Giữa đêm tỉnh giấc, cảm giác có ai đó đang theo dõi mình, mẹ trẻ nhìn ra cửa phòng thì chứng kiến cảnh tượng "lạnh sống lưng"
Mỗi lần tỉnh giấc vào lúc nửa đêm, mẹ bỉm lại chứng kiến cảnh tượng "đau tim" này.
Nhiều gia đình hiện nay bắt đầu cho con cái ngủ riêng từ sớm để rèn luyện tính tự lập cho bé. Thông thường, độ tuổi các bé được ngủ riêng một phòng mà không có bố mẹ ở bên rơi vào khoảng 4 hoặc 5 tuổi. Tuy nhiên, vì đã quen có bố mẹ ở cạnh hoặc chưa dám ngủ một mình nên nhiều bé giữa đêm vẫn gào khóc chạy đi tìm bố mẹ gây nên những trường hợp dở khóc dở cười như trong tình huống dưới đây.
Cụ thể, bà mẹ trẻ kể lại: "4 tuổi bắt đầu ngủ riêng giường, bây giờ 5 tuổi huấn luyện cho ngủ riêng phòng nhưng cứ nửa đêm nó lẻn sang phòng bố mẹ đứng nhìn chằm chằm như thế này đây. Đêm thì sang sờ ngón chân bố, đêm thì đứng cuối giường, đêm thì đứng đầu giường. Rất nhiều pha muốn đột quỵ với nó".
Nhìn dòng chia sẻ và bức ảnh cô bé đứng ở cửa phòng trong bóng tối khiến ai nấy vừa sợ vừa giật mình. Toàn bộ mặt và người của bé tối đen, có mỗi đôi mắt là sáng, cảnh này cứ diễn ra thường xuyên ai cũng đoán có lẽ sẽ khiến bố mẹ bé "hết hồn".
"Nhìn mà chỉ biết ôm bụng cười ngặt nghẽo, hơn cả xem phim ma ban đêm, nghĩ đang lơ mơ ngủ mà thấy cảnh này chắc sợ ngất mất", "con gái biết trêu bố mẹ thế, nhìn thế này khéo tỉnh ngủ luôn chứ còn tâm trạng nào mà ngủ nữa cơ chứ"... dân mạng bình luận.
Việc rèn ngủ cho bé thường sẽ phải mất một thời gian khá dài. Với những gia đình có trẻ ngủ riêng từ sớm thì mọi việc có lẽ sẽ dễ dàng hơn. Tuy nhiên, với nhiều gia đình cho con ngủ chung vì việc để trẻ tách ra ngủ riêng sẽ mất một khoảng thời gian khá dài, bố mẹ cần phải kiên trì thì mới thành công được.
Bí quyết tập cho bé ngủ riêng
Dưới đây là một số cách bố mẹ có thể áp dụng nếu muốn cho bé ngủ riêng:
- Dùng những lời lẽ dịu dàng để thuyết phục bé: Những lời nói khiển trách thường không hiệu quả trong việc tập cho bé ngủ riêng. Thay vì dùng lời lẽ không hay, bạn nên sử dụng giọng điệu dịu dàng để dỗ dành bé, chẳng hạn như: "Đã đến lúc con nên ngủ một mình vì bây giờ con đã lớn rồi".
- Dạy con tính độc lập: Trẻ em không thể ngủ được nếu thiếu bố mẹ bên cạnh. Do đó, hãy từ từ tập cho con cách ngủ một mình. Nếu bé muốn bạn nằm chung để ngủ, đầu tiên hãy đồng ý và ngồi trên giường của trẻ. Sau đó, bạn từ từ di chuyển đến ngồi ở một chiếc ghế trong phòng trẻ. Cuối cùng, hãy biến mất hoàn toàn khỏi phòng. Cách này sẽ mất khoảng vài ngày hoặc thậm chí lâu hơn nhưng lại đem đến hiệu quả.
- Không nên nóng vội: Đối với trẻ nhỏ, ngủ một mình là một bước tiến lớn. Vì vậy, bạn cũng đừng vội vàng muốn đạt kết quả ngay nhé. Hãy thực hiện từ từ tùy thuộc vào khả năng của con. Điều này có thể mất vài tuần nhưng nếu nóng vội, những nỗ lực của bạn sẽ có khả năng thất bại.
- Cố gắng duy trì thói quen: Bạn phải nói "không" với trẻ, ngay cả lúc 2 giờ sáng. Nếu bé vào phòng bạn và xin ngủ chung, hãy từ chối. Dẫn trẻ trở lại phòng ngủ và dỗ trẻ ngủ lại.
- "Ưu đãi" cho trẻ: "Mẹ muốn con ngủ một mình? Vậy con sẽ được gì từ điều này?". Đó là điều đang diễn ra trong suy nghĩ của trẻ. Bạn có thể thử tặng con một món đồ chơi, một món ăn yêu thích để con chịu ngủ một mình.
- Hãy hiểu nỗi sợ hãi của trẻ là có thật: Đối với trẻ nhỏ, ngủ một mình thật đáng sợ. Khi bé nói với bạn về những con quái vật trong phòng, hãy lắng nghe con nói. Đừng xem thường nỗi sợ hãi đó, hãy tìm cách giúp trẻ phân tâm để không còn chú ý đến việc phòng ngủ có gì. Bạn có thể dùng gấu bông để xung quanh giường con và nói rằng đây sẽ là những vệ sĩ bảo vệ con đêm nay. Sau đó, hát ru hoặc đọc sách cho trẻ nghe để con từ từ chìm vào giấc ngủ.
- Thể hiện sự yêu thương: Đa số trẻ nhỏ đều mong muốn được đi ngủ trong sự ôm ấp, vỗ về của bố mẹ. Vì vậy, bạn hãy ôm, hôn và làm tất cả mọi thứ để trẻ cảm thấy được yêu thương và bảo vệ. Điều này sẽ rất hữu ích trong việc tập cho bé ngủ riêng.