"Chết ngất" khi bà khuyến khích cháu nghịch bẩn

Thanh Thảo,
Chia sẻ

Nhà hàng xóm có nuôi một con chó ta rất to, hôi mà đầy rận, ông bà biết điều này vậy mà cứ để Bon nghịch bẩn, sán lấy nó, bám đuôi ôm ấp.

Càng bẩn như ma lem, bà càng thích

Bon bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa dài ngày, chị Anh Thư (Bắc Ninh) mấy hôm nay liên tục đi làm về sớm để chăm sóc con. 

Chị biết rõ nguyên nhân tại sao con mình bị bệnh này. Cũng tại vợ chồng chị, công ty xa nhà nên anh chị đành giao phó con từ sáng tới tối cho ông bà chăm. Biết ông bà có nhiều quan điểm chăm sóc mâu thuẫn với mình nhưng chị cũng đành chịu chứ không biết phải làm thế nào. 

Quan điểm của mẹ chồng chị luôn là “trẻ con là phải nghịch, mà đã nghịch thì phải bẩn, mà càng bẩn, bà càng yêu”.

Khi Bon bị bệnh, chị cũng nói bóng gió để mong ông bà hiểu rằng con mắc bệnh là do nhiễm bẩn, do nghịch bẩn nhưng ông bà chẳng chịu nghe, ông bà bảo: “Không có lý nào”. 

Thế nhưng, bỏ ngoài tai lời chị nói, khi về tới nhà, chị vẫn thấy con nghịch bẩn, chơi loanh quanh cái cống ngoài sân nhà trong khi ông bà đang xem tivi, chị chán nản vô cùng. 

Nhà hàng xóm có nuôi một con chó ta rất to, hôi mà đầy rận, “chỉ cần đứng cạnh cũng nghe thấy rận chó nhảy tanh tách”, chị nói thêm: “Ông bà biết điều này vậy mà cứ để Bon sán lấy nó, bám đuôi ôm ấp”.


Nhà hàng xóm có nuôi một con chó ta rất to, hôi mà đầy rận, ông bà biết điều này vậy mà cứ để Bon nghịch bẩn, sán lấy nó, bám đuôi ôm ấp (Ảnh minh họa)

Ông bà còn cười hềnh hệch ra điều: “Được, sau này Bon tình cảm lắm đấy”.

Chồng chị nhắc thì ông bà xua tay lấy xua tay để: “Sờ vào bẩn thì tắm, có làm sao nào”.

Bon ốm, truyền nước, uống kháng sinh suốt, chị chẳng nỡ quát mắng, chỉ dặn dò con không được thế này, thế kia thế nhưng trước mắt chị thì Bon không nghịch nhưng ở với ông bà thì cu cậu “tha hồ” được tung hoành. Buồn vì bố mẹ vô tâm nhưng chị cũng chỉ làm thinh, chẳng dám ý kiến gì thêm. Chị chỉ mong Bon tròn 2 tuổi rưỡi sẽ gửi nhà trẻ.

Chị tâm sự: “Nếu mình nói thêm gì là ông bà giận dỗi ngay, có khi cả mấy ngày chẳng thèm nói với các con câu nào. Có lần còn mắng luôn hai vợ chồng ‘anh chị thì giỏi rồi, ở nhà mà trông nó”. 

Chị Thư cho biết, đây không phải là lần đầu con bị nhiễm khuẩn đường tiêu hóa. Lần trước bé nhà chị nhập viện vì có thói quen cứ nhặt cái gì “xinh xinh” là đưa ngay lên miệng liếm liếm. 

Có lần chị đang đứng nấu cơm trong bếp nhìn thấy bà xúc cơm cho con ngoài vườn mà thắt hết cả ruột. Bà làm rớt miếng thịt băm viên bé xíu lăn lông lốc dưới đất, bà vẫn tiếc của nhặt lên, thổi lấy thổi để rồi động viên “há mồm to nào Bon”.

