Cả nhà náo loạn vì con hư

Lê Phong,
Chia sẻ

Chị hoa mắt, choáng váng khi thấy Bin cầm một chiếc đồ chơi bé bằng lòng bàn tay lúi húi nhét vào túi áo khoác của mình.

Hốt hoảng vì con “cầm nhầm” 

Bé Giang (6 tuổi, học lớp 1 trường tiểu học T.L) suốt cả tuần vừa rồi làm bố mẹ đau đầu, căng thẳng. Nhờ bé Hằng – con gái lớn mà anh chị Tú - Hường (Ngõ Trạm, Hà Nội) mới biết con út có thói quen ăn cắp vặt

Chuyện là thời gian gần đây, cứ khi nào đi học về, bé Hằng lại thấy em khoe có đồ mới, bé đem chuyện kể cho mẹ. Chị Hường lại để ý thấy trong cặp con đúng là có nhiều món đồ lạ thật. Lúc thì là cái thước hình con hươu, xấp giấy màu, cái bút máy,… 

Chị hỏi thì con bảo bạn cho mượn, lúc thì cô giáo phát. Chị gọi điện hỏi cô thì cô nói không hề có chuyện này. Linh cảm thấy điều không tốt, chị để ý tới từng hành động của con nhiều hơn. Đúng là thời gian vừa rồi, anh chị dành quá nhiều tâm trí vào công việc, lơ là chuyện dạy con cái, trò chuyện với con. Rất nhiều lúc Giang đòi mua cái này cái nọ, chị lại gạt đi, nghĩ là bé đòi hỏi quá, không nên chiều chuộng con.

Rồi một lần nữa, vô tình chị thấy bé lục túi mẹ khi không có ai ở cạnh. Chị nhẹ nhàng vào hỏi chuyện, mất một lúc tỉ tê tâm sự, bé mới lí nhí thừa nhận: “Tại con xin mẹ chẳng cho nên con lấy tiền để dành mua truyện tranh”. Bé vừa nói vừa rút tờ 10 nghìn đồng nhăn nhúm trong túi ra trả mẹ.

Chị hỏi luôn: “Vậy những đồ vật lạ mà có trong cặp sách của con, bố mẹ không mua là con lấy của bạn hay thế nào?”. Chị hoang mang khi bé thừa nhận “Một nửa là con lấy của bạn, một nửa là con lấy tiền của mẹ đi mua”.

Cả nhà náo loạn vì con hư 1
Có rất nhiều bậc phụ huynh rơi vào cảnh này (Ảnh minh họa)

Thấy vấn đề không ổn, tối đến chị nói chuyện với chồng để tìm ra phương pháp dạy dỗ con một cách hợp lý.
 
Không chỉ vợ chồng anh chị Tú mới gặp những chuyện rắc rối từ hành động sai lầm của con trẻ mà nhà chị Mai (Tân Bình, TP HCM) cũng băn khoăn khi biết con có tật xấu. Chị bối rối vô cùng chẳng biết nên làm gì với con. 

Một ngày, đang nấu bếp, chị nghe thấy bà Hai – hàng xóm chạy sang rỉ tai chị rằng: “Nên dạy lại thằng cu Bin vì nó có dấu hiệu lấy trộm đồ của người khác”.

Bà vừa dứt lời, chị bực mình, cãi lại lời bà Hai. Chị chẳng tin bà bởi nhà chị chẳng thiếu thứ gì, con đòi gì, chị đều đáp ứng, có khi con chưa đòi chị đã mua. 

Chị yên tâm rằng, Bin đầy đủ hơn chúng bạn, và điều kia là bịa đặt. Từ đó, tình cảm xóm giềng bị sứt mẻ, chị không bao giờ tiếp xúc với nhà bà Hai. 

Thế nhưng, một lần chị dẫn Bin đến nhà chị đồng nghiệp chơi. Chị hoa mắt, choáng váng khi thấy Bin cầm một chiếc đồ chơi bé bằng lòng bàn tay lúi húi nhét vào túi áo khoác của mình. 

