Kích hoạt não giữa dưới góc nhìn của chuyên gia: Những lớp học vô bổ!
Bịt mắt đọc sách, đoán màu sắc hay làm toán… là những điều mà một đứa trẻ ở lớp học kích bán cầu não giữa có thể làm được. Nhưng để làm gì và hậu quả thế nào?
Những lớp học tạo ra “thần đồng”
Kích hoạt não giữa là thuật ngữ dùng để chỉ hoạt động kích hoạt các siêu giác quan của con người. Mục đích hướng đến của phương pháp này là “giáo dục não toàn diện”, tạo nên sự đột phá về trí thông minh cho một đứa trẻ.
Những đứa trẻ bịt mắt vẫn có thể sắp xếp các tấm bảng cùng màu sắc lại với nhau.
Kích hoạt não giữa ở nhiều nơi trên thế giới còn được gọi bằng những cái tên như "nhắm mắt đọc", "nhắm mắt học bài" hay "nhắm mắt nhìn" bởi vì những người tham gia luôn phải bịt mắt lại trong suốt chương trình đào tạo. Thông qua các lớp học này, những đứa trẻ được cho là sẽ có IQ cực cao, học nhanh hơn và kỹ năng tốc độ tính toán như máy tính. Khoảng trống trong não bộ cũng được tận dụng tối đa để tăng cường khả năng ghi nhớ, sự tập trung, cân bằng và cảm xúc.
Gần đây, một số trung tâm kích hoạt não giữa cũng đã đặt nền móng tại Việt Nam, mở ra nhiều lớp học ở một số tỉnh thành và đặc biệt là Hà Nội, Sài Gòn.
Chơi cờ dù đang bịt kín mắt.
Trẻ cũng có thể đoán tên chính xác đồ vật dù chẳng nhìn thấy gì.
Phương pháp này hiện đang gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng. Một số phụ huynh lên tiếng ngờ vực về hiệu quả thực sự mà nó mang lại, nhiều người khác lại e ngại ảnh hưởng đến tâm lý, những khả năng khác của con em mình...
Không có tổ chức khoa học nào thừa nhận phương pháp kích hoạt não giữa
Qua tìm hiểu, Tiến sỹ Trần Thành Nam, Giảng viên trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội), chuyên nghành Tâm lý học lâm sàng trẻ em và vị thành niên cho biết phương pháp kích hoạt não giữa chưa từng được các nước có nền khoa học phát triển như Anh, Mỹ, Pháp, Singapore thẩm định về chuyên môn. Ngoài ra cũng chưa tìm được tài liệu nghiên cứu nào khẳng định tác động của nó đến năng lực vượt trội của trẻ.
TS Nam cũng chỉ ra những hệ lụy khó lường của phương pháp kích hoạt não giữa này, đó là nó khiến trẻ hoặc ảo tưởng về năng lực của mình, hoặc bị áp lực về năng lực đó. Chưa kể trẻ có thể sử dụng năng lực đó vào những mục đích cá nhân không chính đáng.
Theo TS Nam, mỗi đứa trẻ có một nền tảng khác nhau, lại có một quy trình phát triển khác nhau. Bố mẹ nên dựa vào năng lực và thiên hướng của trẻ để tạo điều kiện cho con được tiếp cận với các hoạt động trải nghiệm và các môn học khác nhau.
Kích hoạt não hay tạo ra những đứa trẻ lập dị và trầm cảm?
Theo Tiến sỹ Vũ Thu Hương, chuyên gia tâm lý trẻ em, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học, trường ĐH Sư phạm Hà Nội: “Khoan bàn đến vấn đề hiệu quả vì sẽ cần phải kiểm chứng nhiều. Tuy nhiên, hậu quả về mặt tâm lý và xã hội là có thể thấy được rõ ràng.
Thử tưởng tượng bạn là một đứa trẻ đang ngồi trong phòng kín, bị cấm sử dụng tất cả những bộ phận khác trên cơ thể, trừ một cái đầu, thì có thể thấy được sự ức chế, căng thẳng mà những đứa trẻ này phải nhận. Lâu dần tích tụ sẽ khiến đứa trẻ có cảm giác muốn phát điên vì mệt mỏi, ngại giao tiếp và thậm chí có thói quen chỉ dùng mỗi cái đầu ngồi một chỗ suy nghĩ...
Tiến sỹ Vũ Thu Hương: "Một chút kiến thức được học đấy nếu có cũng chẳng là gì so với tất cả những gì các em cần trong cuộc sống!".
Sức ép gia tăng cũng khiến não bộ phải hoạt động sai nguyên tắc, dẫn đến những ảnh hưởng về sự phát triển, thậm chí là khả năng hoạt động dẫn đến nhiều căn bệnh như: trầm cảm, thiếu khả năng kiểm soát chi phối của não bộ, thậm chí là dẫn đến tâm thần phân liệt. Trẻ có thể sẽ có những biểu hiện như hỗn láo với bố mẹ, bỏ nhà đi chơi… vì không được giáo dục đạo đức. Hay làm gì cũng kém, thêm tự ti với những người xung quanh… vì không được rèn luyện kỹ năng.
Lâu dần, trẻ sẽ có thể sẽ cảm giác bị cô lập, trở nên tách biệt trong cộng đồng.
Phụ huynh cho con lao đầu vào trong các lớp học kích bán cầu não giữa đó, hiệu quả chưa biết thế nào (nếu có cũng là chút đỉnh), mà hậu quả hoàn toàn có thể có, lại chẳng giúp gì cho sự thành công của con, thì chắc chắn là một việc làm rất vô bổ.”
TS Hương khẳng định: "Một con người trưởng thành muốn thành công cần rất nhiều yếu tố thuộc 3 lĩnh vực: kiến thức, kĩ năng, tư cách đạo đức sống. Mà tại các lớp học này, cũng chỉ giải quyết được một phần tí ti trong khối lượng khiến thức bao la. Còn khoảng thời gian bó buộc trong đó lại tước đi của trẻ những cơ hội được rèn luyện kỹ năng, được giáo dục về tư cách, đạo đức sống…".