Mầm non ở Nhật: Chuyện đóng học phí lẻ đến từng xu và "quà cáp" cho cô giáo

Mẹ Masao ,
Chia sẻ

Cho con đi học mầm non ở Nhật, tôi nhận ra một sự thực thú vị rằng: ngay cả tôi cũng liên tục "ố, á" bởi nền giáo dục này.

Từng có 6 năm sinh sống cùng gia đình tại Nhật nên mẹ Masao có cơ hội được trải nghiệm rất nhiều về văn hóa, xã hội trên đất nước mặt trời mọc. Và từ khi bé Masao hơn 1 tuổi, mẹ Masao còn có thêm cơ hội trải nghiệm "công việc" của một người mẹ có con đi học mẫu giáo. Những cảm nhận và chia sẻ chân thực của mẹ Masao hẳn sẽ khiến chúng ta có một cái nhìn khác về hệ thống giáo dục mầm non ở Nhật Bản.


Tiền thu rất lẻ

Người Nhật có thói quen chia tiền ra các mục vào các loại phong bì, từ cơ quan công sở tới gia đình đều duy trì tập quán này. Cho con đi học, tôi được mục sở thị, hóa ra ngay cả thu tiền học cho bé ở trường mầm non cũng vậy.

Giáo dục mầm non ở Nhật
Phụ huynh đóng tiền học cho con phải chính xác đến từng xu tiền lẻ, không được thừa hay thiếu. 

Sau nửa tháng đi học, chúng tôi bắt đầu phải đóng các loại chi phí cho bé trong tháng đó. Nhà trường phát cho mỗi phụ huynh 3 chiếc phong bì, mỗi phong bì sẽ đựng 3 loại phí khác nhau: Một phong bì gồm tiền chi phí của trường, tiền mua sách truyện tranh và tạp chí giáo dục cho bé; Một phong bì gồm tiền học (tiền này được quy định bởi nhà nước, và được tính phân phối dựa trên thu nhập của phụ huynh); Và một phong bì gồm tiền kẹo vitamin bổ sung cho bé mỗi ngày. Các khoản tiền vì thế được kê khai rất rõ ràng, minh bạch, và được thuyết minh đầy đủ.

Khi cho tiền vào từng phong bì, chúng tôi được hướng dẫn cho đúng số tiền cần thu, không thừa, không thiếu một đồng. Tiền đôi khi rất lẻ, có cả tiền giấy lẫn tiền xu mệnh giá nhỏ. Tôi vẫn nhớ rõ, khi ngồi đếm tiền để nộp cho con, vì thiếu tiền xu mà đêm hôm tôi lại phải ra cửa tiệm tạp hóa mua một cốc nước để có đủ số tiền chuẩn cần thiết.

đóng tiền học ở Nhật
Nhà trường phát cho mỗi phụ huynh 3 chiếc phong bì, mỗi phong bì sẽ đựng 3 loại phí khác nhau.

Ngày hôm sau, tôi hăm hở cầm tiền lên định đóng học cho bé, những tưởng phải vào văn phòng, thì ngay cửa lớp cô giáo phụ trách đã vui vẻ khẳng định chỉ việc đưa cho cô là xong. Tôi ngơ ngác tự nhủ, “vậy ra không cần kiểm kê, không cần hóa đơn chứng từ gì sao?”. Sau này mới nhận ra, việc thu tiền theo phong bì như vậy, vừa giúp tiết kiệm thời gian và nhân công của nhà trường (thu tiền, trả tiền lẻ, viết biên lai…) mà các khoản thu cũng dễ dàng được gom riêng lại một chỗ luôn. Các phụ huynh gửi con đi học đưa đón bằng xe bus cũng không cần cất công tới trường nộp tiền. Mọi thứ, từ tiền bạc trở đi, đều dựa trên sự chỉn chu, cẩn thận, tuy có chút phức tạp ban đầu, nhưng sẽ thật dễ dàng và nhanh chóng về sau. 