Chị lừ mắt ra hiệu và rỉ tai con: “Mẹ đã nhìn thấy rồi, để ngay vào chỗ cũ”, bé giật mình làm theo. Chị đưa con ra về luôn, sau đó bé đối mặt với hàng loạt câu hỏi tra khảo của mẹ. 

Chị khóc lóc, rên rỉ với chồng rồi hai anh chị to tiếng, anh mắng chị: “Tất cả là do cô, suốt ngày quần quần áo áo không quan tâm tới con nên giờ nó mới hư thân mất nết như thế”.

Rồi chị quay sang chì chiết con: “Mẹ nuôi con lớn rồi con thế này ư? Hóa ra con ăn cắp đồ ở nhà bà Hai. Mẹ còn mặt mũi nào mà nhìn họ?”. Lúc này bé mới hét lên rằng: “Bố mẹ ai cũng bận, chẳng ai yêu con cả”.

Dạy con nói không với “cầm nhầm”

Bình thường, trẻ con chưa ý thức được rõ ràng ăn cắp là gì. Động cơ khiến trẻ hành động như vậy chỉ đơn giản là vì chúng thích và muốn sở hữu món đồ ấy. Thời điểm đó, trẻ chưa hiểu hết được hậu quả mà mình làm, trước mắt là cứ thỏa mãn mình đã. 

Khi phát hiện con có hành vi này, các bậc phụ huynh không nên đánh, mắng con mà phải tìm hiểu xem con lấy đồ của người khác với mục đích làm gì.
Bạn cần nói rõ ràng với con rằng: “Chưa rõ vật đó có giá trị thế nào nhưng lấy đồ của người khác là một hành động vô cùng xấu. Người có thói quen này sẽ bị mọi người không yêu”.

Chị Linh - mẹ bé Bình (5 tuổi) sau khi chứng kiến cảnh con lấy đồ chơi của em hàng xóm, chị đã tâm sự với con thế này: “Con nghĩ xem, mẹ mua cho con một bộ đồ chơi mới, con rất thích nó, đang chơi thì bị bạn khác lấy mất. Con cảm thấy thế nào?”

Cả nhà náo loạn vì con hư 2
Thường xuyên gần gũi, trò chuyện với con, động viên con nhiều hơn
 để bé tự tin với bản thân (Ảnh minh họa)

Bình trả lời: “Con sẽ buồn và không chơi với bạn đó nữa”. Rồi chị dần dần phân tích cho bé hiểu rằng hành động của con là sai và sẽ không được chấp nhận nếu tái diễn. 

Thực chất có rất nhiều nguyên nhân khiến bé có hành động này: Thích thú thử nghiệm cảm giác mới, gây sự chú ý đến bố mẹ, trẻ thích đồ vật đó nhưng chưa được cha mẹ đáp ứng cho, khoe với chúng bạn là mình có nhiều đồ...

Bin ở trường hợp 2 cũng vậy, nhà đầy đủ điều kiện, bố mẹ chu cấp cho cậu bé không thiếu thứ gì thế nhưng bé lại có tật cầm nhầm. Đây có thể do trẻ muốn gây sự chú ý của người lớn. 

Hành vi lấy đồ người khác phản ánh ít nhiều trạng thái căng thẳng trong trẻ ở thời điểm hiện tại. Dù lý do lấy cắp ở trẻ là gì, cha mẹ cũng cần tìm ra nguyên nhân của hành vi và giải quyết các vấn đề ẩn chứa đằng sau đó. 

Việc chì chiết, mắng mỏ là không nên chút nào mà phản ứng của cha mẹ trước tiên là phải kiềm chế thái độ của mình đối với trẻ. Bé nhỏ tuổi, bậc phụ huynh cần phải phân tích giúp chúng hiểu rằng ăn cắp là sai trái, làm tổn thương người bị lấy. Trẻ lớn hơn vẫn cần được giải thích, giáo dục thêm để biết về hậu quả của hành vi đó.

Thường xuyên gần gũi, trò chuyện với con, động viên con nhiều hơn để bé tự tin với bản thân. 



Nhìn thấy con đang ngồi cầm đồ chơi lạ trên tay, chị hỏi thì cậu con trai thú nhận đã lấy cắp đồ trên lớp
Cả nhà náo loạn vì con hư 3
Chia sẻ