Mẹ bầu phải sinh non vì thai nhi bị đe dọa bởi "sát thủ" ẩn nấp trong tủ lạnh
Mẹ bầu 37 tuổi đã buộc phải sinh non bé trai chỉ nặng 1,75kg sau một bữa cơm bình thường như bao bữa cơm khác, nguyên nhân sẽ khiến các mẹ đang mang thai phải hết sức thận trọng trong ăn uống.
Tiểu Hà (Hàng Châu, Trung Quốc) là một phụ nữ 37 tuổi, cô đang mang thai đứa con thứ 2. Hai tuần trước, Tiểu Hà đã lấy con cá để trong tủ lạnh 2 ngày và làm nóng, sau đó dùng rong biển bọc bên ngoài để ăn. Cơ bản đây chỉ là một bữa ăn vô cùng bình thường, nhưng nó gần như cướp đi sinh mạng của bào thai trong bụng cô.
Vào ngày thứ hai sau bữa ăn, Tiểu Hà bắt đầu cảm thấy nhiệt độ cơ thể nóng lên, toàn thân yếu ớt, không có sức lực. Vì nghĩ rằng mình mệt mỏi do đang mang thai nên cô đã không chú ý nhiều, cũng không đi thăm khám. Sau khi nghỉ ngơi 3 ngày ở nhà, những triệu chứng trên có cải thiện nhưng Tiểu Hà lại dần dần bị đau bụng dưới. Do có kinh nghiệm từng trải qua một lần sinh nở, Tiểu Hà biết đây là hiện tượng tử cung co thắt, ngay lập tức cô cùng người nhà đến Bệnh viện Phụ sản Hàng Châu (Trung Quốc) để khám.
Khi nhập viện, nhiệt độ cơ thể của Tiểu Hà bình thường nhưng thường xuyên có cơn co tử cung, bác sĩ cho Tiểu Hà nhập viện điều trị. Trong thời gian điều trị, bác sĩ phát hiện máu của Tiểu Hà có bất thường, chỉ số protein phản ứng C đã tăng đáng kể. Điều này cho thấy khả năng nhiễm trùng trong tử cung. Bác sĩ có chút lo lắng, nhiễm trùng tử cung phải đối mặt với việc sinh sớm, như vậy không có cách nào tiếp tục giữ lại thai nhi, sau khi sinh cũng phải làm rất nhiều xét nghiệm.
Ảnh minh họa
Bác sĩ hỏi Tiểu Hà: "Nhịp tim của thai nhi bất thường, bạn có nhận ra không". Tiểu Hà nói với bác sĩ, 2 ngày trước, bản thân cô đã cảm thấy thai nhi có những chuyển động bất thường, khi đó cô không để ý quá nhiều. Ngay sau đó, bác sĩ Tạ Chân, Phó Khoa sinh sản đã tiến hành mổ lấy thai, Tiểu Hà đã hạ sinh một bé trai nặng 1,75kg.
Sau khi lấy thai nhi ra ngoài, bác sĩ thấy nước ối đã đục và chuyển sang màu vàng, hơn nữa đứa trẻ sau khi sinh toàn thân có màu xám, lực cơ giảm. Các tế bào bạch cầu đạt hơn 60.000 (trẻ sơ sinh bình thường thường dưới 20.000), có thể bị nhiễm trùng huyết nặng và đứa trẻ được chuyển đến phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh để tiếp tục điều trị.
Ngày thứ 2 sau phẫu thuật, bác sĩ Tạ Chân nhận được một cuộc điện thoại từ phòng thí nghiệm. Hóa ra, khi phẫu thuật bác sĩ đã nuôi cấy vi khuẩn được lấy ra từ nước ối của Tiểu Hà, cuống rốn và máu của đứa trẻ mới sinh đã có kết quả. Chỉ một ngày, trong nước ối và máu của em bé xuất hiện lượng lớn vi khuẩn Listeria monocytogenes, lúc này thủ phạm gây sinh non của Tiểu Hà đã được các bác sĩ phát hiện.
Sau khi được chẩn đoán là nhiễm trùng Listeria monocytogenes, bác sĩ Tạ Chân đã sử dụng phương pháp kháng khuẩn cho Tiểu Hà và em bé. Sau khi trải qua các cuộc điều trị tích cực, các chỉ số của em bé đã cải thiện và được xuất viện.
