6 lý do bé không nên ăn dặm quá sớm
Hãy đợi đến khi bé được ít nhất 4 tháng tuổi, bạn mới nên bắt đầu cho con ăn dặm. Nên nhớ, thức ăn dặm không thể thay thế hoàn toàn cho sữa mẹ.
Do đó, cho con bú
mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu là tốt nhất. Nếu không, bạn hãy cho con ăn dặm
trong khoảng 4-6 tháng tuổi, kết hợp với bú mẹ thường xuyên.
Trước 4 tháng tuổi, sự phát triển thể chất chưa hoàn thiện đủ để bé bắt đầu ăn
dặm. Có 6 nguyên nhân nguy hiểm khi cho bé ăn dặm quá sớm:
1. Dù bé mút sữa khá tốt nhưng tuyến nước bọt chưa thành thục cho việc tiêu hóa thức ăn. Khoảng 4 tháng tuổi, hệ tiêu hóa của bé mới bắt đầu tiết ra một enzyme, gọi là amylase, cần thiết cho việc tiêu hóa bột ăn dặm (chất tinh bột và carbonhydrate).
Trước 6 tháng tuổi, cơ thể khá khó khăn khi tiêu hóa chất béo. Một số chất không thể tiêu hóa nổi sẽ bài tiết theo phân, ra ngoài. Những thức ăn giàu protein như trứng, thịt, hoặc sữa bò, nếu được cho ăn quá sớm sẽ gây hại thận.
2. Nếu cho ăn dặm quá sớm, cơ thể
của bé chưa đủ phát triển để sẵn sàng cho việc ăn dặm. Các cơ ở cổ họng còn yếu,
chưa phù hợp với hoạt động nuốt thức ăn, cho đến khi ít nhất bé được 4 tháng
tuổi. Ngoài ra, dưới 4 tháng tuổi, bé cũng chưa biết dùng lưỡi để chuyển thức ăn
từ bên ngoài vào bên trong khoang miệng. Chẳng hạn, khi bạn chạm nhẹ vào lưỡi
của bé, ngay lập tức, bé phản ứng bằng cách đẩy lưỡi ra ngoài. Đây là hoạt động
tự nhiên ở bé sơ sinh và chỉ chấm dứt, đến khoảng 16-18 tháng tuổi.
Lần đầu tiên dùng thìa xúc thức ăn cho bé, bé thường ngậm chặt miệng lại. Nhưng
gần 5 tháng tuổi, nếu bé nhìn thấy chiếc thìa, bé sẽ sớm há miệng ra rộng hơn –
phản ứng tự nhiên khi bé đã trưởng thành hơn.
3. Bé có thể bày tỏ thái độ rằng: “Con không muốn ăn nữa”; chẳng hạn, khi cho bé
“ti mẹ”, bé chán là phản ứng bằng ngừng bú hoặc ngủ thiếp đi. Nhưng để bé biết
quay đầu, từ chối thức ăn thì phải đợi đến 4-5 tháng tuổi. Dưới 4 tháng tuổi,
bạn thường không biết dấu hiệu bé có muốn ăn nữa hay không.
Do đó, nhiều người mẹ thấy việc
cho bé ăn dặm trước 4 tháng tuổi là khá nhàn, vì bé ít quay ngang – quay dọc.
Chuyện này dẫn tới việc lạm dụng bột ăn dặm cho con, khiến bé dễ thừa cân về sau.
4. Các nghiên cứu chỉ ra rằng, ăn dặm sớm có liên quan đến những vấn đề sức khỏe
của bé sau này như béo phi; trục trặc ở hệ hô hấp như hen suyễn hay dị ứng thức
ăn.
5. Thức ăn dặm không làm bé no bụng, ngon giấc cả đêm. Một số nghiên cứu cho
biết, nhiều bé bắt đầu ngủ một giấc dài về đêm ở giai đoạn 3 tháng tuổi, cho dù
có được ăn dặm hay không. Ngay cả khi, ăn dặm giúp bé ngủ dài hơn thì đó cũng
không phải lý do phù hợp để cho con ăn dặm sớm.
6. Nếu bạn cho bé “ti mẹ” hoàn toàn; đồng thời, cho con ăn dặm quá sớm thì sữa
mẹ có thể bị giảm.
Theo Phương Thảo
Mẹ và Bé