Cách tốt nhất để bảo vệ con là cho trẻ đối mặt với nguy hiểm
Chúng ta không bao bọc con được mãi, chúng ta không bế con được mãi, chúng ta không bảo vệ con được mãi, cách tốt nhất để ngăn chặn hiểm nguy là dạy con đối mặt với nó.
Cách tốt nhất để con an toàn
Cách đây khá lâu, có những vụ việc các em bé bị rơi từ tầng cao xuống đất và không qua khỏi. Các bậc cha mẹ hoảng hốt. Phải luôn đóng cửa lại, không để con ra ban công. Phải quây lưới ban công. Không được để vật như bàn ghế ở ban công… Tất cả những cách này đều đúng nhưng chưa đủ, chưa đảm bảo 100% trẻ được an toàn. Thế nếu nhà mình đã được rào chắn bao bọc tính toán kỹ lưỡng, nhưng trẻ sang chơi một nhà khác, gia đình đó đặt ghế ở ban công, thì sao?
Mấu chốt của việc bảo vệ cho đứa trẻ được an toàn không chỉ là ở môi trường bên ngoài, mà quan trọng hơn, nằm ở bản thân đứa trẻ. Không có bố mẹ nào có thể theo con được mãi, không có bố mẹ nào bảo vệ được con 100% nếu chính con không biết tự bảo vệ mình.
Tôi đã từng sinh sống và học tập nhiều năm ở các nước phương Tây, trong đó 5 năm nhận trông trẻ cho các gia đình khác nhau. Tôi ấn tượng với cách mà cha mẹ Tây dạy con về an toàn: Cách tốt nhất để con không gặp nguy hiểm là dạy con đối mặt với hiểm nguy. Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là bạn mặc kệ con nhảy từ cao xuống để ngã gãy chân, cho tay vào lửa để bị bỏng.
Đối mặt nghĩa là giúp con hiểu được những nguy hiểm có thể xảy ra với con. Đối mặt nghĩa là trang bị cho con những kiến thức và kỹ năng cần thiết để tránh nguy hiểm. Điều quan trọng nhất là giúp con hiểu được cốt lõi vấn đề, hiểu hệ quả tự nhiên sẽ xảy ra nếu hành xử theo cách nào đó (nếu con lấy dao cứa vào tay con sẽ bị đứt tay), từ đó, con tự lựa chọn, quyết định, hành động để mang điều tốt cho bản thân và người khác. (Tôi cho rằng điều này đúng với mọi khía cạnh trong lĩnh vực đứa trẻ chứ không riêng gì an toàn.)
10 tháng tuổi - con được tự do lục lọi đồ vật kể cả những thứ nguy hiểm.
Việc của bố mẹ do vậy, không phải là kè kè bên cạnh để ngăn cấm hay bế bồng, mà là tìm mọi cách giải thích, hướng dẫn cho con hiểu và làm điều này một cách thường xuyên, kiên nhẫn, từ khi con còn bé.
Ngay từ khi 6 tháng mới bắt đầu ăn dặm, con gái tôi đã làm quen với việc dùng thìa dĩa đũa, dĩ nhiên trong sự giám sát và để ý của bố mẹ. Chưa đến 1 tuổi, cô bé được tự do lục lọi mọi đồ vật kể cả những thứ có thể gây nguy hiểm như các loại bút.
Hơn 1 tuổi cô bé đã làm quen với kéo, 2 tuổi chơi cắt kéo và đến nay hơn 2.5 tuổi đã dùng kéo thành thạo.
Video bé Phi chơi cắt giấy với kéo để rèn luyện kĩ năng vận động tinh.
Con gái tôi cũng thường xuyên được chơi với các loại hạt nhỏ và không bao giờ nuốt. Tôi không cấm đoán con, cũng không lo lắng con chọc vào mắt, cắt vào tay hay nuốt vật nhỏ vào bụng bởi tôi đã thường xuyên trao đổi với con về việc đó và con có thể hiểu được.
Nếu con gái nhỏ của tôi không chịu đánh răng, tôi sẽ giải thích cho con là “con có thể bị sâu răng”. Nếu nói chuyện như vậy chưa đủ, tôi cho con xem hình ảnh video sâu răng phải đi nha sĩ như thế nào. Trong trường hợp con vẫn không sợ, tôi có thể đưa con đến phòng khám nha sĩ để con trực tiếp quan sát.
