Tâm sự của người mẹ có con tự kỷ
Nhìn những cô bé bị đánh đập ngay trước mặt bạn mình, mẹ thấy lo cho con quá. Con trai bé bỏng của mẹ không được khôn ngoan, khỏe mạnh, vẫn bị nhà tù vô hình tự kỷ giam hãm...
Con yêu!
Những ngày gần đây, trên mạng liên tục xuất hiện những clip các nữ sinh đánh bạn rất dã man, và rất nhiều các cô, cậu học sinh khác thản nhiên nhìn cảnh đó mà không hề can ngăn, cứu giúp người bị hại. Khác với con, họ đều là những con người hoàn toàn khỏe mạnh cả về thể chất lẫn trí tuệ, nhưng có lẽ họ khiếm khuyết về tâm hồn, cái mà không dễ gì có thể nhận ra.
Một lần bố chở mẹ đi trên đường. Mẹ gọi bố dừng lại vì có một bác bị tai nạn, đang ngồi dưới đất, đau đớn ôm đầu. Bố bảo: “Đang vội mà em, sẽ có người khác giúp đưa ông ấy đi viện”.
Không biết có phải vì sợ rắc rối, hay vì quá vội vã với những lo toan của cuộc sống, mà con người ngày càng vô cảm, thờ ơ trước khó khăn, đau khổ của người khác. Nhìn những cô bé bị đánh đập dã man ngay trước mặt bạn mình, mẹ lại thấy lo lắng cho con quá. Con trai bé bỏng của mẹ không được khôn ngoan, khỏe mạnh, vẫn bị nhà tù vô hình tự kỷ giam hãm, luôn “không bình thường” với mọi người, khi đi xa khỏi vòng tay mẹ, chắc hẳn sẽ bị những người khỏe mạnh nhưng vô cảm ấy kì thị, bắt nạt, thậm chí đánh đập…
Ôi, nghĩ đến mà mẹ lo sợ, không muốn buông tay con ra nữa. Nhưng con không thể mãi ở trong vòng che chở của mẹ, rổi con sẽ lớn, con phải hòa nhập với cộng đồng. Mẹ đã nghe nhiều chuyện những cậu bé bị tự kỷ như con, khi đi học bị bạn gọi là đồ điên, đồ dở hơi, bị bạn quây tròn lại và nhổ nước bọt vào mặt, bị nhốt vào nhà vệ sinh… Thật kinh khủng!
Con yêu!
Người ta thường nói trẻ tự kỷ không biết yêu thương, không có tâm hồn. Nhưng mẹ đã thấy con âu yếm con gấu bông trước khi đưa cho cô giáo, vuốt ve chú chó nhỏ. Mẹ đã thấy con cho cô bạn cùng xóm ngồi lên chiếc xe đạp mà con rất yêu thích. Con còn cầm tay bạn, hướng dẫn bạn bấm lên những nốt nhạc trên xe. Khi bố giả vờ đánh mẹ và mẹ giả vờ kêu cứu, con vừa khóc vừa lao vào, cố đưa bàn tay nhỏ xíu ẩy thân hình to lớn của bố ra. Và dù bố có ít khi quan tâm đến con, giống như một cậu bé chán không buồn nhìn đến món đồ chơi hỏng, thì con vẫn nhìn theo lưu luyến mỗi khi bố sắp đi làm. Hôm qua, lần đầu tiên bố đón con khi tan học, con rất vui. Lúc mẹ chở con đi, con cuống cuồng kéo tay bố, la hét ra hiệu cho bố ngồi lên xe cùng. Những lúc ấy, mẹ lại mỉm cười hạnh phúc vì biết rằng con trai mẹ tuy chưa biết nói, tuy nhận thức rất hạn chế, trí tuệ kém phát triển so với những bạn cùng tuổi, thì con vẫn là một người có tâm hồn và một trái tim biết yêu thương. Mẹ cũng tin rằng sẽ còn nhiều bạn như con, không hề vô cảm, cũng biết yêu, biết thương đồng loại và sẽ chìa bàn tay giúp đỡ, kéo con trở lại hòa nhập với cộng đồng.