TS Vũ Thu Hương: "Tôi thấy các mẹ dở hơi lắm"
TS Vũ Thu Hương, giảng viên khoa Giáo dục tiểu học (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ: "Hiện nay tôi thấy các mẹ dở hơi lắm. Có mẹ con còn đang ẵm ngửa đã đem thẻ chữ ra dạy rồi đợi con lớn sẽ thông minh".
Theo lập luận của TS Hương: "Quan trọng là dạy con sống tử tế, sao cứ đè con ra dạy chữ thế. Nhiều mẹ Việt phát sốt vì các phương pháp giáo dục trẻ thông minh từ 0-6 tuổi của Nhật. Theo tôi ở đây người Nhật họ tử tế hơn mình chứ không phải thông minh hơn mình".
Dưới đây là nội dung chia sẻ của TS Vũ Thu Hương:
"Chúng ta ai cũng biết thời điểm vàng của con rơi vào từ 0 đến 6 tuổi. Thời gian này, các con như miếng bông thấm nước, bất kể cái gì cũng có thể nhập vào. Tuy nhiên, cơ chế thu nhận của con là gì?
Các bạn hưởng ứng giáo dục sớm cho tôi hỏi: Các bạn quảng cáo dạy trẻ tư duy lúc 0 tuổi, vậy theo các bạn lúc 0 tuổi trẻ đã tư duy logic rồi sao? Nếu tư duy được sao bọn trẻ chẳng biết ai là mẹ chúng? Có trường hợp nhặt nhầm con 40 năm mà con vẫn tưởng người nuôi dưỡng mình là mẹ đẻ đấy, vậy nếu có tư duy logic, sao đứa trẻ không nhận ra rằng người nuôi mình ko phải là mẹ đẻ?
Vậy khả năng đó của trẻ có từ bao giờ?
Theo như tôi được học từ sách vở và các nghiên cứu khoa học tâm lý trẻ thì trẻ hoàn toàn KHÔNG CÓ KHẢ NĂNG TƯ DUY LOGIC TỪ 0 – 6 TUỔI, khả năng này của trẻ chỉ bắt đầu phát triển từ 7 tuổi và sẽ kết thúc lúc 11 tuổi.
Như vậy, việc dạy tư duy logic cho trẻ quá sớm liệu có giá trị gì không hay chỉ là vô ích mà phần nào khiến trẻ mệt não do phải cố gắng làm việc quá sức?
Khả năng nổi trội của trẻ tầm tuổi này có thể nói đến là cảm nhận. Chúng cảm nhận vô cùng tốt. Nếu như người lớn dễ dàng lừa bịp nhau bằng các câu nói dối khác nhau thì thường chúng ta không thể lừa được trẻ.
Có thể chúng không đủ lí lẽ để bắt bẻ ta nhưng lại cảm nhận được rõ sự khác biệt trong tâm lý và câu nói của cha mẹ. Cũng vì thế, trẻ học hỏi bố mẹ rất nhanh và học đêm ngày. Từng câu nói vô thức, từng cử chỉ hành động, từng cảm xúc tâm lý, trẻ đều có thể cảm nhận và thu như chiếc tivi. Vì vậy, chẳng khó khăn gì để nhận ra những em bé có nét tính cách tương đồng với cha mẹ chúng. Cũng vì vậy, nếu giao phó con mình cho ô sin, chắc sau này chúng ta sẽ có những đứa con giống mấy bạn ô sin đó hơn cha mẹ ruột của bé.
Cũng chính vì lí do này, dù khả năng tư duy logic không có, trẻ vẫn có thể học chữ, học ngoại ngữ, và đủ thứ rất tốt. Chúng cảm nhận mọi thứ từ giọng nói, âm điệu, và nhiều khi nói như vẹt mà chẳng hiểu mấy về ngữ nghĩa.
Tôi vẫn nhớ hồi nhỏ xíu, tôi cứ gọi thằng em họ là đứa con “tương lai” của ông chú ruột - mặc dù nó đã ra đời được 1, 2 năm. Hiểu biết ngữ nghĩa của trẻ là kém, chúng lặp lại như cái cassette mọi thứ và nhiều khi làm người lớn nhầm tưởng là chúng hiểu hết.
Do vậy, khả năng học ngoại ngữ của trẻ tầm này là rất tốt. Tuy nhiên, chúng chẳng hiểu mấy về ngữ nghĩa nên sau đó có thể sử dụng lung tung mà không biết mình đang nói gì.