Nếu tôi đã làm hết cách mà con vẫn không chịu đánh răng thì sao? Tôi để con lãnh chịu hậu quả. Vì rốt cuộc, con mới là người đi cùng với chính mình cả cuộc đời và chịu trách nhiệm cho mọi lựa chọn, hành động cũng như quyết định của bản thân.
Những phụ huynh khác thường ngạc nhiên khi thấy vẻ mặt tỉnh bơ của tôi mỗi khi con trở về nhà với một vết cắn trên tay hay một vết cào xước trên mặt. Tôi không làm ầm lên với nhà trường hay trách cô giáo. Việc trẻ con có thể xô xát, cào nhau cũng là điều bình thường, những vết xước chẳng gây nguy hiểm và đó là cuộc sống – con tôi cần đối mặt.
Không có gì đáng ngạc nhiên khi con bé nhanh chóng học được bài học sinh tồn: tự bảo vệ bản thân, hét lên hay tránh ra xa khi bạn lại giành đồ chơi của mình và không ngần ngại phản ứng lại khi cần thiết. Việc bố mẹ bảo vệ quá mức và can thiệp quá sâu vào các tình huống mà trẻ có thể tự xử lý được sẽ ngăn trở khả năng thích nghi và bảo vệ bản thân của con.
Những hiểm nguy tinh thần
Cách đây ít lâu, tôi có một cuộc trò chuyện với những ông bố bà mẹ khác về việc nhiều trẻ nói tục, chửi bậy hay hát những bài hát không phù hợp với lứa tuổi. Dĩ nhiên, như tất cả những người làm cha mẹ, tôi mong muốn con mình có một môi trường trong sáng, lành mạnh, tử tế để phát triển. Nhưng làm gì có môi trường nào vô trùng, hoàn hảo 100%, nếu không muốn nói rằng có rất nhiều giá trị đảo lộn, phức tạp đang diễn ra ngoài kia, nơi con chúng ta phải bước ra, và sống cùng với chúng.
Tuy thế, tôi không hoang mang, lo lắng cho con hay mất niềm tin vào khả năng của bản thân và gia đình. Tôi tin rằng giá trị cốt lõi mà con có sẽ giúp con biết đưa ra những lựa chọn và quyết định đúng, phù hợp với bản thân. Chẳng hạn, ngay từ khi con gái còn bé tí, gia đình tôi đã thường xuyên cho bé nghe các dòng nhạc hay, những ca sỹ tuyệt vời để nâng cao khả năng hưởng thụ âm nhạc của con. Như vậy, sau này, những bản nhạc “sến” hay “thị trường” sẽ bị bỏ ngoài tai, đào thải, không ảnh hưởng đến con. Tương tự, khi con có những giá trị cốt lõi vững chắc, con sẽ không dễ dàng bị lung lay bởi môi trường hay bị lây nhiễm các thói xấu, tệ nạn. Giá trị cốt lõi và quan trọng nhất của gia đình tôi là gì: con có cái tâm tốt, con có hành động tốt, con là người tốt, con hiểu bản thân mình, con làm cho mình hạnh phúc và làm cho những người xung quanh vui vẻ.
Nhìn từ ngoài vào, tôi và chồng dành nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc cho con. Tôi sắp xếp công việc để đón con sớm, dành thời gian tối đa cho con buổi tối và các cuối tuần. Tôi sẵn sàng đầu tư cho con học trường quốc tế từ nhỏ. Nhưng điều quan trọng nhất đối với chúng tôi không phải là con bé trở thành ông này, bà nọ, kiếm được bao nhiêu tiền. Điều quan trọng nhất là con trở thành một người tử tế và tinh thần tích cực – đó là giá trị hạnh phúc mà không điều gì như quần áo, tiền bạc hay vẻ ngoài có thể đem lại được.
