Đây mới chính xác là điều trẻ con cần bố mẹ làm mỗi khi chúng giận dỗi
Nếu cơn giận dỗi của trẻ xuất hiện thường xuyên và nghiêm trọng, các bậc phụ huynh cần tìm ra nguyên nhân và cách giải quyết sớm nhất có thể.
Mỗi lần trẻ giận dỗi có thể khiến bố mẹ lo lắng, mệt mỏi, thậm chí tuyệt vọng; nhưng trên thực tế, đó là điều hoàn toàn bình bình thường trong quá trình phát triển của trẻ nhỏ. Trong hầu hết trường hợp, giận dỗi đơn giản chỉ là cách trẻ biểu đạt cảm xúc bối rối, thất vọng và kiểm nghiệm giới hạn chịu đựng của cha mẹ; nhưng phương thức thể hiện cảm xúc đó khác nhau ở mỗi trẻ, từ rên rỉ, khóc lóc, gào thét đến đấm, đá và nín thở,…
Hãy xem những đứa trẻ muốn bố mẹ làm gì khi chúng rơi vào trạng thái giận dữ.
1. Bình tĩnh và vẫn quan tâm tới trẻ
Mỗi lần giận dỗi, trẻ không chỉ đá, gào khóc và giậm chân uỳnh uỳnh mà còn có thể ném vứt đồ vật, đánh đấm và nín thở đến khi mặt mày tái nhợt. Việc cha mẹ rời khỏi phòng có thể khiến trẻ có cảm giác bị bỏ rơi. Trạng thái tâm lý khi đó có thể khiến trẻ rất hoảng sợ, và trẻ sẽ rất yên tâm nếu biết có cha mẹ bên cạnh.
Trẻ sẽ chỉ càng hoảng loạn nếu cha mẹ cũng mất bình tĩnh (Ảnh minh họa).
Một vài chuyên gia cũng cho biết, nếu quá mệt mỏi và chán nản với tình huống của trẻ, các phụ huynh hãy bình tĩnh rời khỏi phòng trong một vài phút và quay trở lại sau khi trẻ đã ngừng khóc. Bằng cách duy trì sự bình tình, cha mẹ cũng sẽ giúp trẻ giữ bình tĩnh.
2. Không thỏa hiệp khi trẻ giận dỗi
Cho dù cơn giận dỗi của trẻ kéo dài bao lâu, cha mẹ không bao giờ nên thỏa hiệp với những đòi hỏi vô lý của trẻ hay cố gắng “đàm phán” với đứa trẻ đang gào khóc. Điều này dễ xảy ra nhất là ở nơi công cộng khi bố mẹ chịu sức ép của những người xung quanh.
Nếu thỏa hiệp, cha mẹ sẽ dạy cho trẻ rằng giận dỗi là cách tuyệt vời để có được thứ bản thân muốn – tư tưởng sai lầm này sẽ “châm ngòi” cho những xung đột sau này.
Nếu cơn giận dỗi của trẻ dần nghiêm trọng đến mức trẻ đánh đấm mọi người hoặc thú cưng, vứt ném đồ vật hoặc gào thét không ngừng, cha mẹ đưa trẻ đến một nơi an toàn, như phòng ngủ của trẻ. Nói với trẻ lý do trẻ ở đó và tạo cho trẻ cảm giác rằng cha mẹ sẽ luôn ở bên cạnh đến khi trẻ lấy lại bình tĩnh.
Nếu ở nơi công cộng, cha mẹ cần sẵn sàng rời đi cùng trẻ bất kỳ lúc nào đến khi trẻ bình tĩnh.
3. Cùng trẻ "nghỉ ngơi"
Thỉnh thoảng cùng trẻ "nghỉ ngơi" để điều tiết cảm xúc tốt hơn khi giận dỗi. Phương pháp này có thể hiệu quả nếu cơn tức giận của trẻ đặc biệt gay gắt và các phương pháp khác không có tác dụng. Đặt trẻ ở một nơi yên tĩnh trong một khoảng thời gian ngắn có thể là cách hiệu quả để dạy trẻ tự lấy lại bình tĩnh.
