Một ngày đi học với các bạn bị tự kỷ
Không những học tiếng Việt, làm toán, các bạn ở trường Albert Einstein còn được rèn học cách tự vệ sinh cá nhân, đi chợ, bỏ rác vào thùng hay chuẩn bị một bữa cơm cho gia đình.
Ở trường, các thầy cô giáo dạy các bạn tất cả mọi thứ cần thiết trong cuộc sống. Những bạn nhỏ học các vận động tinh, vân động thô. Những bạn lớn các kỹ năng sống. Mỗi bạn học một "lớp" khác nhau, với một thầy/cô kèm riêng vì mỗi bạn có một khả năng khác nhau.
Bạn Hiếu (11 tuổi) đang học đánh đàn bài Mùa xuân - tình bạn để chuẩn bị biểu diễn, bế giảng năm học. Cô Mai Anh đang hát để bạn tự đệm đàn. Mẹ Hiếu cho biết: "Tôi chỉ mua cho cháu chiếc đàn và dạy cháu các nốt Đồ, rê, mi... Hiếu tự mày mò và tự học. Bây giờ, nhìn vào các bản nhạc, Hiếu đánh trơn tru lắm".
Bạn Hiếu còn vẽ siêu đẹp nhé! Hồi trước, bạn luôn vẽ tranh với những gam màu nóng như con mèo màu da cam, nền bầu trời màu hồng, ông mặt trời màu đỏ.... Nhưng bây giờ bạn đã biết phối màu cho cả bức tranh rực rỡ và mát mắt hơn.
Bạn Quang (16 tuổi), hôm nay học giờ tiếng Việt với chủ đề: Người lạ, cách giao tiếp với người lạ. Bài tập của bạn là: Em hãy kể tên người lạ, người quen, người thân. Sau đó, bạn sẽ học cách đặt câu hỏi. Ví dụ, muốn hỏi bao nhiêu tiền một quyển vở, bạn sẽ phải hỏi là: “Bà ơi, bao nhiêu tiền một quyển vở?”.
Bạn Đức và thầy Đức lại được “giao” nhiệm vụ đi chợ, về chuẩn bị bữa trưa cho các bạn. Thầy dẫn bạn Đức ra chợ, hỏi mua trứng gà, giá bao nhiêu tiền một quả và cách xách trứng thế nào để không bị vỡ.
Đi chợ về đến bếp, bạn sẽ giúp cô nấu bếp kê bàn ăn và lấy ghế cho các bạn. Rồi đếm bát đủ bát ăn cơm, đếm bát múc canh, đĩa đựng rau đựng thịt cho tất cả mọi người... Đó là công việc mà tất cả các bạn trong trường thay phiên nhau làm từng ngày.
Những bạn nào lớn hơn, khéo léo hơn còn có thể tự tay rang lạc, rán đậu, rán trứng và luộc rau nữa cơ.
Các khác còn đang học giờ giáo dục thể chất.
Bạn Ngọc và cô giáo đang học hát bài Bố là tất cả. Bạn rất thích vì được học hát, lại có cả nhạc đệm kèm theo luôn.
Kê phản ra chuẩn bị ngủ cũng là một trong những bài học của các bạn ở trường. Các bạn kê phản cho bạn nam nằm riêng một phòng, bạn nữ nằm riêng ở một phòng.
Hiện nay, các anh chị sinh viên ở trường ĐH Kinh tế đang đến sinh hoạt hè cùng các bạn. Các bạn được đạp xe đi ra ngoài đường, đến công viên chơi trò Sóng xô, Mèo đuổi chuột, thi xem ai phi máy bay cao nhất.
Giờ học ngoại khóa, các bạn ra công viên học cách mua hàng thật:
Cho tiền người ăn xin:
Hay biết bỏ rác vào thùng:
Cô Mai Anh cho biết: “Hầu hết các con ở đây đều có khả năng làm toán tốt. Có bạn làm được nhiều phép toán cộng trừ có nhớ, nhân, chia. Vì môn Toán có những quy luật nhất định khiến cho các bạn dễ nhớ.
Còn môn tiếng Việt hơi trừu tượng và tư duy nhiều, các bạn khó phân biệt hơn. Ví dụ, có thể phải giải thích một ngày để các bạn hiểu từ vàng trong danh từ “màu vàng” và tính từ “vội vàng”.
Các bố mẹ có con bị tự kỷ không nên buồn bã, đau khổ nhiều đến thế hay than khóc . Thay vào đó, các bố mẹ hãy tìm cho con một môi trường để học tập và hòa nhập, để con được học các kỹ năng và phát triển. Những trẻ nào bị tự kỷ nhưng được can thiệp sớm và can thiệp đúng thì kết quả cực kỳ khả quan.
Bố mẹ và thầy cô cần phải cực kỳ kiên trì, tỉ mỉ, nhẫn nại với các con và có càng nhiều giáo cụ trực quan càng tốt. Các con thường "sợ" những gì có sự thay đổi, các con thích ứng nhanh với những quy luật, những điều rõ ràng, dễ hiểu. Bố mẹ và các thầy cô nên lựa theo con để có thể dạy con được nhiều hơn.
Những người thân trong gia đình, họ hàng hay bạn bè, đồng nghiệp của bố mẹ có con bị tự kỷ cần có cái nhìn chia sẻ, thông cảm chứ không chỉ là sự kỳ thị, thương hại.
Đó mới là điều cần thiết và hữu ích cho các con.
Kỳ sau: Cô Mai Anh chia sẻ những "kỹ thuật" dạy trẻ bị tự kỷ.
Thu Hằng
(Ghi lại)