Bằng cách nào giá trị mà tôi coi trọng thấm nhuần vào con gái của chúng tôi? Đơn giản là tôi làm nó, tôi sống với những gì mà tôi coi trọng. Tôi cười với những em nhỏ, giúp đỡ một cụ già, mang nước cho chị lao công. Tôi không cần khoe với ai đó là tôi đang làm điều tốt, cũng không cần bảo con là “con phải làm A, B, C, X, Y, Z” Đơn giản là tôi sống và hành xử đúng như những giá trị mà tôi coi trọng và hạnh phúc với điều đó. Tôi tin rằng khi có giá trị cốt lõi và vững chắc của gia đình, không có điều gì ở bên ngoài có thể khiến con sai đường lạc lối.
Tôi đã mất bao nhiêu thời gian để dành thời gian cho con?
Dĩ nhiên, sẽ không có giá trị cốt lõi nào hết và cũng chẳng có sự bền vững nào hết trong những điều mà ta mang tới cho con cái nếu không có một thứ: thời gian.
Tôi thường sắp xếp để có thể đón con sớm, về nhà đưa con đi bơi, chơi cùng con. Chúng tôi cũng thường xuyên cùng nhau đưa con đi học và đón con về. Mọi người có thể ghen tị khi thấy gia đình tôi có thể dành được nhiều thời gian cho con, nhưng ít ai biết rằng, đó là cả một chặng được dài. Rất nhiều thời gian chúng tôi đã bỏ ra, rất nhiều công sức sắp xếp và cả nhiều sự hi sinh nữa để chúng tôi có thêm 1, 2 tiếng về sớm đón con mỗi ngày. Hành trình đó bắt đầu từ trước khi tôi có con.
Tôi có niềm đam mê bẩm sinh với trẻ con đến nỗi tôi cho rằng mình đã sẵn sàng về cả thể chất, tâm lý, tinh thần để sinh con từ lúc tôi 18 tuổi. Nhưng đến tận 10 năm sau đó, con gái tôi mới chào đời. Bởi vì tôi cần chắc chắn về việc chọn một người bạn đời phù hợp, cùng chung các giá trị. Bởi vì tôi đã dành 5 năm bên nhau để trao đổi, tranh luận, thậm chí cãi nhau nảy lửa về mọi vấn đề trong cuộc sống, về cách chúng ta sẽ dùng tiền, về việc sinh con, về sắp xếp công việc sau khi sinh, về sự nghiệp của cả hai, về quan điểm nuôi dạy con như thế nào… Tôi hiểu rằng cuộc hôn nhân không đơn giản như khi ta cãi nhau về một bộ phim định xem hay một quán cà phê để hẹn hò, có nhiều vấn đề to tát hơn mà ta phải đồng quan điểm, đồng giá trị từ trước khi cưới, như việc nuôi dạy một đứa con như thế nào, hay như niềm tin rằng thời gian cho con là điều tối quan trọng.
Và để có thời gian dành cho con đó cũng như giữ hạnh phúc gia đình, trong cuộc hôn nhân, người chồng và vợ đều lần lượt chủ động hi sinh những nhu cầu và mong muốn nhất thời của bản thân, vì lợi ích chung của cả gia đình. Chẳng hạn, chồng tôi làm nghề thiết kế và anh ấy rất muốn mở công ty riêng. Nhưng anh đã lùi lại một bước, để tôi khởi nghiệp trước, bởi “phụ nữ có thì”. Anh chọn đi dạy, để có thời gian linh hoạt cho con. Còn tôi, thay vì làm yên vị ở một công ty lớn nào đó, lại chọn con đường mở công ty riêng, bởi dù vất vả áp lực, tôi có thể tự sắp xếp được thời gian của mình cho con. Đằng sau 1 tiếng đón con sớm của vợ chồng tôi, bạn có thể thấy một hành trình dài.
Còn tôi biết rất rõ rằng, nuôi dạy con cái, một cuộc hôn nhân, hay bất cứ điều gì trong cuộc đời, đều cần phải làm việc cật lực và không từ bỏ dù một giây, một phút nào. Ngày nào chúng ta cũng phải chăm chút, phải nỗ lực, phải kiên nhẫn – tất nhiên đính kèm rất nhiều mệt mỏi nữa - nhưng đổi lại là rất nhiều khoảnh khắc hạnh phúc với gia đình và với đứa con của mình.
Mẹ Phi