5 câu nói của mẹ có thể khiến con trai bị tổn thương
Trẻ nhỏ tâm hồn rất mong manh. 5 câu nói dưới đây của mẹ có thể khiến con trai tổn thương, các phụ huynh hãy chú ý nhé.
Cha mẹ nào cũng muốn con cái khỏe mạnh, có được 1 hạnh phúc trọn vẹn. Tuy nhiên, nhiều khi trong lúc nóng giận, phụ huynh thường nói ra những lời làm tổn thương trẻ. Dưới đây là những câu nói mẹ có thể làm con trai buồn, tủi thân:
1. "Nín ngay, con trai mà khóc nhè à"
Con trai phải mạnh mẽ là một lời động viên nhưng đôi khi nó cũng là "gông cùm" khiến nhiều bé trai phải gồng mình lên, tỏ ra bản thân luôn ổn, trong khi có thể con đang rất bất ổn về tâm lý.
Người lớn thường mặc định, con gái yếu mềm còn con trai phải mạnh mẽ, độc lập để mai sau làm việc lớn. Quan điểm này rất bất công cho những bé trai. Bởi nó sẽ vô tình tạo khoảng cách và giới hạn cho những đứa trẻ. Bên cạnh đó sẽ khiến khoảng cách giữa cha mẹ và con cái ngày 1 xa. Bởi chúng không cảm nhận được sự tôn trọng, thương yêu và đồng cảm từ người thân của mình.
Con trai hay con gái đều có nhu cầu thể hiện cảm xúc. Việc khóc là một phản ứng rất bình thường của con trước sự đau khổ, buồn bã. Trẻ khóc không có nghĩa là con rụt rè, yếu đuối mà thực chất là con đang đào thải cảm xúc tiêu cực mà thôi. Nếu trẻ thường xuyên phải kìm nén cảm xúc, con có thể bị tổn thương cả về thể chất lẫn tinh thần.
Vì vậy thay vì cấm đoán bé trai không được khóc, mẹ nên dành lời an ủi bé, cho con những cái ôm ấm áp, hãy lắng nghe tâm sự và cảm xúc của trẻ.
2. "Con trai lớn lên phải giỏi giang, giàu có"
Hiện nay, không ít bố mẹ vẫn còn nặng quan điểm, con trai là trụ cột gia đình nên lớn lên nhất định phải giỏi giang, kiếm tiền giỏi. Nếu không được như vậy thì là thứ vô tích sự.
Điều này vô tình gây áp lực cho đứa trẻ. Giỏi giang hay kiếm tiền giỏi không phải là yếu tố duy nhất quyết định sự thành công hay thất bại của con trong cuộc sống. Nó chỉ khiến đứa trẻ cảm thấy ngột ngạt hơn mà thôi.
Việc cha mẹ quá coi trọng đồng tiền và ép con trai phải thành công theo hướng đó sẽ khiến trẻ dễ có suy nghĩ lệch lạc, ham mê vật chất, khinh rẻ người nghèo...
Thay vì kỳ vọng con trai phải kiếm được tiền, phụ huynh nên dạy cho con phát huy lợi thế của bản thân, học cách san sẻ, đồng cảm với mọi người và học cách giúp cuộc sống của mình trở nên hạnh phúc.
3. "Nhìn con nhà người ta xem..."
Những câu nói mang tính chất so sánh có độ sát thương rất cao đối với trẻ. Cha mẹ thường so sánh con mình với con người ta nhắm khuyến khích trẻ học tập, cố gắng phấn đấu bằng người khác.
Tuy nhiên, đây là những câu nói mang tác dụng ngược lại. Trong tâm trí, trẻ sẽ luôn suy nghĩ mình là kẻ kém cỏi, dù cố gắng thế nào cũng chỉ đạt được kết quả như vậy, không thể giỏi bằng con nhà người khác. Đồng thời, việc so sánh con mình và đứa trẻ khác là cha mẹ đã gián tiếp phủ nhận những nỗ lực của trẻ. Việc này chỉ khiến bé càng ngày càng thụt lùi, kém cỏi, thiếu ý chí phấn đấu.
Không những thế, việc so sánh còn khiến một số trẻ nảy sinh tâm lý ghen ghét, đố kỵ. Đó là một tính cách rất xấu. Nó có thể làm nhân cách của trẻ bị ảnh hưởng.
4. "Con trai không cần làm việc nhà, việc của con là ra ngoài kiếm tiền"
Theo quan niệm ngày xưa, đàn ông không cần làm việc nhà mà thường ra ngoài xã hội kiếm tiền, trở thành "trụ cột" vững chắc cho gia đình.
Đây là việc làm thể hiện sự phân biệt giới tính của cha mẹ. Ngày nay xã hội đã công bằng hơn, không chỉ có nam giới đi làm kiếm tiền mà cả nữ giới cũng tham gia lao động, góp phần xây dựng xã hội văn mình, giàu mạnh. Việc không để con trai làm việc nhà vô tình sẽ khiến chúng trở nên lười biếng, phụ thuộc. Không những thế tư tưởng phân biệt giới tính sẽ in sâu vào suy nghĩ của trẻ khiến chúng cũng sống áp đặt và gia trưởng như bố mẹ của mình.
5. "Con vô dụng như bố vậy"
Trong lúc mất bình tĩnh, mẹ có thể "xả" cơn giận lên chồng và con bằng câu nói: "Sao con vô dụng như bố thế?". Câu nói này sẽ gây tác động lớn đến tâm trí của bé trai. Nói xấu người khác trước mặt trẻ là bạn đã vô tình làm xấu hình ảnh của chính mình và đối phương trong mắt con. Không những thế, việc đặt trẻ so sánh với một ai đó sẽ khiến bé luôn mang cảm giác tự ti, cảm thấy bản thấy chỉ là kẻ vô dụng và không muốn gần gũi cha mẹ.