Càng nhịn ông bà, con càng hư

Khánh Dương,
Chia sẻ

Thấy các con quát đứa cháu rượu, ông bà liền mắng anh chị một trận rồi ôm thốc cháu xuống phòng dỗ dành.

Không dạy được con vì… ông bà quá chiều

3 tuổi, Én vẫn ở nhà vì ông bà nhất quyết không cho cháu đi học vội, “sợ Én bị ốm, Én buồn, cứ từ từ 6 tuổi rồi đi học luôn một thể”. Thế là bé cứ tự tung tự tác ở nhà muốn làm gì thì làm, bố mẹ chẳng ai nói được, vì có nói thể nào con cũng gọi ông bà lên để mách. 

Chị Ánh (Quận Tân Bình, TP HCM) - mẹ bé buồn lắm vì càng lớn, Én càng bướng, ngỗ ngược, chẳng chịu giao tiếp với bạn bè, cứ đi ra công viên chơi là cô nàng lại co ro chẳng chơi với ai cứ lủi thủi một mình, về nhà thì làm vương làm tướng, bắt nạt hết thảy mọi người. Bạn bè ai cũng khuyên chị “nhét đi học con sẽ ngoan ngay, quy củ ngay”. 

Chị biết chứ, nhưng ông bà cứ giữ cháu chằm chặp, sợ đến trường lại không yên tâm. Anh chị đã phân tích bao nhiêu nhưng bà cứ dọa: “Các con mà đưa Én đi học, bố buồn khổ lại lo lắng, cắm dùi trước trường cháu thôi”…

Trước sự quyết liệt của ông bà, anh chị chẳng biết phải làm sao. Bây giờ, ý bé là số 1. Bé thích lấy phích nước chơi: “Ố kề, con cứ cho Én chơi, có bà trông đây rồi”, bé thích sờ tay vào kéo: "Không sao, cho kéo vào bao, ông trông chừng cho".

Anh chị có nhắc nhở con: “Đừng nghịch cửa sổ, va vào tay thì làm thế nào?”. Bé lu loa lên rồi ông bà thi nhau lũ lượt chạy lên xem con “hành” cháu mình như thế nào.

Anh chị chưa kịp thanh minh thanh nga thì ông nội bảo: “"Chúng mày làm gì nó thế? sao cứ để nó khóc mãi như vậy? Cha mẹ thế à? Ai mắng cháu ông, ông từ đấy”. Bà nội còn chèn thêm 1 câu phụ họa: “Bố con nói là làm đấy. Làm bố làm mẹ sao hơi tí mà mắng chửi con. Bảo sao nó không yêu”.
Nói rồi ông bà ôm thốc cháu xuống phòng dỗ dành. 

Anh chị đứng “trơ mắt ếch” chẳng biết phải làm sao. Nhiều khi muốn dạy con nhưng anh chị dường như cảm thấy bất lực.

Càng nhịn ông bà, con càng hư 1
Được ông bà chiều, Én ngày càng không nghe lời (Ảnh minh họa)

Chuyện ông bà chiều cháu thái quá không riêng gì nhà chị Ánh, mà nhà chị Huệ - anh Chính cũng nằm trong diện đó. Vốn anh Chính là con trai độc đinh của ông bà Khánh, thế nên từ ngày “câu giời” đích tôn Ma bư ra đời thì ông bà cưng hơn trứng mỏng, hứng hơn hoa tươi. Từ đó, rất dễ hiểu, "cục vàng cục bạc" nhà anh chị càng ngày càng bướng. 

Ông bà Khánh không quá có điều kiện nhưng cứ có tiền lương hưu, là ông lại rút tiền đi mua đồ chơi cho cháu, bà thì đi tìm mua sữa ngon nhất, béo nhất, thơm nhất cho cháu. 

Anh chị cứ to tiếng với Ma bư 1 tiếng thôi là ông bà nhảy ra mắng con cái tới tấp: “Bọn mày không nuôi dạy được con thì để bố mẹ dạy. Đi làm về nhà chưa kịp ôm con đã xông ra mắng mỏ”.

Thế rồi những tật xấu của cháu như: cãi ông mắng bà, bướng bỉnh, chửi bậy, thậm chí đánh cả mọi người, cũng được ông bà cười hềnh hệch ra chiều “buồn cười lắm”. Bố mẹ mắng thì chạy ra mách ông bà. 

Thằng cục vàng lớn lên, chẳng biết đâu là đúng đâu là sai. Biết ông bà thế là yêu cháu nhưng việc chiều chuộng quá mức đã khiến bé ngày càng hư hỏng.

Nếu anh chị có đe con bằng roi, phát nhẹ vào mông, ông bà biết, dỗi 1 tháng trời. Ngọt nhẹ thì ông bà bảo: “Ngày xưa tôi nuôi anh có bao giờ anh phải khóc lấy một tiếng?”.

Anh nghĩ, khách quan mà nói, xưa kia các cụ chỉ biết nuôi con khoẻ chứ không chú ý nhiều đến dạy bảo. Anh phân tích, trẻ con bây giờ khôn ranh, phải giáo dục chu đáo mới tốt được. Ông bà ậm ừ nhưng cháu cứ nghịch hư, anh bảo: "Ông bà cứ để chúng con dạy cháu", ông bà lại cho rằng: "Nó còn bé, biết gì mà dạy. Tôi già rồi, dạy tôi đây này".

Anh chị chỉ còn biết lắc đầu ngán ngẩm.

Thống nhất quan điểm để dạy con cháu

Nhiều gia đình nhất là những cặp vợ chồng ở cùng với ông bà thì việc ông bà can thiệp vào cách nuôi dạy con là việc rất thường xuyên. Ngoài mâu thuẫn bố mẹ - con cái nảy sinh, còn vấn đề nuôi dạy con cũng bị ảnh hưởng.

Ông bà hay lấy những kinh nghiệm xưa cũ để áp vào dạy cháu tuy nhiên, người trẻ hiện nay có nhiều cơ hội tiếp thu kiến thức mới và hợp thời hơn, cụ thể như một đứa trẻ có thể chia sẻ ngược lại với ông bà, cha mẹ những kỹ năng mới, cha mẹ có thể làm bạn với con nhưng ông bà luôn coi cháu là 1 đứa trẻ bé bỏng, không biết làm gì.

Vậy để trẻ phát triển tốt trong môi trường như vậy như thế nào? 

Trước hết, bậc phụ huynh cần thống nhất việc nuôi dạy con với ông bà. Về vấn đề này thì nên dạy con cháu như thế nào? Ai dạy là hợp lý hơn? 

Cân nhắc yếu tố ra ở riêng sẽ khiến trẻ tự lập hơn khi không có ông bà thường xuyên ở bên cạnh. 

Cha mẹ và ông bà cần hiểu rằng trẻ rất dễ bị căng thẳng khi phải tiếp nhận cùng một lúc hai cách giáo dục khác biệt hoặc thấy cha mẹ và ông bà tranh cãi nhau vì bản thân mình. 

Bố mẹ có thể tìm hiểu những phương pháp giáo dục con mới nhất và chia sẻ điều này với ông bà, nhờ ông bà giúp nhưng giúp phải có nguyên tắc.

Dành thời gian chia sẻ những kinh nghiệm, phương pháp mình được biết với ông bà, cả nhà cùng mổ xẻ một vấn đề và thống nhất cách làm hiệu quả nhất.



Sẽ là sai lầm khi người lớn chiều chuộng, cung phụng quá mức những nhu cầu của trẻ.
Càng nhịn ông bà, con càng hư 2
Chia sẻ