Chùm ngây - Loại rau mẹ bầu tuyệt đối không nên ăn

Minh Nhật,
Chia sẻ

Tốt ngang thuốc quý nhưng mẹ bầu tuyệt đối không nên ăn rau chùm ngây vì có thể gây sảy thai.

Theo tiến sĩ Hồ Thu Mai - Khoa dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Vinmec, chùm ngây là loại rau có giá trị dinh dưỡng cao và nhiều công dụng với sức khỏe. Trước kia, đây là loại cây mọc hoang ở nhiều nơi như Thanh Hóa, Ninh Thuận, Bình Thuận... Tuy nhiên thời gian gần đây, mọi người thường rỉ tai nhau về giá trị dinh dưỡng của rau chùm ngây, điều đó dẫn đến loại rau này được trồng phổ biến và bán với giá "cắt cổ", từ 80.000 đồng – 100.000 đồng/kg.

Chùm ngây - Loại rau mẹ bầu tuyệt đối không nên ăn! - Ảnh 1.

Rau chùm ngây được ví như loại thuốc quý chữa được nhiều bệnh.

Chùm ngây có tên khoa học là Moringa oleifera, được biết đến và sử dụng hàng ngàn năm nay ở Hi Lạp, Ấn Độ, Ý. Hiện nay có khoảng 80 quốc gia trên thế giới trồng chùm ngây làm rau ăn. Nếu so giá trị dinh dưỡng của rau chùm ngây với một số thực phẩm khác thì hàm lượng dinh dưỡng của chùm ngây cao hơn nhiều.

Ví dụ, cùng trọng lượng, lá và hoa của chùm ngây có nhiều vitamin C hơn trái cam bảy lần, gấp 4 lần chất calcium và 2 lần protein có trong sữa, giàu vitamin A hơn cà rốt 4 lần, nhiều sắt hơn rau dấp cá 3 lần và hàm lượng K của chùm ngây gấp hơn 3 lần hàm lượng K trong trái chuối.

Ngoài giá trị dinh dưỡng cao, chùm ngây còn là dược liệu quý chữa bệnh. Các bộ phận của cây chứa nhiều khoáng chất quan trọng và là nguồn cung cấp chất đạm, vitamin, Beta – carotene, acid amin và nhiều hợp chất phenolics...

Ví dụ như rễ cây chùm ngây chống co giật, chống sưng, lợi tiểu, giúp loại bỏ sạn thận loại Oxalate. Ngoài ra khi lấy rễ chùm ngây sắc nước uống có thể trị đau răng, đau tai, trị nóng sốt, phong thấp, sưng gan và lá lách...

Vỏ thân cây chùm ngây trị nóng sốt, đau dạ dày, sâu răng... Lá cây giã nát đắp lên vết thương giúp trị sưng và nhọt. Lá cũng có thể trộn với mật ong để đắp lên mắt trị sưng đỏ. Hạt cây chùm ngây thì điều trị phong thấp, trị táo bón, mụn cóc và giun sán...

Chùm ngây - Loại rau mẹ bầu tuyệt đối không nên ăn! - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Vì sao bà bầu không nên ăn chùm ngây?

Tiến sĩ Hồ Thu Mai khuyến cáo không nên ăn quá nhiều rau chùm ngây vì loại cây này có nhiều dưỡng chất, hàm lượng vitamin C và canxi. Nếu ăn nhiều dẫn đến thừa canxi, vitamin C, gây những hậu quả xấu cho sức khỏe. Khi ăn vào buổi tối sẽ có thể mất ngủ.

Đặc biệt phụ nữ có thai không nên ăn chùm ngây. Ở một số tộc người trên thế giới, chẳng hạn như tại vùng Tây Bengal (Ấn Độ), rễ cây chùm ngây được sử dụng như một vị thuốc để tránh thai. Cách dùng đó là lấy 2 nắm rễ chùm ngây (khoảng 150 gram) băm nhỏ sau đó nấu với  2 lít nước cho đến khi còn lại khoảng 0,5 lít nước thuốc cô đặc thì dùng để uống.

Trong chùm ngây có chứa alpha-sitosterol, một chất giúp ngừa thai bằng cách khiến cho trứng đã thụ tinh không thể bám vào thành tử cung để làm tổ. Đối với những phụ nữ đang mang thai, chất alpha-sitosterol sẽ gây co cơ trơn của tử cung, dẫn đến sảy thai.

Chùm ngây - Loại rau mẹ bầu tuyệt đối không nên ăn! - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Hiện nay các nhà khoa học mới chỉ tìm ra tác dụng làm sảy thai của rễ cây, đồng thời tìm thấy thành phần alpha-sitosterol ở hoa và vỏ cây chùm ngây. Tuy vậy, đã có các trường hợp sảy thai sau khi ăn rau chùm ngây được ghi nhận. Do đó, các mẹ bầu vẫn nên tránh sử dụng loại rau này trong thai kỳ để đề phòng những bất trắc có thể xảy ra.

Ngoài ra, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ nên tránh xa rễ chùm ngây vì sử dụng trong một thời gian có thể dẫn đến vô sinh.

Trên đây là lý do tại sao mẹ bầu nên tránh xa chùm ngây. Nếu lỡ ăn rồi mẹ bầu hãy bình tĩnh theo dõi sức khỏe. Nếu thấy cơ thể có gì khác thường cần đến ngay bệnh viện để kiểm tra và cấp cứu kịp thời.

Chia sẻ