Những gì tôi biết về
trầm cảm sau sinh đều là nhờ tìm hiểu qua những phương tiện truyền thông và tôi nghĩ rằng phần lớn mọi người đều có nhận thức giống như tôi. Đó có thể là trường hợp cực đoan khi người mẹ làm hại chính đứa con của mình.
Theo tôi hiểu thì đó chính là biểu hiện của rối loạn tâm thần. Tôi đã có những suy nghĩ điên rồ và tôi gọi chúng là những nỗi sợ hãi của chính bản thân. Cho mãi đến sau này, khi tôi hiểu được tôi cảm thấy chúng không còn đáng sợ như mình tưởng tượng nữa.
Tôi chỉ nhớ những ý nghĩ đáng sợ ấy ẩn hiện trong tâm trí của tôi vào một buổi sáng khi tôi thức dậy. Chúng tôi sống trong một căn nhà ở thị trấn. Trong nhà, cầu thang được làm bằng gỗ nên đôi khi rất trơn. Vì thế, tôi luôn luôn cực kỳ cẩn thận mỗi khi bế con tôi lên, xuống cầu thang. Trong khi tôi đang bế con và di chuyển trên cầu thang, tôi luôn tưởng tượng ra cảnh cầu thang trơn, tôi vấp ngã và làm rơi con xuống dưới và con tôi sẽ chết. Tôi cảm thấy vô cùng sợ hãi với những suy nghĩ đó.
Đó là những suy nghĩ bạo lực.
Linda chia sẻ về những suy nghĩ đáng sợ cô gặp phải do trầm cảm sau sinh.
Là một người mẹ, hẳn là bạn cũng đang sợ hãi vì đôi khi bạn cũng tưởng tượng ra những hình ảnh như thế này. Khi đó, bạn sẽ nghĩ: “Liệu rằng có phải mình đang bị rối loạn tâm thần?” Câu hỏi đó cũng chính là những gì tôi băn khoăn suy nghĩ: “Mình bị rối loạn tâm thần thật sao? Mình bị mắc chứng bệnh trầm cảm sau sinh sao?”. Tôi cho rằng câu trả lời là “Có” bởi tôi đang có những suy nghĩ thật đáng sợ.
Tôi đã rất sợ hãi và không muốn kể với ai về điều đó. Tôi thậm chí còn không nói với chồng mình về điều đó bởi tôi không muốn anh phán xét tôi. Tôi không muốn anh nghĩ rằng có điều gì đó không ổn và rồi lại đi nói với một ai khác.
Những suy nghĩ đáng sợ ấy có lẽ là phần tồi tệ nhất sau khi tôi sinh bởi tôi luôn luôn trong tâm trạng lo lắng. Tôi thậm chí không muốn nói với bác sĩ về những suy nghĩ đó. Tôi lo rằng nếu tôi nói điều gì đó và họ cảm thấy tôi có thể làm hại con trai tôi thì họ sẽ báo cáo với cơ quan chức năng. Vì vậy, tôi tiếp tục giữ kín những suy nghĩ đó và cố gắng trấn an bản thân rằng đó chỉ là những suy nghĩ đáng sợ đi ngang qua đầu tôi, tôi sẽ kiểm soát được và không bao giờ để điều đó xảy ra trong thực tế.
Mãi cho đến khi tôi tham gia vào các buổi học về tự chăm sóc bản thân ở trung tâm Pacific Post Partum tôi mới biết được đó chỉ là những suy nghĩ mà bất kỳ bà mẹ nào cũng có thể gặp phải sau khi sinh con. Vì vậy, mà tôi đã cảm thấy an tâm hơn và không lo lắng về những suy nghĩ đáng sợ đó nữa.
Một chia sẻ khác của Mariko, cũng là một thành viên của trung tâm
Pacific Post Partum về hành trình vượt qua
trầm cảm sau sinh của mình bạn có thể xem lại
TẠI ĐÂY.
Afamily mở ra diễn đàn “Trầm cảm sau sinh – Đối diện và Vượt qua”với thông điệp “Lắng nghe – Chia sẻ và Thấu hiểu”. Đây sẽ là nơi các bà mẹ có thể cởi mở chia sẻ câu chuyện thật của mình khi đã trải qua hoặc đang nỗ lực tìm cách để vượt qua trầm cảm sau sinh.
Đó sẽ là những tiếng nói đầy thấu hiểu để giúp các bà mẹ khác đang trải qua những tháng ngày khủng khiếp này, là những tiếng nói để những người xung quanh hiểu rằng, các bà mẹ cần được lắng nghe và chia sẻ một cách thực sự trong giai đoạn nhạy cảm này. Hi vọng rằng, diễn đàn sẽ nhận được sự chia sẻ của các bà mẹ, nhận được sự quan tâm của các ông bố và được nhiều người lan tỏa.
Những câu chuyện và trải nghiệm về việc đối diện và vượt qua trầm cảm sau sinh của các mẹ, xin được gửi về email mevabe@afamily.vn. Chân thành cảm ơn. |