặc con khóc là con sẽ ngủ xuyên đêm đâu, chuyên gia về giấc ngủ chỉ một vài "chiêu" giúp cha mẹ rèn con ngủ xuyên đêm dễ dàng - Ảnh 1.

Fading là một phương pháp đào tạo giấc ngủ nhẹ nhàng vì hầu như trẻ không khóc (Ảnh minh họa).

Đây là một phương pháp đào tạo giấc ngủ nhẹ nhàng vì hầu như trẻ không khóc, hoặc khóc ngắn bởi cha mẹ sẽ giúp con đi vào giấc ngủ và từ từ rời khỏi sau khi con đã ngủ say. Điều này có nghĩa là vai trò của cha mẹ trong khi ru con ngủ sẽ được giảm dần theo thời gian và trẻ sẽ học được cách tự ru mình vào giấc ngủ.

Phương pháp Fading được áp dụng cho các bé từ 5 tháng tuổi trở lên và kéo dài cho đến khi trẻ học mẫu giáo. Song, nếu cha muốn, bạn vẫn có thể áp dụng từ khi con mới được vài tuần tuổi.

Ưu và nhược điểm của phương pháp luyện ngủ Fading

Đây được xem là một phương pháp rèn con ngủ một cách nhẹ nhàng, vì trẻ hầu như không hoặc khóc rất ít, trong khi đó công việc ru con ngủ của cha mẹ cũng ngày càng nhẹ gánh hơn.

Phương pháp Fading cũng giúp bé ngủ ngon hơn và nhiều hơn. Nó cũng giúp trẻ ít tỉnh giấc giữa đêm, nếu có thì chỉ cần một chút vỗ về trong vài phút như một phần của thói quen đi ngủ là con lại chìm vào giấc ngủ ngay.

Tuy nhiên, nhược điểm của phương pháp luyện ngủ này là cha mẹ phải cực kỳ kiên nhẫn, vì nếu bạn không muốn nghe con khóc thì bạn chỉ có rút lui từng chút một trong quá trình dỗ con ngủ.

Cách thực hiện phương pháp Fading

Phương pháp Fading - rèn trẻ ngủ xuyên đêm mà không rơi một giọt nước mắt - Ảnh 2.

Dù chọn phương thức nào thì cha mẹ vẫn đều đồng hành cùng con trên con đường chìm vào giấc ngủ (Ảnh minh hoa).

Trong phương pháp Fading tồn tại hai phương thức rèn trẻ ngủ mà cha mẹ có thể lựa chọn và áp dụng:

- Phương thức "Camping out": Cha mẹ sẽ ngồi trên một chiếc ghế cạnh cũi của trẻ cho đến khi bé có vẻ đã ngủ ngon. Nếu con đột nhiên tỉnh giấc và quấy khóc, bạn có thể vỗ nhè nhẹ hoặc thì thầm vài câu hát để con bình tĩnh hơn. Sau vài đêm, cha mẹ có thể ngồi xa hơn nhưng vẫn nằm trong tầm nhìn của trẻ, chẳng hạn như góc phòng, gần cửa sổ, sau đó là chuyển ra phía ngoài cửa. Cho đến khoảng 2 tuần thì bạn có thể ra khỏi phòng sau khi đã chúc con ngủ ngon.

- Phương thức "Time check-in": Cha mẹ sẽ đặt con vào cũi sau đó chúc con ngủ ngon và rời khỏi phòng trong khoảng 5 phút, sau đó quay lại an ủi nếu trẻ khóc. Một số chuyên gia nói rằng có thể vuốt ve, vỗ về trẻ, trong khi những chuyên gia khác lại khuyên là cha mẹ chỉ nên nói với con rằng "Đã đến giờ đi ngủ rồi. Bố/mẹ yêu con" và rời khỏi phòng. Sau đó, đợi 5 phút lại quay trở lại phòng để dỗ nếu trẻ vẫn quấy khóc. Quy trình này lặp đi lặp lại cho đến khi trẻ ngủ thì thôi.

Bí quyết giúp cha mẹ rèn ngủ bằng phương pháp Fading dễ dàng

Thông thường trẻ rất thích chơi và trò chuyện với cha mẹ, nhất là khi đã đến giờ đi ngủ. Và nếu bạn không thiết lập một lịch trình đi ngủ cố định thì sẽ rất khó có thể rèn con tự ngủ. Do đó, cha mẹ phải:

- Cho trẻ đi ngủ đúng giờ: Cha mẹ nên cho trẻ đi ngủ trong khoảng từ 7 đến 8 giờ tối và hãy cố gắng cho trẻ đi ngủ đúng giờ. Điều này giúp con hình thành một nhịp sinh học cố định cho giấc ngủ.

- Duy trì các việc phải làm trước khi đi ngủ: chẳng hạn như cha mẹ sẽ cho con tắm nước ấm, sau đó cùng nhau đọc sách hoặc hát ru và cuối cùng là chúc nhau ngủ ngon.

Nếu không thể luyện ngủ cho con chỉ vì sợ nghe con khóc, bố mẹ có thể thử phương pháp  "không tiếng khóc" này - Ảnh 4.

- Đừng vội vàng vào dỗ ngay khi con tỉnh giấc giữa đêm: thông thường trẻ sẽ thức giấc một vài lần trong đêm. Nhưng khi nghe thấy tiếng động của con, cha mẹ đừng nên vội vàng lao vào phòng dỗ ngay, thay vào đó hãy hít thật sâu và chờ đợi 1 chút xem con có thực sự cần bạn hay không.

- Chấp nhận chuyện con khóc: Ban đầu khi một thói quen bị thay đổi, trẻ sẽ khóc vì không chấp nhận chuyện này. Song dần dần con sẽ thích nghi với thói quen mới và như vậy con cũng sẽ không khóc lâu.

- Cho con một món đồ chơi hoặc thú nhồi yêu thích: Khi trẻ lớn hơn 1 tuổi, cha mẹ có thể cho con cầm 1 món đồ chơi hoặc ôm một con thú nhồi bông yêu thích đi ngủ.

Trên thực tế, không có một phương pháp rèn con tự ngủ nào là hoàn hảo cả, điều quan trọng là cha mẹ phải lựa chọn phương pháp nào phù hợp với con và gia đình của mình, sau đó kiên định thực hiện để đạt được hiệu quả như mong muốn.

Chia sẻ