Hạnh phúc chuẩn bị chào đón con đầu lòng, người mẹ khiếp sợ khi biết tin một trong hai đứa con sẽ bị... đột quỵ trong bụng bởi hội chứng vô cùng kỳ lạ này
Khi nghe thông báo từ bác sĩ, người mẹ như chết lặng người đi bởi khả năng sống sót của các con vô cùng thấp, chỉ có 5%.
Maltida và Felicity Harvey mắc hội chứng truyền máu song thai – nghĩa là một bé nhận được nhiều máu hơn so với bé còn lại. Chỉ có 5% những cặp song sinh mắc hội chứng tương tự có thể sống sót.
Keziah và ông xã Jordan Harvey ở Staffordshire (Anh) được thông báo tin dữ khi cô đang ở tuần thai thứ 16: Hai bé gái song sinh trong bụng Keziah rất có thể không giữ được mạng sống – cho dù có được phẫu thuật hay không.
Một trong hai bé bị đột quỵ - đây là biến chứng của hội chứng truyền máu song thai, xảy ra khi huyết áp của bé sụt giảm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, hai vợ chồng trẻ vẫn quyết định lựa chọn phương án phẫu thuật dẫu nó tiềm ẩn nhiều rủi ro. Và hạnh phúc ngọt ngào cuối cùng đã đến với họ: hai bé gái chào đời vào tháng 7 năm 2018 - sớm hơn 5 tuần so với dự sinh.
Keziah Harvey, 30 tuổi và chồng Jordan, 33 tuổi, được thông báo các con không có khả năng sống sót bởi hội chứng truyền máu song sinh
Hình ảnh siêu âm của cặp song sinh
Hiện tại, Maltida và Felicity đã được 8 tháng tuổi. Cá bác sĩ rất hài lòng trước sự phát triển hoàn toàn bình thường của hai bé, bất chấp những lo sợ trước đây rằng, cả hai có thể bị những tổn thương nặng nề trong não.
Trước đó, bà mẹ trẻ Keziah từng bị sảy thai một lần. Việc thụ thai Maltida và Felicity diễn ra hoàn toàn tự nhiên. Cô chia sẻ: "Nếu không phẫu thuật, khả năng tôi mất con là 95%. Nếu phẫu thuật thì cơ hội sống sót cho hai bé là 30%. Đó thực sự là một cú sốc với chúng tôi. Tôi mới chỉ phát hiện mình đang mang song thai và rồi rất nhanh sau đó, tôi đối mặt với nguy cơ mất cả hai".
Sau đó, Keziah được giới thiệu tới Bệnh viện Phụ nữ Birmingham. Tại đây, bác sĩ khuyên cô thực hiện phẫu thuật cắt bỏ mô bất thường bằng laser ở tuần thai 18. Phẫu thuật này vốn được chỉ định cho các em bé mắc hội chứng truyền máu song thai. Theo đó, bác sĩ sẽ tìm các mạch máu nối giữa hai bé song sinh rồi chặn chúng lại nhằm giúp máu lưu thông đều cho mỗi bé.
Vài tuần tiếp theo trôi qua trong lo lắng sợ hãi. Cách vài ngày, Keziah lại phải đi siêu âm để bác sĩ kiểm tra tiến triển của cặp song sinh.
Cặp song sinh chào đời sớm năm tuần vào tháng 7 năm 2018 nhưng phải trải qua bốn tuần trong phòng chăm sóc đặc biệt dành cho trẻ sơ sinh của Bệnh viện Newcross ở Wolverhampton (Anh)
Bà mẹ trẻ nhớ lại: "Hết lượt siêu âm này tới lượt siêu âm khác đã giúp tôi đủ tinh thần đi tiếp. Tôi chỉ sống để đợi lần siêu âm tiếp theo bởi nó giúp tôi biết được liệu hai con gái bé bỏng của chúng tôi có ổn không".
Tuần thai 24 là một mốc vô cùng quan trọng với gia đình Harvey. Họ sẽ được biết liệu ca phẫu thuật đốt mô bằng laser có gây ra bất cứ tổn thương nào cho não bộ của hai bé không. Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy, một trong hai bé bị đột quỵ trước khi ca phẫu thuật được tiến hành.
Trước những lo ngại của bác sĩ, cặp vợ chồng được hỏi về việc họ có muốn dừng thai kỳ ở đây không. Không cần nghĩ tới lần thứ hai, hai người nhất quyết nói "không".