Vi khuẩn Listeria monocytogenes là gì?
Listeria monocytogenes là một một vi khuẩn Gram dương kị khí có thể lây nhiễm cho người. Đây là loại vi khuẩn gây độc, với 20% đến 30% số ca nhiễm lâm sàng gây nên bệnh Listeriosis dẫn đến tử vong. Listeria monocytogenes là một loại vi khuẩn có khả năng sống sót mạnh mẽ và phân bố rộng rãi trong tự nhiên. Nó chủ yếu được tìm thấy trong đất, nước.
Không giống như các vi khuẩn khác, nó vẫn có thể phát triển và sinh sản trong tủ lạnh ở nhiệt độ lạnh, và thậm chí tồn tại trong tủ đông ở -20 độ C trong 1 năm, vì vậy nó còn được gọi là "sát thủ tủ lạnh". Các vi khuẩn này có nhiều cơ hội xâm nhập vào sản phẩm từ khâu sản xuất, dẫn đến các sản phẩm công nghiệp và các sản phẩm tươi như thịt, hoa quả, sữa tươi, sữa chua, phô mai, cá… bị nhiễm khuẩn.
Ảnh minh họa.
Người bình thường sau khi ăn thực phẩm có nhiễm vi khuẩn sẽ phát bệnh trong vòng 24 giờ, thời gian ủ bệnh từ 3-6 ngày, sau khi phát bệnh ngoài triệu chứng đường tiêu hóa như tiêu chảy, còn xuất hiện sốt, đau đầu và toàn thân không có lực. Người và động vật bị nhiễm Listeria monocytogenes có thể gây ra các bệnh như viêm màng não, nhiễm trùng huyết và viêm nội tâm mạc.
Tuy nhiên, việc Listeria monocytogenes xâm nhập vào cơ thể người có liên quan đến lượng vi khuẩn, tuổi của vật chủ và khả năng miễn dịch. Hầu hết những người khỏe mạnh không bị bệnh ngay cả khi họ tiếp xúc với vi khuẩn, những người nhiễm bệnh chủ yếu là trẻ sơ sinh và người già, phụ nữ mang thai, bệnh nhân ung thư, người bị HIV, bệnh nhân tiểu đường, người bị bệnh gan… Trong đó, khoảng 25% người nhiễm là phụ nữ mang thai.
Phụ nữ mang thai có thể không có triệu chứng rõ ràng sau khi bị nhiễm trùng, và cũng có thể có các triệu chứng như sốt, nhức đầu, đau cơ, mệt mỏi, buồn nôn, tiêu chảy,... Khi bị nhiễm Listeria monocytogenes bào thai qua nhau thai, gây bất thường cho thai nhi, gây sảy thai, sinh non… Sau khi nhiễm Listeria, ngay cả khi trẻ sơ sinh sống sót, có nguy cơ cao bị viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng huyết và thậm chí chậm phát triển trí tuệ, và tỷ lệ tử vong có thể lên tới 30%.
Phòng ngừa nhiễm vi khuẩn Listeria monocytogenes
Các chuyên gia y tế chỉ ra rằng, những loại thức ăn hay rau quả bảo quản đông lạnh, cần chú ý các loại túi đựng bởi vi khuẩn listeria có thể chứa ở đó. Một mối nguy hiểm nữa là listeria có thể tìm thấy ở trong đất và nước, do đó thực phẩm trồng trong đất, nước bị nhiễm listeria cũng rất dễ bị nhiễm khuẩn.
Việc tuân thủ nghiêm ngặt quy trình vệ sinh thực phẩm trong ăn uống có thể hoàn toàn giảm thiểu nguy cơ bị nhiễm khuẩn listeria. Cụ thể: phải nấu chín các sản phẩm động thực vật như thịt cá, gia cầm; rửa sạch rau và trái cây trước khi ăn; rửa sạch tay và dụng cụ nấu ăn với xà phòng trước khi chế biến thức ăn, đặc biệt sau khi tiếp xúc với thịt sống và thức ăn chế biến sẵn. Ngoài ra, cần lau sạch bất cứ vết bẩn nào ở trong tủ lạnh, đặc biệt là nước rớt ra từ thịt sống và gia cầm.
Nguồn: Sina