Các bé tự làm việc của bản thân mình
 
Sáng nào đưa con đi học, tôi cũng có lúc đứng cười thầm một mình với hình ảnh ngộ nghĩnh: Em bé mới ba tuổi, lũn cũn đi mang vác lễ mễ những túi đồ dùng hàng tuần, cặp sách đựng đồ sinh hoạt trong ngày sau lưng, bình uống nước dài bằng nửa người, trông sao mà tất bật. Nhưng không chỉ em bé của tôi, mà em bé Nhật nào tới trường cũng vậy. Ngay từ bé, trẻ đã được rèn luyện việc tự mang và tự quản đồ đạc của bản thân. Khi tới trường, các bé tự cởi giày và thay giày vận động trong nhà, tự sắp đồ vào các ngăn đồ cá nhân và thay áo khoác ngoài bằng chiếc áo mặc ở trường. Trong ngày, khi chơi, vận động hay tới giờ ăn, các bé cũng được hướng dẫn cho tới khi tự giác cất dọn sách vở, bàn ghế vào đúng nơi quy định. 

Giáo dục mầm non ở Nhật
Một em bé tự mang đồ đi học.

Mỗi khi tới đón con, tôi và các bà mẹ khác thường đứng dưới dàn cây tử đằng ở góc sân trường, có khoảng cách khá xa với cổng vào của lớp học, một phần để các cô kiểm soát việc ra vào của các bé và cũng đề các bé có không gian tự thay giày và đeo đồ đạc cá nhân của mình trở ra. Có hôm đi đón con, bé mải chạy ra sân chơi, tôi cầm giúp bé túi xách trở ra xe, hôm sau cô giáo đã nhắc nhẹ nhàng: Mẹ Masao hãy để bé nên tự mang đồ của mình. Và chuyện rất vui là không chỉ mình tôi, mà khoảng 3 bà mẹ nước ngoài khác, cũng từng chia sẻ câu chuyện “vì lỡ xách đồ hộ con mà được cô nhắc nhở” này.

Chớ gửi quà cho giáo viên, dù là quà bánh

Một người quen của tôi sống ở Shikoku kể lại: Con chị đi trẻ, được trường đưa tới giao lưu với trại dưỡng lão. Các bé được tham gia nhổ khoai cùng ông bà, và cầm khoai tươi ngon mang về. Mẹ bé cảm động, làm bánh khoai mang tới biếu cô phụ trách. Chiều hôm ấy, từ cô hiệu trưởng tới cô bếp, các cô giáo khác đều cúi rạp người cảm ơn vì món bánh của mẹ. Món bánh đã được chia đều cho tất cả mọi người.

Câu chuyện ấy khiến tôi rất đồng cảm. Theo lệ, tôi từng chuẩn bị một hộp socola như chút quà mọn để mang tới lớp cho bé ngày trở lại trường sau một thời gian về Việt Nam. Cũng giống trường hợp nói trên tất cả các cô giáo đều ráng gặp tôi một lân để cúi đầu gửi lời cảm ơn. Hộp bánh đã được chia đều, không ai nhận riêng phần mình. Và tôi cũng tự hiểu rằng, lần đó là vì mình “có cớ” để hành lễ, ngoài ra phụ huynh nên hạn chế gửi quà tới trường của con.

Việc gửi quà cho nhà trường và thầy cô ở Nhật, dù bạn vô tư hay thật lòng biết ơn giáo viên đã tận tâm vì con cái mình cũng là điều không nên. Ở Nhật, khi bạn tặng quà dù ít hay nhiều cho giáo viên, riêng tư hay tập thể, về nguyên tắc sẽ không giáo viên nào nhận, bởi không bàn tới bổn phận của nghề giáo hay tình cảm của phụ huynh, việc gửi trao quà tới các cô các thầy là một cách “đẩy giáo viên vào thế khó”. Không một giáo viên nào muốn nhận tình cảm đặc biệt nào đó từ phía học sinh hay gia đình nào, để từ đó họ buộc phải cảm thấy phải ưu tiên hay chú ý tới em bé đó hơn. Mọi trẻ đi học đều cần được giáo dục và đối xử với nền tảng công bằng như nhau. 
Chia sẻ