Nhưng trước đó, cần giải thích điều cha mẹ đang làm (“Con sẽ có thời gian thư giãn một lúc để bình tĩnh lại và mẹ sẽ ở ngay bên cạnh con”) và giúp trẻ hiểu trẻ không bị phạt.
4. Trò chuyện với trẻ sau khi trẻ hết giận dỗi
Khi cảm xúc của trẻ dần ổn định, cha mẹ hãy ôm trẻ thật tình cảm và trò chuyện với trẻ về những gì đã xảy ra. Cùng trẻ thảo luận về cảm xúc giận dữ bằng những từ ngữ đơn giản và thừa nhận tậm trạng bối rối của trẻ. Giúp trẻ biểu đạt cảm xúc bằng ngôn ngữ bằng cách nói với trẻ rằng “Con tức giận vì đồ ăn không đúng ý con muốn, phải không?”.
5. Thể hiện tình yêu thương với trẻ
Khi trẻ đã bình tĩnh và cha mẹ đã có thể trò chuyện với trẻ về cảm xúc giận dữ của trẻ, hãy trao cho trẻ một cái ôm và nói lời yêu thương với trẻ. Quan trọng là các bậc phụ huynh cần “trao thưởng” cho cách ứng xử tốt của trẻ, bao gồm việc trẻ có thể điều chỉnh cảm xúc và trò chuyện với cha mẹ về mọi thứ.
6. Cố gắng tránh những tình huống “châm ngòi” cơn giận dữ của trẻ
Chú ý tới những điều có thể khiến trẻ giận dỗi sẽ giúp cha mẹ tránh những tình huống không mong muốn (Ảnh minh họa).
Các bậc phụ huynh cần chú ý tới những tình huống khiến tâm trạng trẻ bất ổn và lên kế hoạch giải quyết hợp lý. Nếu trẻ khó chịu vì cảm giác đói, hãy mang theo đồ ăn nhanh. Nếu trẻ cáu gắt lúc chiều muộn, hãy quan tâm đến những việc nhỏ nhặt trước đó trong ngày.
Nếu trẻ gặp khó khăn khi chuyển đổi giữa các hoạt động, hãy nhẹ nhàng giúp trẻ chuẩn bị cho sự thay đổi. Khi cho trẻ biết thực tế rằng trẻ sắp phải rời sân chơi và ăn bữa tối giúp trẻ có thời gian thích ứng thay vì phản ứng.
Trẻ sẽ dần trở nên độc lập theo độ tuổi, vì vậy hãy cho trẻ lựa chọn nếu có thể. Những câu hỏi như “Con muốn ăn ngô hay cà-rốt?” thay vì “Ăn ngô của con đi!” sẽ giúp trẻ có cảm giác tự chủ.
Điều chỉnh số lần trả lời “không”. Nếu thường xuyên từ chối thẳng thừng yêu cầu của trẻ, các bậc phụ huynh có thể đang tạo ra áp lực không cần thiết đối với cả hai. Hãy tránh những tình huống như vậy và giải quyết vấn đề khéo léo hơn.
7. Chú ý dấu hiệu trẻ phải chịu áp lực quá lớn
Trẻ giận dỗi mỗi ngày là điều hoàn toàn bình thường trong vài năm đầu đời của trẻ, nhưng các bậc phụ huynh vẫn nên “cảnh giác” với những tình huống có thể xảy ra. Gia đình có xảy ra biến cố? Cha mẹ quá bận rộn hoặc mệt mỏi? Xung đột giữa cha mẹ? Tất cả những yếu tố này có thể “châm ngòi” cho cảm xúc giận dữ của trẻ.
Nguồn: CNN/ Baby