Tá hỏa vì con ăn cắp vặt

T.A,
Chia sẻ

Vừa ra khỏi cổng trường, chị đã vung tay tát con một cái rõ mạnh và quát: “Tao dạy mày thế à? Mày định bôi tro vào mặt bố mẹ hả con”.

Cuộc điện thoại từ nhà trường

Đang làm việc ở công ty, chị Hồng (29 tuổi), nhà ở Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội hốt hoảng khi nhận được điện thoại của cô giáo chủ nhiệm lớp mầm non mà cậu con trai 4 tuổi của chị đang theo học. Giáo viên gọi điện cho chị Hồng để thông báo rằng, bé Nghé đã lấy cắp của bạn một chiếc bút chì, và một hộp kẹo ngậm khi đang trong giờ nghỉ trưa.

Hôm đó nghe cô giáo của Nghé kể lại thì cậu bé đã có một vài lần “trộm cắp vặt” những thứ như một bức tranh nhỏ, một cái tẩy. Cô giáo đã nhẹ nhàng nhắc nhở và nói sẽ gọi điện cho mẹ em để nói với mẹ nếu em còn vi phạm lần sau. Vừa nói đến mẹ, Nghé đã khóc và xin cô tha lỗi. Bé đã hứa sẽ không tái phạm nữa. Thế nhưng cứ thỉnh thoảng ở lớp lại có bạn kêu mất cái này, cái kia. Có lần thì cô giáo tự đi mua đền cho các bạn để tránh xích mích nhau. Thế nhưng, đến khi chuyện hôm nay xảy ra thì cô buộc phải báo cho phụ huynh biết.

Nghe những lời cô giáo nói và khuôn mặt tái mét đi của cậu con trai, chị Hồng đã cảm thấy cơn tức giận lan khắp người. Cũng vì từ trước đến giờ chị luôn tự hào với mọi người xung quanh là con trai chị rất ngoan. Chị chỉ cần quát một tiếng là im ngay chứ không có khóc lóc, làm nũng gì cả. Dù tức giận nhưng chị vẫn cố giữ bình tĩnh để không cư xử lệch lạc trước cô giáo của con. Chị xin phép cho cháu nghỉ vài buổi để “vợ chồng tôi sẽ bảo ban cháu thêm”.

Vừa ra khỏi cổng trường, chị đã vung tay tát con một cái rõ mạnh và quát: “Tao dạy mày thế à? Mày định bôi tro vào mặt bố mẹ mày hả con”. Hôm đó, chị phạt con chỉ được ăn một bát cơm. Sau đó chị bắt con kể lý do tại sao bỗng dưng lại sinh ra cái tật ăn cắp vặt. Nhưng Nghé chỉ im lặng. Chị Hồng thấy vậy thì quát tháo, dọa nạt. Nghé vẫn cúi đầu ngồi im. Dù bố có nhẹ nhàng dỗ, nhưng cũng không thay đổi được gì.

Nguyên nhân và cách giải quyết

Khi biết được hành vi ăn cắp của con, cảm giác của các ông bố bà mẹ đầu tiên thường là tức giận và thất vọng. Từ cảm giác đó dẫn tới những hành động sai lầm đối với con trẻ, khiến sự việc càng trở nên bế tắc và khó giải quyết. Như trường hợp của chị Hồng là một ví dụ. Chưa biết tại sao con làm thế, chị đã đánh mắng, quát tháo và dọa nạt con. Điều đó là hoàn toàn sai lầm. Vì trẻ con thường rất bướng bỉnh và luôn cần được lắng nghe, chia sẻ, dạy dỗ bằng tình yêu chứ không phải cứ quát mắng là chúng sẽ nghe và làm theo ý cha mẹ. Ngược lại càng quát mắng, chúng càng tỏ ra bất hợp tác, không bao giờ nghe theo cha mẹ.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến hành vi này của con bạn. Chúng tôi có thể đưa ra một số lý do như:

- Chúng ăn cắp vì chúng không được đáp ứng những nhu cầu của mình. Nên tự bản thân sẽ nảy sinh ra tật ăn cắp để có thể có được những thứ mình muốn. Chúng chưa nhận thức được hành vi đó là không đúng.

- Nếu trẻ đã được dạy về vấn đề ăn cắp là sai. Khi chúng làm vậy, cũng có thể là do chúng biết sai nhưng lại không thể tự kiểm soát được hành vi của mình.

- Cũng có thể, một đứa trẻ ăn cắp chỉ vì chúng bướng bỉnh. Chúng muốn gây sự chú ý với những người xung quanh. Hoặc buồn hơn là chúng đang bị rơi vào trạng thái hoang mang khi thiếu hụt đi tình cảm của những người thân xung quanh, đặc biệt là bố mẹ. Và chúng là như vậy để buộc họ phải chú ý đến mình.

Có khá nhiều nguyên nhân dẫn đến những hành vi này của con trẻ. Nhưng điều đầu tiên quan trọng nhất đối với cha mẹ chính là việc cần tìm hiểu lý do sâu xa trong một khoảng thời gian lâu dài. Dù biết cần phải nghiêm khắc với hành vi này của con, nhưng các bậc phụ huynh hãy nhớ: Sự hình thành tính cách là một khoảng thời gian rất dài. Và con trẻ luôn cần sự thấu hiểu của cha mẹ để có thể trưởng thành  một cách tốt nhất.

Chia sẻ