Sau đó là một tràng những lời phân tích: “Miếng cơm miếng vàng, Bon phải ăn gọn, nếu có rơi thì nhặt lên, phủi đi rồi ăn cho đỡ phí”. Nghe lời bà, Bon cứ thấy có gì hay hay là lại đưa lên miệng.

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chị Thu (Yên Ninh, Hà Nội) xót xa khi bé Mít liên tục nhập viện vì bị giun sán. Sau khi bé Mít ra đời, bà nội từ dưới quê lục đục tay xách nách mang các thứ đồ lên chăm con chăm cháu. 

Chị rất biết ơn vì bà nhiệt tình, yêu thương con cháu nhưng bé càng lớn, mâu thuẫn giữa chị với mẹ càng nảy sinh vì tư tưởng hoàn toàn khác nhau trong việc chăm sóc con. 

Bà của bé luôn quan niệm rằng “nên cho trẻ nghịch bẩn để thích nghi với môi trường, chứ không sạch quá lại dễ bị ốm đau”. Thế nên từ khi Mít biết bò, lẫy, rồi đi, bà đều cho cháu lăn lê bò toài trước thềm nhà, nghịch ngợm lấm lem đất cát, vào nhà vệ sinh vầy nước... 

Chị tâm sự: “Thậm chí có lần mình ‘đứng tim’ khi bà còn cổ vũ cháu ‘thủ tiêu’ cục gỉ mũi bằng cách ‘nuốt nhanh, nuốt nhanh”…

Đang khoẻ mạnh, kháu khỉnh, Mít ngày càng gầy rộc đi, mà bụng thì cứ to đùng lên. Thấy con hay kêu đau bụng, chị đưa đi khám bác sĩ, mới giật mình khi biết con mình đầy một bụng giun sán. 

Chị góp ý thì bà dỗi ra mặt: “Con không hiểu gì cả, càng giữ con, Mít càng sạch thì Mít càng dễ ốm mà thôi. Cứ quăng quật nó như chồng con ngày xưa ấy, lại chả phương phi lên, to như thổi”. 

Chị ngán ngẩm: "Con mình trai thành phố mà lem nha lem nhem, nhìn thương vô cùng".

Bẩn quá không được, sạch quá cũng không nên

Chuyên gia tư vấn Hồng Hà cho rằng, thực ra để trẻ "bẩn" một tí mới tốt là tư tưởng không hoàn toàn sai. Thực tế cho thấy, nếu trẻ được tiếp xúc với môi trường, cuộc sống nhiều hơn rất có lợi. 

Khi tiếp xúc với môi trường nhiều, điều này sẽ làm cơ thể sản sinh ra các kháng thể tăng sức chịu đựng cao hơn. Kháng thể này được ví như liều văc xin tự nhiên giúp trẻ thích nghi với môi trường sống.

Sự sạch sẽ thái quá thậm chí còn dẫn tới nguy cơ làm yếu đi khả năng miễn dịch của cơ thể trước những tác động của môi trường. 

Tuy nhiên, ý thức, nhận biết của mỗi người về ranh giới sạch, bẩn là khác nhau. Mức độ sạch, bẩn quyết định đến vấn đề sức khỏe của trẻ. Trong trường hợp này, cha mẹ nên là người quyết định không gian, thời điểm, cách thức tham gia “sự bẩn” này ở trẻ. 

Trẻ hoàn toàn có thể vầy thức ăn, cầm rau củ quả ăn với điều kiện tay sạch sẽ, trẻ có thể nghịch cát khi tắm biển nhưng nếu cho bé ngồi lê la ở bất cứ chỗ nào, chơi bất cứ trò gì thì không nên chút nào.

Cả nhà nên đưa ra phương pháp chăm sóc giáo dục thống nhất, điều này tốt cho trẻ. Thường xuyên rửa tay trước và sau khi bé ăn, sau khi kết thúc chơi trò chơi.



Đầu tiên là chửi con ruồi, con muỗi. Sau “cấp độ” được nâng cao lên, bé được dạy chửi… ông bà, bố mẹ.

Chia sẻ