Mẹ bầu ''mập như heo, ăn cả thế giới'' nhưng thai nhi không hấp thụ, sinh ra vỏn vẹn 1,9kg, cảnh báo mẹ bầu căn bệnh nguy hiểm này
Nhờ sự chăm sóc tận tình của mẹ, bé gái đã lớn lên từng ngày và trở thành một cô bé vô cùng đáng yêu, xinh xắn.
Với mỗi bà mẹ, hành trình mang thai và chăm sóc con luôn là những tháng ngày đặc biệt trong cuộc đời, và với chị Trang (sống tại Sài Gòn), hành trình ấy còn xúc động và đáng nhớ hơn khi hai mẹ con đã trải qua những khoảnh khắc vô cùng khó khăn và vất vả.
Từ lúc biết tin mang thai con gái đầu lòng, chị Trang phải nằm viện suốt cả tháng trời vì doạ sảy. May mắn sau đó mọi thứ dần ổn lại và thai nhi phát triển khoẻ mạnh trong bụng. Suốt thời gian sau đó, chị Trang bắt đầu ăn uống tốt hơn, ăn cả thế giới khiến bà mẹ trẻ ''mập như heo, dáng phì ra'', thế nhưng thai nhi lại không hấp thụ được.
''Một ngày mẹ đi khám thai định kì thì bàng hoàng khi được bác sĩ thông báo mẹ bị huyết áp cao thai kì. Ngay sau đó, mẹ về giảm chế độ ăn, không ăn muối, mỗi món ăn đều nhạt nhẽo như cuộc đời mẹ vậy.
Mẹ còn nhớ những bữa trời mưa tầm tã, mẹ mang bầu con đi trên chiếc xe, trời mưa, ngập lụt, mẹ thì không thấy đường, chẳng hiểu chạy xe kiểu gì mẹ qua đường bên kia, bị chửi quá trời rồi mới tỉnh, lúc đó mẹ chỉ mong con bình an. Rồi những đêm ngủ 1 mình mẹ bị đau bụng, sợ hãi, cô đơn và tủi thân, ba con thì xa 2 mẹ con mình cả 1000km, lúc đó chỉ tự an ủi bản thân.
Từ cô bé nặng 1,9kg, con gái chị Trang đã lớn lên rất khoẻ mạnh.
Rồi cũng tới ngày mẹ lâm bồn, 3h sáng mẹ và bà nội con lịch kịch đưa nhau đi bệnh viện cách nhà 40km, vào tới viện huyết áp mẹ tăng cao phải nằm phòng cách ly, người nhà không ai được vào. Mẹ vật vã đau bụng, lên cơn sốt, mà chỉ có 1 mình. Hình như cuộc đời mẹ gắn liền với từ 1 mình hay sao ấy...
Thật ra mẹ chịu đau rất dở ấy vậy mà ngày hôm đó mẹ cảm thấy mẹ thật là siêu nhân. Vật vã cả 1 ngày thì bác sĩ nói mẹ không sinh thường được, vì sợ mẹ lên cơn co giật. Ấy vậy mà ông trời thương mẹ rặn con 3 phát thì ra, nhưng mà con nhỏ quá, chỉ vỏn vẹn 1,9kg phải nằm phòng dưỡng nhi, bình thường khi sinh ra sẽ được da kề da với mẹ, còn con với mẹ mỗi người một nơi...
Theo lời khuyên của chị Trang, các bà mẹ nên đi khám thai định kỳ để phát hiện bệnh sớm nhất có thể.
Nhưng bây giờ mọi khó khăn đã qua, con gái bé nhỏ của mẹ đã lớn. Tuy rằng bây giờ con đã 9 tháng mà mới được có 6kg nhưng con khoẻ mạnh là mẹ đã biết ơn cuộc sống này lắm rồi, cùng nhau cố gắng nhé con gái, cô công chúa mạnh mẽ của mẹ'', chị Trang tâm sự.
Nhiều mẹ bỉm gửi lời chúc mừng đến chị Trang vì hai mẹ con đã cùng nhau vượt qua những giờ phút khó khăn nhất trong cuộc đời. Con gái chị Trang ngày càng xinh xắn, đáng yêu, dù nhẹ cân nhưng ai cũng nhận xét bé rất lém lỉnh, thông minh.
Bệnh huyết áp cao thai kỳ nguy hiểm thế nào?
Tăng huyết áp thai kỳ, còn được gọi là tăng huyết áp do mang thai (PIH) là một bệnh lý thường xảy ra nhất trong thai kỳ. Tăng huyết áp khi mang thai ảnh hưởng đến khoảng 5-10% phụ nữ mang thai. Bệnh nếu không được phát hiện sớm, kiểm soát hoặc điều trị kịp thời sẽ nguy hiểm cho cả thai nhi và mẹ.
Triệu chứng của tăng huyết áp thai kỳ
Mỗi phụ nữ có thể gặp các triệu chứng khác nhau và một bệnh nhân bị tăng huyết áp thai kỳ cũng có thể hoàn toàn không có triệu chứng. Các triệu chứng có thể bao gồm:
- Cao huyết áp.
- Thiếu hoặc có protein trong nước tiểu (để chẩn đoán tăng huyết áp thai kỳ hoặc tiền sản giật).
- Phù (sưng).
- Tăng cân đột ngột.
- Thay đổi thị giác, nhìn mờ đi.
- Buồn nôn ói mửa.
- Đau bụng bên phải hoặc đau thượng vị.
- Đi tiểu ít.
- Thay đổi xét nghiệm chức năng gan hoặc thận.
Điều trị tăng huyết áp thai kỳ
Điều trị cụ thể cho tăng huyết áp thai kỳ sẽ được xác định bởi bác sĩ của bạn dựa trên các cơ sở: Mang thai, tuổi thai, sức khỏe tổng thể và lịch sử y tế; Mức độ của bệnh; Khả năng đáp ứng đối với thuốc, hoặc liệu pháp cụ thể.
- Điều trị không dùng thuốc: Điều trị không dùng thuốc trong thai kỳ có vai trò hạn chế với các thử nghiệm ngẫu nhiên về chế độ ăn và thay đổi lối sống, cho thấy ảnh hưởng ít lên kết cục thai kỳ. Tập thể dục thường xuyên có thể được tiếp tục thận trọng và phụ nữ béo phì (≥ 30kg/m2) cần được tư vấn tránh tăng cân hơn 6,8 kg.
- Điều trị dùng thuốc: Với mục đích điều trị tăng huyết áp để giảm nguy cơ cho mẹ, các thuốc hạ áp được chọn lựa phải hiệu quả và an toàn cho thai nhi.