Dạy trẻ tự kỷ - Nghề gian khó
“Vất vả, kiên trì và có nhiệt huyết” là những tiêu chí đầu tiên phải có của những giáo viên giảng dạy ở các trung tâm dành cho trẻ tự kỷ.
Đây là một nghề mới xuất hiện những năm gần đây, khi số lượng trẻ tự kỷ ngày càng tăng, các trung tâm can thiệp sớm mọc lên ngày càng nhiều. “Vất vả, kiên trì và có nhiệt huyết” là những tiêu chíđầu tiên phải có của những giáo viên giảng dạy ở các trung tâm dành cho trẻ tự kỷ. Đây là một nghề mới xuất hiện những năm gần đây, khi số lượng trẻ tự kỷ ngày càng tăng, các trung tâm can thiệp sớm mọc lên ngày càng nhiều. Trong khi họ vẫn chưa được xã hội biết đến, ngành giáo dục quan tâm, những giáo viên này phải tự tìm cách vượt lên chính mình để theo nghề.
“Không đơn thuần là cô nuôi dạy trẻ”
Những giáo viên ở đây để quản lý lớp liên tục phải nhắc các học trò ngồi xuống và chú ý nghe. Các em còn thường xuyên gào thét hoặc tự ý ra khỏi chỗ. Khi đó, cô giáo phải dùng tới những tấm “thẻ mệnh lệnh”. Mỗi một thẻ có in hình một động tác - đó là hệ thống tranh biểu tượng của Mỹ, được sử dụng ở tất cả các cơ sở dạy trẻ tự kỷ ở châu Âu, châu Mỹ - chẳng hạn như “ngồi yên”, “im lặng”, “nguy hiểm”, “chào” “tạm biệt”, ”ngủ”, “ ăn”, ”uống”… “Phải thế này các cháu mới nhớ được,” chị Tú Anh giải thích.
Đối với một giáo viên dạy trẻ tự kỷ thì khái niệm nghỉ trưa không tồn tại. Bởi nói như các cô “lũ trẻ có chịu ngủ đâu”. Cho trẻ ăn xong, phải ổn định trật tự. Họ thay nhau nhắc nhở lũ trẻ nằm xuống và không được làm ồn.
Công việc vất vả và nhiều áp lực, nhưng lương tháng của giáo viên tự kỷ hiện nay cũng không cao hơn giáo viên ở các trường mầm non tư thục. Dao động ở mức trên dưới 1 triệu đồng tùy theo thâm niên.
Nhưng thu nhập không phải là khó khăn lớn nhất với họ. Theo nhiều cô giáo ở Trung tâm Sao Mai, khó khăn lớn nhất là ở thái độ của cộng đồng. “Người ta vẫn coi thường bọn mình lắm” , nhiều cô nói thẳng. “Họ gọi tụi mình là bọn dạy ở trại điên”. Nhiều người còn không dám đưa cả người thân đến nơi làm việc, bởi với không ít người quan niệm cô giáo dạy trẻ tự kỷ sẽ ảnh hưởng đến cách nuôi dạy con cái.
Nghề luôn luôn mới
Theo bác sỹ Đỗ Thúy Nga, phó giám đốc Trung tâm Sao Mai, hiện trung tâm có khoảng hơn 40 giáo viên, bao gồm cả những người tốt nghiệp các trường trung cấp, cao đẳng mẫu giáo, cử nhân khoa tâm lý, cử nhân các khoa giáo dục đặc biệt. Tuy đây không phải là nghề hấp dẫn gì, nhưng để theo được nghề lại đòi hỏi sự sàng lọc rất kỹ.
Mỗi giáo viên khi đến với Trung tâm đều qua một tuần kiểm nghiệm để quan sát cách thức làm việc, độ nhiệt tình với học sinh, các kỹ năng nghề nghiệp. Đủ điều kiện yêu cầu sẽ phải thử việc ba tháng dưới sự giám sát trực tiếp của bà giám đốc và phó giám đốc, của phòng giáo vụ và sau đó là của cả các giáo viên khác. “Chúng tôi từ chối ngay những người chỉ quan tâm đến chuyện lương ra sao, trợ cấp thế nào. Phải xác định đây là một nghề đòi hỏi cái tâm, phải yêu trẻ, sẵn sàng chấp nhận khó khăn, một nghề mang tính từ thiện và nhân đạo. Tất nhiên không ai uống nước lã để đi làm từ thiện nhưng không được làm giàu bằng nỗi đau của người khác”, bác sĩ Đỗ Thuý Nga nói.
Liên tục mỗi tháng, các giáo viên ở đây phải học bồi dưỡng nghiệp vụ bắt buộc hai ngày. Ngoài ra còn có tập huấn chuyên môn định kỳ do các chuyên gia trong và nước ngoài giảng dạy. Bởi thực tế cho thấy, chỉ có bằng cao đẳng mẫu giáo không thể dạy nổi trẻ như thế này, đây là một nghề đòi hỏi giáo viên phải luôn luôn đổi mới để thích ứng với từng đứa trẻ.
Theo Hiền Minh