Nuôi con… ăn cắp
Bố mẹ Thúy chỉ là công nhân bình thường nên không thường cho Thúy tiền tiêu vào những việc lặt vặt. Bí quá, Thúy ăn trộm liều. Một vài lần như vậy, nó trở thành "thói quen" của Thúy.
Hà, Hạnh và Thúy chơi thân với nhau từ hồi cấp 2, nay lên cấp 3, ba đứa lại cùng nộp hồ sơ vào 1 trường và lại học cùng một lớp. Trong ba đứa thì nhà Hạnh khá nhất, nhà Hà không giàu những cũng khá, chỉ có nhà Thúy là khó khăn. Ba đứa chơi với nhau không tính toán, nhất là Hạnh. Hạnh không ỉ thế nhà mình giàu hơn mà lên mặt với các bạn, ngược lại Hạnh rất tốt với bạn, thường xuyên giúp đỡ bạn.
Những năm học cấp 2 là những năm học mà cả ba đã cùng nhau học hành hết sức chăm chỉ để có thể cùng vào một trường chuyên như chúng mơ ước. Và rồi, khi mơ ước ấy thành hiện thực cũng là lúc cuộc sống của cả ba có sự thay đổi.
Ở trường cấp 3, các bạn ở khắp nơi dồn về, mỗi người một hoàn cảnh nhưng phải nói là hầu hết học sinh ở lớp ấy đều là con nhà khá giả, vì vậy mà những cuộc chuyện trò, những buổi đi chơi, ăn uống cũng khác hơn nhiều so với hồi cấp 2. Hạnh và Hà thì không sao, nhưng với Thúy thì mọi cuộc vui của các bạn cùng lớp là hơi “xa xỉ” quá. Bố mẹ Thúy chỉ là công nhân bình thường, lại phải nuôi hai chị em Thúy ăn học nên cũng không dư dả lắm. Ngoài tiền học và các chi tiêu tối thiểu cần thiết thì Thúy không hay được bố mẹ cho tiền tiêu vào những việc lặt vặt không cần thiết khác. Chính vì vậy mà thỉnh thoảng Thúy mới đi chơi cùng các bạn và trong những lần đi chơi cùng cả nhóm này, khoản của Thúy đều do Hạnh trả.
Một hôm, sau tiết 5 của buổi học, Hạnh ở lại họp cùng cô giáo chủ nhiệm, đến khi ra lấy xe đi về thì không thấy xe của mình đâu. Buổi sáng, Hạnh đi học cùng Thúy, buổi chiều trong lúc Hạnh họp thì Thúy chơi ở sân trường và chờ Hạnh. Thế mà nay không thấy xe đâu. Cũng từ hôm đó, Thúy lại có tiền để cùng các bạn đi ăn ốc, ăn bánh khoai hoặc là đi xem phim. Thúy bảo, tiền là do bố mẹ cho. Mọi người có thắc mắc nhưng rồi lại không nghi ngờ gì khi nghe Thúy nói bố Thúy mới trúng xổ số.
Hạnh được bố mẹ mua cho xe đạp mới và cả 3 vẫn đi học cùng nhau. Thế nhưng, chưa đầy 3 tháng sau thì xe mới của Hạnh cũng mất. Hôm Hạnh mất xe cũng là hôm Hạnh chở Thúy đi học. Giữa buổi học, Thúy mượn xe của Hạnh đi mua sách, sau đó về và trả chìa khóa cho Hạnh, nhưng đến chiều thì không thấy xe đâu. Hạnh chẳng biết đổ cho ai đã lấy, cô càng không thể nghi cho ai. Có hỏi thì Thúy khăng khăng là đã gửi xe vào nhà xe rồi trong khi bác trông xe lại quả quyết là không thấy Thúy mang xe vào gửi trở lại. Không có bằng chứng, Hạnh chỉ ngậm ngùi mà không nỡ nghĩ rằng chính Thúy đã lấy xe của mình.
Cả 3 vẫn chơi cùng nhau, vẫn cùng nhau đi học, và Thúy thì dạo này có vẻ “rủng rỉnh” hơn khi có thể tự trả tiền cho mình trong những lần bạn bè tụ tập ăn uống, vui chơi nho nhỏ.
Mọi chuyện sẽ không có gì là ầm ĩ nếu trong một thời gian Hà thường xuyên kêu mất tiền. Hà không mang nhiều tiền đi học, nhưng hôm nào mang bao nhiêu đi cũng hết. Hà không có thói quen để tiền trong người nên cô để hết trong balô đi học, giờ ra chơi cô lại chạy nhảy bên ngoài lớp nên không để ý ai đã lấy mất tiền từ túi của mình. Chỉ có Thúy là người ngồi lại lớp, nhưng Hà cũng không dám nghi và đổ oan cho Thúy vì Hà nghĩ, Thúy dạo này cũng có tiền thì chắc không nỡ lấy của Hà, nhất là khi mấy đứa lại chơi thân với nhau.
ĐỈnh điểm là khi Hà mất tiền đóng tiền học. Đến lần này thì Hà buộc phải nói với cô giáo chủ nhiệm. Với cương vị là giáo viên chủ nhiệm lại dạn dày kinh nghiệm sư phạm, giỏi thuyết phục, cô giáo đã tìm ra được thủ phạm. Điều đáng ngạc nhiên là thủ phạm lấy tiền của Hà và lấy xe của Hạnh lại là một là chính là Thúy chứ không phải ai khác. Sự thật làm cả Hà và Hạnh đều bất ngờ. Hóa ra, vì ghen tị với các bạn được bố mẹ cho tiền tiêu mà Thúy “nghĩ quẩn”, Thúy chỉ nghĩ cách làm sao để có tiền và lợi dụng tình bạn thân để là dối lấy tiền lấy đồ của các bạn là dễ nhất. Xe của Hạnh thì được bán cho đồng nát cách khá xa nhà để khỏi bị phát hiện...
Thúy bị chuyển trường. Nhìn bố mẹ Thúy gục xuống mà khóc khi phải đến gặp Ban giám hiệu nhà trường, Hạnh và Hà thấy buồn vô cùng. Nhưng dù muốn dù không tình cảm của ba người cũng đã bị sứt mẻ phần nào.