Một điều quan trọng nữa là trẻ ghi nhớ khác chúng ta. Nếu nhìn 1 bức tranh toàn cảnh, người lớn sẽ chỉ để ý đến những dấu ấn nổi trội trên bức tranh còn trẻ thì lại ghi nhớ như máy ảnh, chụp tạch 1 cái. Vì thế, đôi khi chúng làm ta ngạc nhiên vì đã kể lại 1 chi tiết nhỏ xíu mà ta hoàn toàn không chú ý. Điều đó là do khả năng cảm nhận và ghi nhớ của trẻ chứ không phải là đứa bé đó thông minh hơn đứa bé khác.
Duy có 1 điều các cha mẹ cần lưu ý, trí nhớ ngắn hạn của trẻ thì siêu tốt (nghĩa là ghi nhớ thật nhanh với lượng ít ít thông tin) và trí nhớ dài hạn của trẻ lại kém. Chúng ta thường thấy trẻ lặp lại như vẹt 1 thông tin gì đó vừa học nhưng nếu sau 1 tháng nhắc lại thì thấy trẻ hoàn toàn không nhớ gì. Điều này cũng thể hiện ở tình trạng có nhiều em bé học trước quên sau, hoặc lặp lại tội lỗi đã từng bị phạt nhiều lần.
Có nhiều nghiên cứu đã chứng minh, tư duy logic đi kèm với trí nhớ dài hạn. Nếu vậy thì phải tầm từ 7 tuổi trở lên thì trí nhớ dài hạn của trẻ mới đủ nhiều để ghi nhớ dài lâu một kỉ niệm hay bài học nào đó.
Cũng chính vì vậy, tuổi đi học của trẻ là lên 6. Tầm đó trẻ học chữ là vừa. Trẻ sẽ như mở rộng não bộ để tiếp thu những gì chúng được học. Tầm 6 tuổi cảm nhận vẫn rất tốt và trí nhớ dài hạn đã phát triển hơn nên các cháu không quên nhanh như lúc bé nữa. Vì thế, lúc này học thật tuyệt, các cháu học nhanh và ghi nhớ cũng lâu.
Các vị phụ huynh có thể nhận ra rằng chương trình lớp 1 chẳng có gì là tư duy logic cả. Toàn bộ chương trình vẫn được thiết kế dựa vào khả năng quy nạp thông tin của trẻ bằng cảm nhận. Vì thế, trẻ học nhẹ nhàng vô cùng. Và cũng vì thế, nếu ép trẻ học thêm, khả năng cảm nhận có thể bị ảnh hưởng do bị ức chế thần kinh.
Cấp 1 là cấp trẻ vẫn học bằng cảm nhận là phần nhiều. Những cháu “khá giỏi” mới làm thêm các bài toán khó (thực ra khá giỏi ở đây là khả năng tư duy logic của trẻ phát triển sớm hơn bạn bè), còn các cháu khác vẫn cảm nhận và ghi nhớ dần dần kiến thức mà thôi. Chính vì vậy, thời gian này mà ép trẻ học quá nhiều, thời lượng quá lớn và không khí quá u ám thì sẽ khiến trẻ ức chế thần kinh và gây ảnh hưởng đến khả năng cảm nhận bài học của trẻ.
Lên cấp 2, tư duy logic đã phát triển hoàn thiện, lúc này trẻ có thể ghi nhớ bài học dài hơn nhiều, vì thế, lượng bài tập cũng nhiều hơn, thầy cô cũng áp lực hơn để trẻ quen dần với cuộc sống khó khăn khi trưởng thành. Dĩ nhiên, cấp 2 là cấp học của tuổi dậy thì, nếu áp lực quá lớn có thể khiến trẻ ức chế không chịu được và lại bùng nổ.
Như vậy, trẻ bắt đầu học ngoại ngữ từ cuối cấp 1 đầu cấp 2 là hợp lý: Khả năng cảm nhận vẫn tốt, tư duy logic đã có và trí nhớ dài hạn đã hoàn thiện. Lúc này trẻ sẽ khó quên kiến thức hơn thời tiểu học.
Tôi không bảo là không cho trẻ học ngoại ngữ. Tôi chỉ nói nên bắt đầu muộn hơn vì thực tế là học sớm rồi trẻ cũng quên nhanh. Cho trẻ tuổi 0 - 6 học kĩ năng sống, đạo đức sống và luyện liên tục sẽ tạo nền tảng tốt cho trẻ hơn là học ngoại ngữ, hay giáo dục sớm lúc này để rồi lại quên và lên cấp 1, 2 thì lặp lại từ đầu."
"Mong nhận phản ứng nhẹ nhàng của mọi người" - TS Hương nói sau phần chia sẻ quan điểm.