"Chờ đợi căng thẳng vô cùng đối với chúng tôi. Và nỗi lo lắng lại dấy lên khi bác sĩ thông báo, một trong hai con bị đột quỵ trước ca phẫu thuật đốt mô. Bác sĩ hoàn toàn có thể thảo luận về những vùng não có thể bị tổn thương. Nhưng thực tế là não bộ của bé vẫn đang phát triển. Do đó, đột quỵ chưa hẳn là cái chết cho các bé sơ sinh như trong trường hợp người trưởng thành. Não bộ của bé sẽ học cách hình thành những con đường mới nhằm thay thế một số phần đã bị hủy hoại.
Bất kể hoàn cảnh phải đối mặt có bi đát đến đâu, câu trả lời luôn là 'không' khi chúng tôi được đề nghị suy nghĩ đến việc ngừng thai kỳ. Chúng tôi thực sự không biết tác động lâu dài của vụ đột quỵ đó cho tới khi em bé lớn lên và có thể gặp khó khăn để đạt được một số mốc phát triển nhất định".
Keziah và ông xã Jordan bên hai con
Ở tuần thai thứ 32, vào 29/7/2018, Keziah Harvey sinh hạ hai bé gái sau 10 giờ chuyển dạ và ca phẫu thuật mổ sinh.
Maltida và Felicity sau đó được chuyển tới khoa chăm sóc sơ sinh đặc biệt Bệnh viện Newcross ở Wolverhampton và lưu lại đó 4 tuần.
Mẹ hai bé chia sẻ: "Cảm giác thật cô đơn khi ngồi bên lồng ấp của các con suốt ngày mà không thể làm gì giúp con. Chưa bao giờ bạn có thể hình dung những giây phút quý giá đầu tiên khi trở thành mẹ lại diễn ra như thế.
Chúng tôi chỉ có thể đưa tay mình lên lồng ấp và nắm lấy bàn tay con gái trong chốc lát thôi. Phải đợi tới khi thân nhiệt các con ổn định, chúng tôi mới được bế con.
Thật khó khăn vô cùng khi phải chứng kiến các con với dây nhợ chằng chịt trên cơ thể bé nhỏ".
Các bé gái hiện đang là những em bé tám tháng tuổi khỏe mạnh, mặc dù bác sĩ lo ngại các bé có thể bị tổn thương não và cần phải tập vật lý trị liệu
Nhưng 8 tháng sau, hai bé gái đều lớn lên khỏe mạnh và không có bất cứ biểu hiện gì của việc não bộ bị tổn thương.
Người mẹ hạnh phúc nói: "Maltida và Felicity đã có những tiến bộ tuyệt vời. Cho tới thời điểm này, chuyên gia cố vấn tỏ ra đặc biệt hài lòng với sự phát triển của hai con. Cả hai vẫn được tập vật lý trị liệu nhưng đều ổn thỏa cả. Chúng tôi từng cảm thấy tuyệt vọng trước mọi chuyện đã trải qua. Nhưng là một gia đình là điều tuyệt vời nhất thế gian".
Hội chứng truyền máu song thai là gì?
Đây là hội chứng hiếm gặp nhưng vô cùng nghiêm trọng, có thể xảy ra ở các ca mang thai mà hai bé cùng chia sẻ một nhau thai.
Những kết nối mạch máu bất thường hình thành trong nhau thai khiến máu không thể truyền đồng đều tới cả hai bé.
Một bé sẽ bị thiếu máu, mất nước nghiêm trọng và từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển. Bé còn lại có thể bị huyết áp cao và sản sinh ra quá nhiều nước tiểu. Hậu quả là bàng quang bị phì đại và dư thừa lượng dịch ối, tạo nên áp lực lên tim cặp song sinh và có thể dẫn đến suy tim.
Nếu không được điều trị, hội chứng truyền máu song thai có thể nguy hiểm với cả hai bé.
Hút bớt dịch ối thừa có thể giúp cải thiện tuần hoàn máu.
Nếu biện pháp này chưa đủ hiệu quả, phẫu thuật bằng tia laser có thể được sử dụng để đóng các mạch máu bất thường và làm cho chúng không thể thông sang nhau nữa. Bác sĩ phẫu thuật sau đó sẽ hút bớt dịch ối thừa.
Ngay cả khi được điều trị thành công, phần lớn các bé mắc hội chứng truyền máu song thai trong bụng mẹ đều chào đời sớm hơn dự kiến. Tuy nhiên, các bé chủ yếu có một cuộc sống khoẻ mạnh và tuổi thọ cao.
Nguồn: Dailymail